Trong chuyện chữ nghĩa, có những từ ngữ mà khi truy nguyên thấy “tổ tiên” của chúng dường như “chẳng bà con chi” với nghĩa đang dùng. Chẳng hạn từ “tang thương” mà ta hiểu hiện nay như là khổ sở, tiều tụy, là một cách nói giản ước từ câu “thương hải biến vi tang điền” trong “Thần tiên truyện” của Cát Hồng đời Tấn bên Tàu, vốn nhằm chỉ sự biến đổi không ngừng của vũ trụ, nhân sinh.
Lập lại trật tự vỉa hè - hy vọng không chỉ là “phong trào”.Ảnh: VINH ANH |
Cũng vậy với từ “phong trào”. Trong cách hiểu trước đây, khi nói tới “phong trào” chúng ta thường nghĩ đến ý nghĩa tích cực của một hoạt động chính trị - xã hội nào đó lôi cuốn nhiều người cùng tham gia, chẳng hạn như phong trào Duy tân, phong trào Đông du, phong trào kháng thuế Trung kỳ 1908… Những hoạt động này cho dù diễn ra dài hay ngắn, kết thúc thành công hay thất bại thì cũng để lại những dấu ấn lịch sử tốt đẹp, thể hiện một ước mơ chung chính đáng và chứng minh được sự đồng tâm hiệp lực của một cộng đồng.
Trong từ điển Hán Việt, chữ “phong” phiên âm Nôm có rất nhiều kiểu Hán tự, trong đó có một nghĩa thường dùng là “gió”. Còn chữ “trào” là trại âm từ chữ “triều”, tức thủy triều. Tuy nhiên, nhiều cuốn từ điển cũ như của Đào Duy Anh, Thiều Chửu… không có mục từ “phong trào”. Lẽ nào đây là một từ mới được lắp ghép sau này? Riêng cuốn “Hán Việt tân từ điển” (Nguyễn Quốc Hùng - Nxb Khai Trí - 1975) thì có giải nghĩa: “Phong trào: Chỉ một loạt những hành động giống nhau của nhiều người, nổi lên trong một thời gian ngắn, giống như cơn gió thổi tới, như nước triều dâng lên”.
Tuy nhiên, từ mục đích và cách thức ban đầu, một phong trào có thể có những diễn biến ngoài ý muốn của người khai sinh ra nó, đôi khi lại xuất hiện những chuyện bi hài.
Chắc nhiều người còn nhớ đến phong trào “Kế hoạch nhỏ” của học sinh. Phong trào này được khởi xướng từ năm 1958 ở Hải Phòng rồi nhân rộng ra khắp nước cho đến nay. Trong giai đoạn đầu, phong trào này đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc: xây dựng được một nhà máy nhựa ở Hải Phòng, một khách sạn ở Hà Nội, lắp ráp một đoàn tàu lửa xuyên Bắc - Nam… Ngoài ra, với nội dung hoạt động thực chất “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, phong trào đã góp phần giáo dục rất đáng tin cậy về mặt đạo đức, tình cảm cho lứa tuổi thiếu nhi. Tuy nhiên, càng về sau phong trào lại có nhưng “biến tấu” gây… cười như: khi đến hạn phải nộp “con gà kế hoạch nhỏ”, nhiều em đã về nhà nằng nặc xin gà của mẹ, thậm chí bê trộm con gà đá của bố để mang tới trường. Ở nhiều nơi, nhà trường giao “chỉ tiêu” cụ thể cho mỗi học sinh như phải nộp tối thiểu bao nhiêu ký giấy vụn, bao nhiêu vỏ lon bia… Mấy thứ này thì ngày nay đội ngũ các bà đồng nát đã phỗng tay trên hết rồi còn đâu. Vậy là các em về… giao chỉ tiêu lại cho ba mẹ. Đến lượt phụ huynh phải… làm “kế hoạch nhỏ” bằng cách ra vựa phế liệu mua về cho con đem nộp. Đó là chưa kể nhiều trường hiện nay có xu hướng “quy thóc” các chỉ tiêu kế hoạch nhỏ thành tiền rồi đưa vào danh mục các khoản phải đóng, gửi cho phụ huynh. Đến mức này thì ý nghĩa của “kế hoạch nhỏ” đã méo mó, biến dạng mất rồi.
Trong các ngành, có lẽ nơi phát động phong trào nhiều nhất là ngành giáo dục. Tôi từng dự giờ môn văn của một cô giáo. Hôm đó cô dạy bài “Chú dế mèn”. Để giới thiệu bài, cô lôi trong cặp ra một hộp diêm, đưa ra trước học sinh rồi bảo: “Các em chú ý đây!”. Cả lớp chăm chú nhìn lên đầy vẻ tò mò. Cô từ từ đẩy cái vỏ trong của hộp diêm ra và… vù một phát, có cái gì bay vụt ra. Cô hốt hoảng kêu lên: “Bắt! Bắt! Bắt giùm cô!”. Một số em xô ghế nhảy ra và chộp được đem nộp lại cho cô. Lần này cô cẩn thận kẹp chặt cái “vật bay”, giơ lên và hỏi: “Con gì đây các em?”. Có tiếng reo thích thú: “Con dế, dế than!” - “Không phải! - “Dế than pha lửa!” - “Không phải!” - “Dế đá!” - “Cũng không phải! Mệt các em quá, dế mèn! Hôm nay chúng ta học bài Chú dế mèn”… Đó là cách cô hưởng ứng phong trào “dạy học trực quan với đồ dùng dạy học”(!).
Dù sao, những phong trào như trên tuy có một số biểu hiện “lạc tay lái” nhưng vẫn có thể điều chỉnh lại cho đúng hướng. Ngày nay lại có những phong trào “sớm nở tối tàn” do chưa lường hết những trở ngại hoặc chưa có cách thức để duy trì. Mấy năm trước, dân làng tôi hưởng ứng rầm rộ phong trào “tiếng mõ an ninh”, nhà nào cũng làm một cái mõ tre hoặc treo một chiếc kẻng để báo động khi có trộm cướp, nhất là bọn “cẩu tặc”. Vậy mà từ đó đến nay chưa lần nào được “thưởng thức” những âm thanh… vui tai ấy. Gà trong chuồng, chó trong sân vẫn bị mất đều đều. Hỏi nhau: “Làm mõ để chi vậy hè?” - “Ừ thì làm cho có… phong trào”.
Phải chăng chữ “phong trào” ngày càng chỉ định đúng nghĩa những mô hình thực tế của nó: “…giống như cơn gió thổi tới (rồi tan), như nước triều dâng lên (rồi xuống). Đành vậy, bởi đó là… phong trào. Nhưng những hoạt động chiểu theo luật pháp hẳn hoi như chuyện kê khai, kiểm tra tài sản cán bộ chủ chốt; chuyện xua đuổi bọn “cát tặc” trên sông; chuyện đòi lại vỉa hè cho người đi bộ…, thì mong sao đừng suy biến thành dạng… “phong trào”.
PHAN VĂN MINH