Chuyện "phải không" ở làng

LÊ TRÂM 17/12/2016 06:11

Trước hết, cái cụm hai từ này phải được hiểu thế nào? Chuyện phải và chuyện không, nghĩa là chuyện cần thiết phải làm và ngược lại là những chuyện không nên làm? Hay chuyện “phải không“ theo nghĩa phải làm, không làm không được? Chuyện “phải không” là câu chuyện dài kể không hết, ở làng.

Hàng xóm giúp nhau đưa tang.
Hàng xóm giúp nhau đưa tang.

Từ chuyện cưới hỏi

Ngày trước, người sống ở làng xã còn khép kín trong một không gian hạn hẹp. Khi có ai đó đi xa sẽ trở thành sự kiện lạ của làng. Chỉ vì quanh năm cứ quẩn quanh làng trên, xóm dưới, xa một chút là đi chợ. Ở gần bên nhau, trong làng, ngoài ngõ phải thuận, phải “ăn ở cho phải đạo” mới được! Chứ không thì “mất lòng” lắm! Người ta không sợ mất tiền mất của, chỉ sợ mất lòng. Mất tiền mất của còn làm lại được chứ mất lòng bà con chòm xóm khó sống lắm. Không lẽ cứ mất lòng là phải bỏ làng đi tận “nước Huế”, “nước Sài Gòn”? Giờ thì còn có bà con ở các nơi ấy để nương nhờ chứ hồi trước bỏ làng bỏ xóm ra đi thì biết nương tựa vào đâu? Do vậy, cứ phải lo chu toàn mọi chuyện “phải không”.

Hồi còn sống ba tôi cứ dặn con cháu gì thì gì cũng phải sống đầy đủ chuyện phải không với người ta. Nghĩa là chuyện đúng tất phải làm, bằng mọi giá! Lại còn cái nghĩa thứ hai “có qua thì phải có lại” giữa người làng với nhau. Ăn một bữa giỗ, nghĩa là phải “nợ miệng” người ta rồi. Cho nên, nhà cũng phải tính một dịp nào đó “mời lại người ta một bữa cho phải phép”. Hồi ấy, tổ chức đám cưới không như bây giờ. Gia chủ chỉ đi mời bà con thân thuộc hay bạn bè của mình, còn hàng xóm thì họ “tự đi” dự. Gia chủ tự dự tính lấy số người hàng xóm sẽ dự đám cưới nhà mình. Một bài toán không dễ tìm ra đáp án để chuẩn bị cho các mâm đãi khách. Dư thì khổ thân gia chủ dẫn tới nợ nần như chơi, còn nếu thiếu thì xấu hổ với bà con, sẽ bị “người ta nói chết!”. “Người ta nói” - chỉ đơn giản là vậy nhưng nghĩa thực của nó là người ta sẽ chê cười, sẽ còn nhắc nhở, nói nặng lời rất nhiều năm sau nữa, có khi chịu tiếng cả đời.

Do vậy, khi có đám cưới trong nhà, người ta sẽ rà soát thật kỹ các mối quan hệ với chòm xóm để dự đoán xem những ai sẽ “tự đi dự” đám cưới nhà mình. Và nhà nào cũng phải lưu lại cuốn sổ “phong thần” ghi tên những người đã đi đám cưới nhà mình để sau này còn phải “đi/đáp trả”. Ngược lại, khi có ai đó tổ chức đám cưới thì cũng phải xem lại nhà ấy trước nay có “đi đám“ nhà mình hay chưa, hoặc tự lượng xem mối quan hệ hai nhà như vậy đã “đủ đô” để đi đám chưa? Mà cái sự “đủ đô” này có trời mới định lượng nổi. Cho nên tốt hơn hết là cứ thấy hàng xóm tổ chức đám cưới thì cứ “đi tất” cho ổn, còn gia chủ phải dự đoán dự trữ một số mâm nào đó để “chữa cháy” bởi không phải mọi chuyện đều kêu “dịch vụ” như bây giờ, thiếu đâu bù đấy ngay được. Rồi số tiền mừng cưới, bao nhiêu cho vừa để “phải không” với người ta.

Đến chuyện tang ma

Cũng từ chuyện vì chỉ quẩn quanh làng xóm nên khi làng có người qua đời là sự kiện lớn. Trước hết, khi nghe tin có người qua đời, hàng xóm phải tức tốc chạy qua nhà thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Sau đó, tùy mức độ xa gần, thân sơ mà xúm vào lo chuyện tang ma bởi khi ấy “tang gia bối rối” sẽ không tính ra được chuyện gì. Trước tiên, phải đi báo chính quyền, báo gia tộc. Sẽ phải tính chuyện dựng rạp, mượn bàn ghế, giúp gia chủ trong việc kêu người mua quan tài và các thứ chuẩn bị cho việc khâm liệm, đưa tang, lo chuyện ăn uống trong mấy ngày tang lễ... Người trong xóm phải cắt cử người đánh chiêng trống trong suốt thời gian tổ chức tang lễ, phải báo với làng để mượn nhà ma, đòn khiêng… Và nặng nhất là phải huy động cho đủ người khiêng ma (âm công). Mỗi nhà phải cử ít nhất một người tham gia khiêng ma bởi đây là chuyện “phải không”, anh không khiêng người ta thì sau này nhà có tang thì nhà anh “tự mà lo liệu lấy”. Nhiều nhà neo đơn, gì thì gì con cái có đi làm ăn xa cũng phải gọi về để cùng làng xóm lo chuyện tang ma. Có nhiều đám tang trúng ngày nông nhàn hay do tang chủ có mối quan hệ tốt với làng xóm, người tới tham gia lo việc tang lễ thật đông đảo; ngược lại, có khi vì mùa màng bận rộn hay do tang chủ có mối quan hệ hời hợt với làng xóm, tang lễ chi loe hoe vài ba người, nhất là “âm công” sẽ thiếu hụt trầm trọng. Người ta sẽ bảo, thiên hạ “trớ” nhà ấy như “trâu trớ cày” cũng chỉ vì nhà ấy ít chú ý đến chuyện “phải không” trước đây. Cho nên tốt hơn hết, khi có người chết trong làng trong xóm là phải xúm vào lo mọi thứ chu toàn. Sau này, nhờ có xe cộ đưa tang lại thêm dịch vụ tang lễ lo không thiếu thứ gì nên chuyện tang ma cũng nhẹ đi rất nhiều. Nhưng cũng phải tới viếng thăm, thắp nén hương, gần gũi hơn thì ghé vai “tiễn ông/bà ấy” đi một khúc đường cho ấm tình làng, nghĩa xóm.

Và ở làng, còn bao nhiêu việc khác như mời đám giỗ hay đám nhà mới; mượn công cấy lúa, làm cỏ, gặt lúa; mượn công làm nhà hay chỉ đơn giản là lợp lại mái tranh đã cũ, tát cái ao cá sau nhà…, thì người trong xóm đều chung tay kẻ ít người nhiều, kẻ góp công, người góp của… khiến cho công việc suôn sẻ và gia chủ cũng thật sự ấm lòng. Những chuyện ấy hoàn toàn không phải chuyện “nợ miệng” phải trả mà thật sự là tình là nghĩa. Chỉ tiếc là chút nghĩa tình ấy đang ngày càng nhạt dần, không đơn giản chỉ vì người ta sợ chuyện “phải không”. Nhưng quanh năm cứ mải lo chuyện “phải không” thì nhiều người cứ muốn dợm “bỏ làng mà đi”(?).

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện "phải không" ở làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO