Chuyện ở ngôi nhà trẻ khuyết tật

20/10/2015 09:52

Trung tâm phục hồi chức năng Phú Ninh, nơi nhiều trẻ khuyết tật được cưu mang, giúp đỡ từ các cô điều dưỡng.

Trung tâm phục hồi chức năng huyện Phú Ninh thành lập năm 2010 do Tổ chức VVAP (Hội cựu chiến binh Mỹ) tài trợ. Ngoài ban giám đốc, cả trung tâm có 4 điều dưỡng thay phiên tập luyện vật lý trị liệu cho trẻ, hướng dẫn phụ huynh tập luyện cho con, vừa làm đầu bếp. Họ coi những đứa trẻ ở đây như con và các trẻ bị khuyết tật cũng gọi họ trìu mến là "mẹ".

Cô Lê Thị Lý (chuyên viên điều trị chuyên môn), cho hay trung tâm đang chăm sóc, trị liệu cho 92 em khuyết tật. Chủ yếu các em bị bại não, liệt toàn thân hoặc nửa người, khả năng phục hồi rất mong manh. Gia đình đều rất nghèo, các em được cha mẹ đưa đến trung tâm với hy vọng được phục hồi một phần khả năng vận động. Hàng ngày, các cô phân chia từng nhóm trẻ khuyết tật rồi thực hiện các bài tập. Nhóm tập ngồi, nhóm tập đi, nhóm khác tập lăn, tất cả các cô và phụ huynh đều cố gắng.

Bảo mẫu Lê Thị Lý dìu bé Phạm Thị Thanh Trúc trên xe tập đẩy bốn bánh. Ảnh: D.THÙY
Bảo mẫu Lê Thị Lý dìu bé Phạm Thị Thanh Trúc trên xe tập đẩy bốn bánh. Ảnh: D.THÙY

Cũng chính nhóm điều dưỡng nữ đã đến từng gia đình thuyết phục đưa trẻ đến luyện tập. Đối với trường hợp ở quá xa thì các cô đến tận nhà luyện tập cho từng em. "Em Hoàng Đại Hiệp (thôn 10, xã Tam Thành) khi mới sinh ra đã bị dị dạng. Ban đầu nhìn vào ai cũng thấy sợ nhưng dần dà đến nhà thấy các em siêng tập luyện chúng tôi thấy em dễ thương quá đỗi, không ai nỡ bỏ mặc các em" - cô Phạm Thị Kim Dung (chuyên viên điều trị tại cộng đồng) chia sẻ.

"Vào mỗi ngày lễ Quốc tế thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu, thương các em thiệt thòi các cô trong trung tâm động viên phụ huynh chúng tôi tự tập các bài múa, bài hát, tập kịch để diễn cho các em xem. Từng tiết mục văn nghệ do các cô diễn, các em vỗ tay hoan hô. Lúc đó chúng tôi thật sự hạnh phúc. Các cô luôn dành cho con chúng tôi những tình cảm đặc biệt, không biết lúc nào chúng tôi mới đền đáp công ơn được cho các cô" - chị Nguyễn Thị Minh Tám (mẹ cháu Nguyễn Công Hảo) cho biết.

Bảo mẫu Phạm Thị Kim Dung hướng dẫn em Nguyễn Hữu Sang (mắc bệnh hẹp sọ não) bài tập xoay tay chân kết hợp trên máy tập.
Bảo mẫu Phạm Thị Kim Dung hướng dẫn em Nguyễn Hữu Sang (mắc bệnh hẹp sọ não) bài tập xoay tay chân kết hợp trên máy tập.

Cháu Hà Công Nguyên Khang (8 tuổi, xã Tam Dân) là một trong những điều kỳ diệu ở trung tâm. Năm 2010, cháu Khang được bố mẹ đưa vào trung tâm với chứng não úng thủy, hoàn toàn mất khả năng vận động. Sau 9 tháng kiên trì tập luyện, cháu tự mình tựa ghế đứng lên và bước đi. "Giây phút cháu đứng lên, bước đi, các bảo mẫu và phụ huynh đều đứng lặng, vỡ òa vui sướng. Tất cả chúng tôi đều không nghĩ em có thể làm được điều kỳ diệu ấy" - bảo mẫu Lý nói. Hiện tại Khang đã học lớp 2, hai năm liền là học sinh giỏi.

Trường hợp của em Phạm Phú Thịnh (ở xã Tam Vinh), từng được biết với nhân vật vượt khó vươn lên, đậu đại học với đôi mắt gần như mù, cũng từng được luyện tập ở trung tâm. Ngoài tấm gương học tập của Thịnh, còn nhiều em ở Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật huyện Phú Ninh đã đỗ vào các trường đại học, em Võ Thanh Thảo, sinh năm 1997 (bị bại liệt nửa người) nay là sinh viên của Trường Đại học Quảng Nam, em Phan Thị Kim Vân, sinh 1994 (bị bại liệt hai chân) nay là sinh viên của Trường Đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh…

Ông Lê Văn Minh - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Ninh, Giám đốc trung tâm, cho biết: "Qua 5 năm quản lý, tôi cảm nhận được tình thương, sự ấm áp của các cô ở trung tâm phục hồi chức năng dành cho trẻ em khuyết tật. Các cô làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, được lãnh đạo tin tưởng, phụ huynh yên tâm và các trẻ quý mến như người mẹ thứ hai của mình".

Chính nhờ những người giàu nhiệt huyết, giáo dục trẻ khuyết tật bằng cả trái tim của người mẹ mà những năm qua, các cô điều dưỡng ở Trung tâm phục hồi chức năng Phú Ninh đã góp tay vào xoa dịu nỗi đau cho nhiều trẻ khuyết tật ở đây.

DUNG THÙY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ở ngôi nhà trẻ khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO