Bao câu chuyện bi tráng bên căn cứ Đức Dục - An Hòa ở xã Duy Tân (Duy Xuyên) - tổ hợp căn cứ quân sự hành chính, do chế độ cũ lập ra về những hố chôn tập thể, về những mất mát đau thương do chiến tranh gây nên, chuyện của hai anh em ruột chứng kiến bi thương và ám ảnh đi theo suốt cuộc đời, họ lên tiếng để có những cuộc đoàn tụ, hé lộ thêm những hố chôn tập thể của bộ đội ta..
Trong chiến tranh, Khu kỹ nghệ An Hòa được quân Mỹ xây dựng nhằm phục vụ cho hậu cần xâm lược miền Nam nước ta; cũng tại đây những cuộc đối đầu quyết liệt giữa địch và quân ta, nhiều chiến sĩ đã hy sinh và nằm lại trong hố chôn tập thể của địch, hằn sâu trong ký ức nhân chứng thời lửa đạn...
Âm mưu của quân địch
Theo lịch sử ghi lại, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đến đầu những năm 1960, người Mỹ đã khảo sát, quy hoạch và tiến hành san ủi mặt bằng, xây dựng Khu kỹ nghệ An Hòa nhằm chuẩn bị phục vụ hậu cần cho chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta.
Đồng thời chế độ Ngô Đình Diệm cũng ráo riết triển khai lập “ấp chiến lược” khắp miền Nam và thực hiện việc chia nhỏ các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện để dễ áp đặt ách thống trị, đàn áp các chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước và phong trào đấu tranh của nhân dân ta.
Ngày 31/7/1962, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 162-NV thành lập một tỉnh mới có tên là Quảng Tín (chia tách từ tỉnh Quảng Nam), tỉnh lỵ đặt tại Tam Kỳ, lấy sông Ly Ly (sông Rù Rì) làm ranh giới hành chính. Phía nam sông Ly Ly là tỉnh Quảng Tín.
Phía bắc sông là tỉnh Quảng Nam, gồm chín quận Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Đức Dục, Quế Sơn, Hiếu Nhơn, Hiếu Đức và Thượng Đức. Quận Đức Dục bao gồm bốn xã của Đại Lộc, năm xã vùng tây Quế Sơn và hai xã phía tây (Duy Xuyên). Quận lỵ Đức Dục đóng tại thôn Phú Đa, xã Xuyên Thu cũ (nay là thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu, Duy Xuyên).
Cùng với việc xây dựng các thiết chế hành chính, địch tập trung thiết lập Chi khu quân sự và Chi Cảnh sát Đức Dục kiên cố, với quân số rất đông, gồm trung đoàn 5 và tiểu đoàn 2 quân chủ lực, bốn đại đội bảo an, một đại đội biệt kích, cùng hàng trăm dân vệ, phòng vệ dân sự ở các xã. Riêng cảnh sát, ngoài cảnh sát đặc biệt, cảnh sát dã chiến, cảnh sát tư pháp, cảnh sát công lộ, còn có một tiểu đoàn an ninh bảo vệ Khu kỹ nghệ An Hòa và sân bay Đức Dục.
Nhân chứng của lịch sử
Ngày 20/4/1964, Mỹ đổ quân vào xây dựng cứ điểm Đức Dục - An Hòa thành một căn cứ quân sự hiện đại, kiên cố, với quân số rất đông của các binh chủng, gồm trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ, một trung đoàn pháo binh, một tiểu đoàn thiết giáp và năm tiểu đoàn bộ binh.
Với sự trang bị nhiều phương tiện phục vụ chiến tranh tối tân nhất lúc bấy giờ, quận lỵ Đức Dục và căn cứ quân sự Đức Dục - An Hòa trở thành cứ điểm vô cùng lợi hại, có khả năng khống chế, oanh tạc cả một vùng rộng lớn ở vùng tây Duy Xuyên và vùng giáp ranh Tây Đại Lộc, Tây Quế Sơn, gây nhiều khó khăn cho cách mạng.
Trong cuộc chiến cam go này, hai anh em Võ Văn Lào và Võ Văn Hòa chứng kiến mất mát, hy sinh của quân ta tại những hố chôn tập thể. Ông Võ Văn Lào (70 tuổi) và Võ Văn Hòa (68 tuổi) hiện sinh sống tại thôn Bồng Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên vẫn nhớ như in sự việc năm xưa.
Sau Tết Kỷ Dậu 1969, lúc đó Võ Văn Lào khoảng 13 tuổi đang học lớp 4. Do làm lớp trưởng nên cậu bé đi sớm để mở cửa vào lớp học, thì thấy chiếc xe ủi trờ tới và nghĩ đó là chiếc xe đổ rác của Mỹ, bởi thường ngày bọn trẻ con thường theo ra chỗ đổ rác để nhặt nhạnh những đồ còn sót lại…
Nhưng lại gần, Võ Văn Lào thấy chiếc xe ủi đào hố dài 20m, đào hết phần đất đỏ, đến phần đất sét, tạo thành hố sâu dài như dãy thông hào, đứng lút người. Từ trên xe quân sự, bao to đưa xuống, đập vào mắt Võ Văn Lào là năm thi thể mặt mũi đen nghịt khói.
Trong đó một cô gái còn rất trẻ khoảng mười chín, đôi mươi đoán là y tá; một người mặc đồ kaki mốc đoán là thủ trưởng vì tay còn đeo chiếc đồng hồ, trên vai vẫn đeo chiếc đài 3 băng…; còn lại 3 thi thể rất trẻ, mặc đồ bộ đội kaki màu xanh. Bọn Mỹ cho 5 thi thể vào một bao rồi chôn vào hố mới đào và lấp lại.
Ông Võ Văn Lào và những người chứng kiến đều suy đoán bộ đội ta chết ngạt vì thi thể lành lặn, đêm trước đó Đại đội đặc công 6, Quân khu 5 tấn công vào Sở chỉ huy trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ Mỹ, đốt cháy kho đạn của địch….
Cũng tại nơi này - nghĩa địa Đồng Minh, thôn Phú Đa 1 (xã Duy Thu cũ) nay là xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, năm 1973 người em ruột của Võ Văn Lào là Võ Văn Hòa cũng chứng kiến và nghe người dân kể lại rằng 12 giờ khuya có thông tin của trưởng thôn tên là Cự: Việt cộng sẽ tấn công Khu căn cứ An Hòa.
Hiệu trưởng Huỳnh Văn Dần cho tất cả giáo viên và học sinh xuống hầm trú ẩn. Vào 1 giờ sáng, tiếng lựu đạn nổ chát chúa, một lúc sau thì im lặng. Tờ mờ sáng hay tin bộ đội ta hy sinh nhiều lắm, bọn chúng kháo nhau là 72 chiến sĩ của Sư đoàn Sao Vàng, nhưng thực chất đây là Đại đội đặc công 409.
Ông Võ Văn Hòa cùng dân chúng ra cách cổng Khu kỹ nghệ An Hòa khoảng 10m thì thấy các chiến sĩ nằm đó trên người chỉ có quần lót, trên đầu vẫn còn đội mũ tai bèo, khuôn mặt ai cũng đầy lọ lem được ngụy trang bằng nước lá rau lang, họ khoảng mười tám, đôi mươi…
Xe ủi trờ tới, đào hố dài 20m đến 30m, đưa thi thể các anh vào hố chôn và lấp lại. Có 3 chiến sĩ còn sống bị địch bắt trong đó có một đồng chí là tiểu đội trưởng, các anh không hiểu được tiếng Quảng, hỏi gì các anh cũng lắc đầu, sau đó địch đưa các anh đi đâu không rõ.
-----------------------------------------
Bài cuối: Nằm lại trong lòng đất mẹ...