Chuyện sinh viên Việt ở nước Úc

HOÀNG LỢI (Sinh viên Quảng tại Úc) 31/01/2022 06:59

(Xuân Nhâm Dần) - Dịch Covid-19. Biên giới Úc đã đóng gần hai năm. Việc đi lại khó khăn đặt ra vô vàn thách thức, ít nhiều thay đổi quan điểm của một số người Việt tại Úc, đặc biệt là du học sinh.

Môi trường học tập ở Úc có rất nhiều phương tiện để sinh viên tiếp cận được kiến thức.
Môi trường học tập ở Úc có rất nhiều phương tiện để sinh viên tiếp cận được kiến thức.

Tôi đến Úc một ngày mùa hè cuối năm 2019. Nói cuối năm mà lại hè vì nước Úc nằm ở bán cầu nam, mùa hè ở Việt Nam lại là mùa đông của Úc và ngược lại. Chuyện chẳng đáng nói nếu không có biến cố đại dịch Covid-19, bày ra trước mắt tôi hình hài xa lạ của nước Úc, là khoảng lặng để tôi nhìn về quê hương...

Chuyện học

Tôi học ở Úc gần hai năm với 4 kỳ học, nhưng chỉ kỳ duy nhất được đến trường. Còn lại chương trình học được triển khai qua hệ thống online. Hạ tầng kỹ thuật và thông tin của Úc hầu như đã chạy song song với chương trình lớp học từ trước, nên khi đại dịch xảy ra, các trường đại học hầu như không gặp bất kỳ khó khăn nào. Điều này giúp sinh viên khắc phục tối đa những hạn chế của việc học ở nhà.

Hệ thống bài giảng được cập nhật liên tục trên hệ thống của trường. Các nhóm trao đổi, các lớp dạy học được chia thành nhiều hình thức tùy theo số lượng, mục đích. Ví dụ, lớp truyền tải bài giảng, lớp trợ giảng theo nhóm để giúp sinh viên kiểm tra lại kiến thức, thảo luận các chủ đề hoặc hướng dẫn làm bài nghiên cứu.

Lịch học được sắp xếp phù hợp và giờ giấc khá linh động giúp sinh viên linh hoạt trong việc tiếp cận kiến thức. Ngay cả hệ thống thư viện trường cũng được xây dựng cơ sở dữ liệu từ trước nên việc tìm các đầu sách, bài nghiên cứu tại nhà hầu như rất dễ dàng và thuận lợi. Đây chính là hướng đi cần nghiên cứu cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Tất nhiên, việc học ở nhà trong mùa dịch sẽ không tránh khỏi khó khăn chung. Dịch Covid-19 tạo nên những thay đổi lớn lao trong cách thức làm việc, học tập, trao đổi thông tin. Nhưng điều thực sự rút ra sau đợt dịch này là gì: liệu làm việc và học tập cách cũ trước đây có hiệu quả?

Chúng ta tốn nhiều thời gian để di chuyển, tăng rủi ro nhất định khi phải đến văn phòng, đến trường. Nhưng nếu tiếp tục phương thức mới, chúng ta sẽ mất dần các tương tác xã hội. Vấn đề này sẽ còn được bàn ở tương lai.

Nhìn chung, việc học online giúp tôi nhận ra một điều tưởng đã cũ: bạn học ở đâu không quan trọng bằng bạn có thực sự học hay không. Chính môi trường học tập của Úc đã cho tôi rất nhiều phương tiện để có thể tiếp cận được kiến thức, hoàn thiện những kỹ năng học tập mà tôi chưa từng được rèn luyện khi học đại học tại Việt Nam.

Chuyện làm

Để có thể tồn tại ở nước Úc, ngoài việc đáp ứng kết quả học tập, tôi phải làm thêm ngoài giờ trang trải chi phí cuộc sống. Giá cả sinh hoạt của Sydney luôn nằm trong tốp đắt đỏ của thế giới nên hầu hết sinh viên quốc tế đều phải làm thêm.

Công việc ở đây tương đối đa dạng từ ngành chăm sóc cá nhân như nghề làm nail, cắt tóc đến các công việc chân tay khác như phụ bếp, rửa chén, pha chế. Một số công việc khác cũng có thể kể đến như chạy bàn, bốc vác hoặc hỗ trợ văn phòng.

Tùy theo trình độ tiếng Anh hay sự tự tin mà du học sinh chọn làm với dân Úc hoặc dân Việt. Những người không biết tiếng Anh thì quần tụ với nhau, tạo việc làm cho nhau. Với những người chân ráo chân ướt cũng sẽ đôi chút sốc khi trải nghiệm môi trường làm việc tại Úc.

Để được nhận vào làm và tồn tại với công việc mình chọn, bạn cần phải bắt đầu từ những việc ít kinh nghiệm nhất, không cần đào tạo nhiều kỹ năng nghề như rửa chén hoặc chạy bàn. Nhưng ngay cả những việc như vậy, tự mình thay đổi tác phong để phù hợp với tốc độ, năng suất và văn hóa môi trường làm việc ở Úc cũng là thử thách lớn.

Bạn sẽ chuẩn bị tư thế cho việc mỗi tối phải rửa vài nghìn chén bát hoặc tổng quãng đường di chuyển bưng bê trong nhà hàng lên đến 10km. Nhìn chung, thu nhập của bạn phụ thuộc áp lực và yêu cầu trình độ công việc.

Hai năm dịch đã qua, Sydney đóng cửa hai lần với tổng thời gian gần 9 tháng. Công việc ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng vì lượng sinh viên bám trụ lại đất Úc không nhiều, nên dù vô tình hay cố tình bị mắc kẹt ở chốn này đều cảm thấy dễ dàng hơn khi tìm kiếm việc làm phù hợp.

Người Việt ở Úc

Tôi sống giữa khu người Việt, xung quanh đầy những hàng quán Việt. Rất dễ để tìm một bát phở, một ổ bánh mỳ Việt và ly cà phê sữa đá. Lạc giữa chợ Cabramatta, bạn sẽ nghĩ hẳn đây là chợ Bến Thành ở Sài Gòn chứ không phải là một khu chợ ở Sydney xa lạ.

Những tiếng gọi nhau í ới, những câu chào hỏi, tay bắt mặt mừng, giọng miền Tây, miền Bắc, miền Trung có cả. Họ là những người Việt xa xứ từ nhiều thế hệ. Có những người đến từ năm 1975, 1980. Có lớp trẻ hơn những năm 2000. Có lớp học sinh mới chỉ sang vài năm gần đây.

Tôi từng gặp các bạn học sinh cấp 3 ngơ ngác giữa trời Úc. Các bạn hẳn là cậu ấm cô chiêu được gia đình gửi đi du học với nguyện vọng hoặc ước mơ đổi đời. Không được trang bị kỹ năng sống cần thiết, các bạn như bị thả vào một chốn xa lạ khi đại dịch ập đến. Sức ép học tập, bạn bè kỳ thị, cuộc sống tự do mọi mặt nhiều khả năng có thể đẩy các bạn trẻ một quãng rất xa...

Trong hoàn cảnh này, thay vì trả lời câu hỏi nên ở lại hay về nước, ta nên hỏi có thật sự cần thiết để đi nước ngoài học tập không. Xin hãy tự tìm câu trả lời: nếu bạn thật sự muốn học tập, trải nghiệm, không phải vì cái mác đi du học, bằng cấp nước ngoài, không chỉ vì muốn phô trương, trào lưu xu thế, không chỉ vì nguyện vọng của gia đình.

Cái giá của việc đi học nước ngoài rất đắt, không chỉ là tiền của bản thân và gia đình mà là đặt cược cả tương lai. Riêng tôi, quê hương cho tôi tâm hồn; còn nước Úc cho tôi cơ hội được học tập, rèn luyện, cơ hội làm việc để hoàn thiện bản thân.

Mỗi người có một lý do để đến Úc và họ ít nhiều đều mong muốn bám trụ ở xứ này. Dần dần, cộng đồng người Việt ở Úc hơn 30 năm qua ngày thêm đông đúc. Vậy mà với họ, nỗi nhớ quê hương chưa bao giờ nguôi ngoai.

Đại dịch xảy ra, đường về Việt Nam chắc còn xa. Khoảng cách quá lớn rất có thể sẽ xóa nhòa ranh giới giữa việc ở lại hay trở về. Hơn hết lúc này, ước muốn trở về quê hương càng thêm tha thiết, khi chính người thân của họ ở Việt Nam đã và đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện sinh viên Việt ở nước Úc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO