Làng Khánh Thọ, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình xưa (nay thuộc xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) có một nhân vật nổi tiếng - đó là ông Phan Văn Xưởng, sinh năm 1816, đỗ cử nhân lúc 18 tuổi (1834), được ghi nhận là một trong những nho sĩ Quảng Nam đỗ đạt sớm nhất.
Bia dựng trước mộ ông Phan Văn Xưởng ở Khánh Thọ, Tam Thái, Phú Ninh. |
Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn đã có 18 lần ghi những chi tiết liên quan đến hành trạng của ông Phan Văn Xưởng - đó là điều hiếm thấy đối với một viên quan chưa được dự vào hàng tứ phẩm.
Hoạn lộ của ông cử nhân 18 tuổi
Sau khi đỗ cử nhân, chẳng rõ những năm đầu ông Phan Văn Xưởng tiến thân trên đường làm quan như thế nào? Chỉ biết 7 năm sau khi thi đỗ (1841), vào thời vua Thiệu Trị, lúc mới 25 tuổi, ông Xưởng đã làm đến chức Ngự sử ở Tôn Nhân phủ - một cơ quan chuyên việc quản lý các hoạt động của thân tộc nhà vua. Điều đó cho thấy triều đình vua Thiệu Trị khá tín nhiệm viên quan trẻ có năng lực này. Sách Đại Nam thực lục ghi lại: vào tháng 2 năm 1841, triều đình đã giao cho ông Xưởng vào Nam lĩnh chức Ngự sử đạo Định Tường - Biên Hòa. Ở đây, ông được giao xem xét về việc viên tri phủ Ba Xuyên có âm mưu tiếp tay với dân gốc Miên cùng dân gốc Hoa gây rối. Theo lời tâu của ông Xưởng, triều đình đã bãi chức viên quan này và đày y làm lính ở An Giang. Trước đó, cũng trong tháng 2 năm ấy, căn cứ vào lời đàn hặc của ông Xưởng về việc tiến cử không đúng phép, nhà vua đã quở trách các quan đứng đầu bộ Hình về việc “trái lời và khinh nhờn”, đồng thời thưởng cho ông Xưởng một tấm lụa. Sau đó, ông Xưởng được giao nhiều việc có liên quan đến việc trị an ở nhiều vùng thuộc Lục tỉnh Nam kỳ. Đến tháng 7 năm 1841, được gọi về Huế nhận chức Chưởng ấn Cấp sự trung ở bộ Lễ.
Vinh dự nhất đối với ông Xưởng là việc được tháp tùng Thiệu Trị trong chuyến tuần du ra Bắc vào mùa xuân năm 1842. Trong chuyến “hỗ giá” này, cùng với việc đàn hặc việc làm sai của một số viên quan trên đất Bắc, ông Xưởng đã được tham gia một công việc đặc biệt: đó là giúp cho ông Vũ Xuân Cẩn - Thượng thư bộ Hình xử lý 4.000 lá đơn khiếu kiện tồn đọng từ nhiều năm trước của dân chúng từ Quảng Bình đến Cao Bằng vừa bị nhà vua phát hiện.
Sách Đại Nam thực lục đã ghi nhận ông Xưởng đã từng dâng tấu sớ can gián và tham mưu nhiều việc với vua Thiệu Trị, nhưng không phải việc gì nhà vua cũng nghe; thậm chí còn bị quở trách khi dám dâng sớ bàn về việc quân sự - dù trong thời gian làm Ngự sử ở Nam kỳ, ông Xưởng từng đóng góp những ý kiến xác đáng cho các vị tổng đốc địa phương về việc quân. Nguyên văn lời vua Thiệu Trị như sau: “Xưởng là một thư sinh nhỏ mọn, công việc binh cơ đã thành thuộc gì mà dám dâng tấu tập. Một mình xin phái thêm quân thì để các đại thần, kinh lược, tướng quân, tham tán vào chỗ nào? Truyền chỉ cho biết từ nay về sau không được nói năng khinh suất như thế, sẽ bị lỗi không nhỏ!” (Đại Nam thực lục).
Bài văn tưởng nhớ mẹ hiền
Tại quê ông Phan Văn Xưởng hiện còn lưu một tấm bia đá lớn trên đó khắc bài văn “tưởng nhớ mẹ hiền” do chính ông cử nhân trẻ nói trên chấp bút và được “đồng duyệt” bởi hai ông quan cùng thời với tác giả: đó là các ông Nguyễn Chương Phủ, lúc ấy đang giữ chức Đề hình Án sát sứ tỉnh Quảng Nam và ông Nguyễn Tường Phổ (1807 - 1856) - một tiến sĩ nổi tiếng hay chữ người vùng Hội An, Quảng Nam. Việc nhờ người có khoa bảng, “hay chữ” cùng đọc và duyệt đó là một truyền thống trong việc sáng tác Nho học xưa - đó là một sự bảo chứng cho tài văn chương cũng như sự chính xác trong nội dung bài văn của ông Xưởng.
Bài văn ấy được viết trong hoàn cảnh sau: Tháng 3 năm 1842, trong khi đang theo vua Thiệu Trị kinh lý trên đất Bắc, được tin thân mẫu tạ thế ở quê nhà, ông Xưởng xin phép nghỉ “đinh gian” (theo lệ của triều đình, cha mẹ ruột mất, con đang làm quan được cho phép nghỉ có thời hạn để lo việc tang). Sau khi an táng mẫu thân, ông Xưởng viết bài văn tưởng niệm thân mẫu. Việc khắc và dựng trên mộ mẹ ông Xưởng hẳn tiến hành vào thời điểm này. Đây là một văn bản rất giá trị đối với các nhà nghiên cứu văn hóa địa phương đời sau; bởi trong đó đã ghi lại được nhiều nét sinh hoạt đặc trưng của một gia đình quan lại người Quảng Nam thời xưa - mà trong đó, chuyện mẹ dạy con làm quan là đáng được nhắc lại. Trong bài văn khóc mẹ, ông Phan văn Xưởng đã nhắc đến tích “Phong trả” đời xưa (Phong: niêm phong, khằn kín lại; Trả: hũ cá muối mà người phương Bắc thường dùng để dành ăn trong mùa lạnh) đại ý như sau: “Bà mẹ khuyên người con đang làm quan phải phong kín hũ cá muối trở lại (hũ cá ấy được tặng cho người con làm quan với ý hối lộ và người con đã lỡ mở ra) và bà mẹ bảo con sai lính đem trả ngay cho người tặng”. Điển tích này thường dùng để chỉ việc các bà mẹ khuyên con giữ gìn sự thanh liêm khi làm quan. Cũng trong bài văn nói trên, ông Xưởng cho biết mẹ ông là bà Hoàng Thị đã thường xuyên cho ông thêm tiền để mong cho ông sống đầy đủ; để khỏi phải dính vào chuyện tham tang (nhận của đút lót).
Hành trạng cuối đời
Đoạn cuối đời làm việc của ông Phan Văn Xưởng có nhiều sử liệu, tư liệu ghi khác nhau, cần được nghiên cứu để làm sáng tỏ.
Theo sách Đại Nam thực lục, 8 tháng sau khi hết tang mẹ, trở lại kinh đô, được giao chức Án sát tỉnh Biên Hòa (tháng 9 năm 1843), ông Xưởng lại bị dính vào một vụ án, bị kết tội, bị bãi chức rồi bị sung làm lính. Chi tiết nói trên cũng được sách Quốc triều hương khoa lục ghi rõ.
Trên bia mộ ông Phan Văn Xưởng được dựng khi cải táng ngày 10.4.2002 ở làng Khánh Thọ, Tam Thái, Phú Ninh thì gia tộc ghi là: ông Xưởng đã từng giữ chức Án sát tỉnh Quảng Nam và từng tham gia chống Pháp tại Đà Nẵng vào năm 1858 và tạ thế vào năm 1882. Ở vùng Tam Kỳ, hiện còn một tấm bia gỗ lập năm Minh Mạng thứ 21 (1840) của Văn hội Nho học huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình có khắc dòng chữ “Ngự sử Phan Văn Xưởng”; tấm bia này đang treo trang trọng ở Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ.
Gần đây, tiến sĩ Ngô Văn Minh ở Đà Nẵng, trên một bài báo cũng nhắc đến chi tiết ông Phan Văn Xưởng tham gia đội quân do Đốc học Nam Định là Phạm Văn Nghị tổ chức - từ Bắc và Huế xin tham gia chống Pháp.
PHÚ BÌNH