Cái nắng gắt của núi rừng Bắc Trà My vừa kịp làm chiếc blouse trắng thấm đẫm mồ hôi thì cơn mưa chiều đã ùn ùn kéo đến. Ngoài hành lang trường Tiểu học Trà Bui (huyện Bắc Trà My), những hàng người vẫn xếp hàng chờ đến lượt mình được khám, phát thuốc; ở góc cuối phòng, đoàn công tác từ thiện vẫn đang tất bật chăm sóc cho từng người bệnh… Rất nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động về sự chia sẻ yêu thương!
1.Có lẽ bác sĩ Trần Thị Ngọc Hương (công tác tại Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh) sẽ khó quên hình ảnh người phụ nữ mới 21 tuổi mà đã một nách với 3 con nhỏ. Chưa kịp mặc chiếc áo blouse trắng, chị Hương đã phải vội bế đứa bé mới 8 tháng tuổi khóc ngằn ngặt vì bị ghẻ lở khắp mình mẩy. Trái tim của người mẹ, người bác sĩ khiến chị không kìm được nước mắt, chị nói: “Thương cháu bé quá! Thời buổi này hiếm khi trẻ con bị sài, ghẻ lở. Vậy mà ở đây các cháu vẫn phải chịu đựng những vết đau đó. Nhìn thấy đứt ruột cứ như con mình đang bị đau vậy đó”. Ngoài việc kê đơn thuốc, chỉ dẫn người mẹ chăm sóc vết lở cho đứa bé, sau buổi khám bác sĩ Hương còn quày quả ra phía sau trường Tiểu học Trà Bui tìm bứt lá ổi và nhờ một cán bộ ở xã dẫn đến nhà người phụ nữ trẻ để chỉ dẫn cách nấu lá ổi với muối tắm cho em bé.
Khám chữa bệnh cho bà con vùng núi cao Bắc Trà My. Ảnh: M.KIỆT |
Thường xuyên đi khám chữa bệnh từ thiện, lần này bác sĩ Lê Thị Hồng Đào (một thành viên của đoàn công tác) vẫn không quên dẫn theo cô con gái mới 18 tuổi. Con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu với bao cảm giác mệt mỏi vẫn không ngăn được sự háo hức của cô gái trẻ Trương Bình An. Lần đầu tiên được đi cùng mẹ trên quê hương, Bình An chỉ biết thốt lên 2 từ “đẹp quá!”. Bác sĩ Đào nhỏ nhẹ tâm sự: “Nó lớn lên ở thành phố, không biết cực khổ là gì! Chuyến đi này tôi hy vọng mang lại cho con những trải nghiệm về cuộc sống. Nhất là để con thấy được quê hương mình còn lắm mảnh đời cơ cực và con sẽ phải tìm cơ hội để có thể quay trở lại giúp đỡ quê nhà”. Bởi vậy, chị Đào và nhiều người trong đoàn mỉm cười hạnh phúc khi thấy Bình An tận tay đỡ những người già yếu ớt đứng chờ khám bệnh vào bàn khám bằng thái độ ân cần và yêu thương nhất.
2. Không khí ở hội trường Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em TP.Đà Nẵng chiều hôm ấy nhộn nhịp và vui chưa từng có. Với 100 phần quà dành tặng người nghèo, khuyết tật và 50 phần học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học của Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh, giúp khơi dậy sức mạnh tình người, một sự quyết tâm phải làm cái gì đó tốt hơn nữa, thiết thực hơn nữa cho quê hương. Câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh đã khiến nhiều bậc học sinh và học sinh cảm động. “Tôi mất ba từ năm tôi lên 4 tuổi, tôi chỉ gần mẹ được 3 năm. Một thời gian dài tôi sống ở Sài Gòn bằng đủ các nghề để có thể lo cho cuộc sống của mình. Tôi đã từng khóc thầm mỗi đêm, nhưng rồi sáng ra tôi lại vui vẻ đến trường, tôi cố gắng học và tôi biết chỉ khi nào học thật giỏi thì tôi mới có thể thay đổi được cuộc đời mình. Tôi biết, tất cả các em ở đây đều có trong mình một hoàn cảnh riêng, một nỗi khổ riêng… nhưng tôi lại tin các em sẽ biết cách vượt qua khó khăn bằng chính nghị lực của mình, bằng tình yêu thương mà mọi người xung quanh đang dành cho các em”. Không hề có sự chuẩn bị trước, em Trần Ngọc Thanh - một học sinh giỏi của huyện Hòa Vang mạnh dạn đứng lên xin phát biểu: “Con cũng mất ba từ khi con mới lọt lòng, má con cũng đau ốm liên miên suốt bao năm qua. Đã có lúc con nghĩ đến chuyện bỏ học để kiếm cái nghề nuôi má, đỡ gánh nặng cho má. Nhưng, giờ thì con biết mình nên làm gì. Con xin hứa với tất cả chú bác trong hội đồng hương, con sẽ học và học rất giỏi để có cho mình một nghề nghiệp ổn định, để má con có thể tự hào về con trai của mình”.
Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện được kể ở quê nhà của những người Quảng xa xứ về sau này. Đôi khi, chỉ là một cuộc trở về để thăm quê, chỉ với dăm ba câu chuyện đời nhưng nếu được nói và chia sẻ bằng chính tình người xa xứ, bằng tình yêu da diết đối với quê nhà thì sự khát khao cho một tương lai tươi sáng là điều mà mọi người cũng hướng đến…
MINH KIỆT