Trên các hòn đảo ngoài Trường Sa, bộ đội nuôi chó, chăm chó như “chăm” chính mình, vì nó là một phần của nắng gió Trường Sa mà người lính phải đối mặt mỗi ngày.
“Ở lại đi, đừng về mà”. Ảnh: Lê Bá Dương |
Từ khách lạ thành người quen
Năm 2013 tôi có dịp đặt chân lên một số đảo chìm ở Trường Sa và nhận xét rằng “những chú chó ở đây không biết sủa”. Khi nghe tôi nói thế, trưởng một đảo chìm đính chính: “Không phải thế đâu nhà báo! Lũ chó nhận biết đâu là khách quý đấy”. Rồi anh kể về trường hợp của một con… heo: “Thường thì heo mang ra đảo nuôi 3 - 4 tháng, đợi đến mùa biển động làm thịt để bộ đội có chút “chất tươi”. Nhưng có một con heo của đơn vị đã hai mùa thay lính mới mà vẫn còn “được” vui đùa với lũ chó chứ chưa bị hóa kiếp. Anh biết vì sao không? Hai năm trước, có một chú “heo mọi” được đưa theo tàu của bộ đội chuyển quân ra Trường Sa, rồi “biên chế” về đây. Con heo vừa đặt chân lên đảo, lũ chó lần đầu tiên thấy con vật “kỳ quái” này bèn lao vào cắn. Con heo mới “nhập gia”, chân chưa bén đất đã gặp ngay đám hung thần nhe răng đầy sát khí. Theo phản xạ tự nhiên, chú heo lao ra biển rồi khuất dần vào bóng đêm. Anh em lính đảo nhìn nhau ngẩn ngơ nhưng không dám bơi theo vì trời tối mà bơi trên những rặng san hô ở rìa đảo tai họa thật khó lường. Cả đảo, ai cũng tức lũ chó thì ít mà tiếc con heo thì nhiều! Để đem được con heo ra tận đảo chìm ngoài Trường Sa là cả một kỳ công. Ấy thế mà lũ chó đã làm hỏng bữa tiệc của bộ đội, không tiếc sao được.
Tác giả với đàn chó ở một đảo chìm Trường Sa. Ảnh: Đình Quân |
Trong lúc cả đảo ai cũng nghĩ con heo đã làm mồi cho lũ cá thì 4 giờ sáng hôm sau, anh nuôi dậy nấu cơm đã nghe tiếng ì oạp khác thường. Anh ta nói với lính gác: “Hình như có “kẻ gian” đột nhập vào đảo các đồng chí ơi!”. Anh lính gác rọi đèn pin và thấy chú heo đang bơi vào đảo. Thì ra, sau khi bị đàn chó tấn công, chú heo đã bơi thoát thân ra một cụm đá san hô để trú ngụ qua đêm. Khi nước thủy triều dâng ngập đá, chú heo đã bơi lại vào đảo. Ngay lập tức, đàn chó được “tập hợp” dưới sự điều hành của đồng chí đảo trưởng. Anh ấy đã “huấn thị” với lũ chó rằng, con heo này chính là thành viên mới của chúng ta, vì thế chúng mày không được xua đuổi nó. Lũ chó đã “nghe ra” lời căn dặn của vị chỉ huy. Kể từ hôm đó, trên đảo chìm này có thêm một thành viên mới.
Bao lớp lính đã thay quân mà con heo ngày nào vẫn còn vui đùa cùng lũ chó. Cứ mỗi lần có ý định giết thịt con heo ấy, lại nghĩ đến cảnh nó đứng suốt đêm trong gió lạnh dạo nào để sáng sớm hôm sau bơi vào đảo, chúng tôi lại từ bỏ ý định. Giờ như lũ chó, chú heo đã là thành viên của đảo”.
Và câu chuyện chó - heo là đề tài không thể thiếu mỗi khi có khách từ đất liền ghé thăm đảo.
Chó cũng phải… “luân chuyển”
Bạn ở nhà giàn Những ai đặt chân lên các nhà giàn ở Trường Sa sẽ cảm nhận được phần nào sự chật chội của nó. Tuy nhiên, dù chật chội thế nào đi nữa, lính ta vẫn nuôi thêm một chú chó, xem như “thành viên thứ 13” trong tiểu đội 12 người. Giống chó được chọn là chó ta, còn gọi chó cỏ. Bộ đội chọn giống chó này để nuôi vì nó dễ thích nghi với hoàn cảnh chật chội và có lúc “đứt” thực phẩm do động biển. Thêm chú chó trong một không gian không lấy gì làm rộng rãi như nhà giàn nhưng ngôi nhà của lính lại vui nhộn hẳn lên. Chú chó đã thành tâm điểm cho các trò nghịch ngợm của lính, từ chuyện tập cho chó bò trườn, tập đứng lên tự đi… |
Ở các đảo chìm, loài chó sinh sôi nhiều vô kể. Vì xem lũ chó như thành viên của đơn vị nên hiếm hoi lắm, chúng mới bị bộ đội giết thịt. Như một sự sắp xếp tự nhiên không cần bầu chọn, mỗi đảo có một chú chó thủ lĩnh. Con chó đực này cai quản cả một “hậu cung” chừng 10 con chó cái. Tất cả đều răm rắp tuân lệnh, chả thấy cảnh “ghen tuông” gì ở “hậu cung”, cũng không thấy cảnh “đánh nhau” giữa các chàng để giành ngôi thứ.
Hôm chúng tôi rời đảo chìm, anh chỉ huy gửi theo đoàn một chú chó đực chưa đầy một năm tuổi. Cứ tưởng đó là quà tặng cho một ai trong đoàn, hóa ra không phải. Khi chuyển chú chó ấy lên tàu rồi, anh chỉ huy mới a lô cho vị chỉ huy đảo chìm mà đoàn sắp ghé thăm: “Tôi đang “điều động” qua cho ông một chàng to khỏe và đẹp trai rồi nhé”. Hỏi ra mới biết, ngoài Trường Sa, không chỉ có bộ đội mới phải luân chuyển giữa các đảo mà chó cũng phải dịch chuyển từ đảo này qua đảo khác. “Phối giống vài ba lứa là anh em phải thay vì sợ cận huyết, giống chó dễ bị thoái hóa. Như con chó này, nó thành “thanh niên” rồi nên chuyển qua đảo khác để nó có “bạn gái” bên ấy” - anh bộ đội vừa ôm chú chó vào lòng vừa phân trần với khách lý do “luân chuyển”.
Đúng một ngày lênh đênh trên biển say sóng đứ đừ, “anh chàng to khỏe” đã nhập vào đơn vị mới. Bắt đầu từ hôm đó, chú chó này sẽ là “thủ lĩnh” của đàn chó và cũng là “đức lang quân” của một rừng chị em nhà chó tại đây.
Do đặc thù của khí hậu, không chú chó nào từ Trường Sa “luân chuyển” về đất liền mà sống được. Vì vậy, lính hết thời gian nghĩa vụ thì rũ áo lính ra quân, riêng đàn chó thì vẫn bám trụ suốt đời với nắng gió giữa trùng khơi.
TRẦN ĐĂNG