Chuyến tác nghiệp lịch sử

NGUYÊN KHÔI 19/06/2014 10:12

Trong quãng 10 năm làm báo của tôi, nhiều đợt tác nghiệp trong bão lũ, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng chuyến đi Hoàng Sa hồi đầu tháng 5 vừa qua đáng nhớ nhất. Tôi cùng 18 phóng viên đầu tiên có mặt tại “chiến trường” Hoàng Sa để ghi lại diễn biến Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải Việt Nam, góp phần tố cáo hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.

Sau nhiều ngày chờ đợi, sáng 10.5, được tin Kiểm ngư Việt Nam có tàu ra Hoàng Sa, tôi tức tốc đến cảng Tiên Sa. Đến cảng, thấy anh em phóng viên các báo đã ở trên tàu mang số hiệu HP 926. Còi hụ. Tàu chuẩn bị rời cảng. Chỉ kịp gửi chiếc xe máy trên cầu cảng cho anh kiểm ngư viên rồi “tót” lên tàu. Gặp lãnh đạo kiểm ngư, tôi xuất trình thẻ nhà báo, giấy tờ và ước nguyện đi Hoàng Sa, các anh gật đầu cái rụp. Từ khi tôi đến cảng đến khi tàu nhổ neo chưa đầy 10 phút.

Giữa Hoàng Sa, phóng viên chia ra nhiều mũi để tác nghiệp.Ảnh: NGuyên Khôi
Giữa Hoàng Sa, phóng viên chia ra nhiều mũi để tác nghiệp.Ảnh: NGuyên Khôi

Tàu rời bến mới sực nhớ mình chưa báo cơ quan và gia đình, nhất là vợ đang “nằm ổ” và con gái vừa tròn 1 tháng tuổi. Móc điện thoại gọi báo cơ quan xong, định gọi cho gia đình nhưng nghĩ lại nên thôi. Chỉ nhắn dòng tin cho vợ: “Anh đi công tác Hoàng Sa dài ngày, ở nhà yên tâm” rồi tắt máy. Thế là đi Hoàng Sa. Đi vội, không kịp mang theo hành trang gì ngoài bộ đồ mặc trên người, máy tính và chiếc máy quay phim.

Giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 117 hải lý nhưng cách cảng Tiên Sa đến hơn 190 hải lý (hơn 350km) về hướng đông nam. Dù giữa hè nhưng trên biển Đông đã có gió tây nam nên biển động mạnh, sóng giật cấp 6, cấp 7. Vì thế, chặng đường 190 hải lý từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa là chặng vật vã không chỉ với cánh báo chí mà cả với những kiểm ngư viên. Trong đêm vượt biển đến với Hoàng Sa, sóng gió dữ dội. Chiếc tàu kiểm ngư loại lớn nhưng dần dần bé nhỏ giữa trùng khơi.

Tàu HP 926 tổ chức bữa cơm chia tay phóng viên trở về đất liền sau một tuần tác nghiệp ở Hoàng Sa. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Tàu HP 926 tổ chức bữa cơm chia tay phóng viên trở về đất liền sau một tuần tác nghiệp ở Hoàng Sa. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Khoảng 2 giờ sáng ngày 11.5, nhiều anh em không tự đứng dậy để ra nhà vệ sinh mà chỉ đủ sức bò ra bệ cửa… Tôi và vài người khác còn bám trụ được, tranh thủ chợp mắt trên những thùng hàng phía sau tàu; đến khuya cũng phải bỏ chạy vì những đợt sóng vỗ mạn tàu phủ ướt. Hết chỗ “đẹp”, chúng tôi buộc phải lên sàn tàu ở tầng 2 để ngủ trong cái lắc lư của tàu. Bốn giờ sáng, chúng tôi đã nằm trong vùng biển Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 11 hải lý. Lúc này, mặt trời đã nhô lên rực rỡ. Biển lóng lánh xanh mướt. Sau gần 20 giờ nằm vật vã trên tàu và một đêm sóng giần gió dập, sáng ra nhìn quanh chỉ vài phóng viên còn sức dậy rửa mặt và ra boong hít thở, phần lớn anh em vẫn bẹp gí ở đâu đó trên con tàu.

Bữa sáng đầu tiên của chúng tôi trên biển Hoàng Sa là mì tôm. Chưa bao giờ chúng tôi thấy mì tôm lại thơm ngon đến vậy nhưng cũng chỉ ăn vội một hai chén rồi chạy ra boong vì không thể chịu nổi ăn uống trong sự lắc lư ở buồng kín. Nếu như buổi ăn tối trước đó tương đối đầy đủ anh em thì bữa sáng thưa vắng đến một nửa. Thấy hai đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Tiền Phong và VOV lả người vì say sóng, ăn không được nằm đừ trên giường, anh Đường - kiểm ngư viên mang đến hai phong lương khô. Thế nhưng, vài giờ đồng hồ sau, mọi người phát hiện cả hai vẫn chưa ăn dù người đã lả. Hỏi ra mới biết, họ không đủ sức để bóc phong bao.

Khoảng 7 giờ ngày 11.5. Đang nghỉ ngơi sau ăn sáng, trên loa phóng thanh phát lệnh “báo động toàn tàu”. Cầm máy chạy ra boong, nhìn quanh thấy toàn tàu Trung Quốc. Chỉ vài phút sau, hầu hết phóng viên đều có mặt trên boong tàu để ghi lại những hình ảnh đầu tiên về tàu Trung Quốc, về giàn khoan Hải Dương 981, khác với vẻ mặt yểu xìu, vật vã chỉ cách đó vài phút. Sau chừng 30 phút “chào buổi sáng”, tàu Trung Quốc rời đi, cánh phóng viên trở về trạng thái lảo đảo ban đầu. Những ngày đầu giữa Hoàng Sa, do say sóng, phóng viên Lê Phi - Báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh luôn nằm ở trạng thái người mặc áo phao, tay khư khư chiếc máy ảnh. Và cứ mỗi khi tàu báo động, phóng viên Lê Phi bật dậy, cầm máy ảnh lao ra boong tàu tác nghiệp và sau đó quay lại nằm. Hay phóng viên Viễn Sự - Báo Tuổi Trẻ, khi 3 tàu Trung Quốc đang tấn công tàu HP 926 bằng vòi rồng, Viễn Sự đang nằm trên chiếc sofa đứng dậy ra hiện trường chỉ trong vòng vài chục giây, xong anh quay về ghế nằm thở dốc.

Những ngày theo tàu kiểm ngư đi đấu tranh ở Hoàng Sa, tâm thế anh em chúng tôi như là chiến sĩ hơn là một phóng viên. Sáu ngày ở Hoàng Sa, mỗi ngày chúng tôi ít nhất 3 lần chạm trán với tàu Trung Quốc với những thước phim và hình ảnh “để đời” tố cáo hành động ngang ngược của Trung Quốc. Trong khi đó, ở đất liền, nhiều cơ quan báo chí rất lo lắng cho sự an nguy của phóng viên khi bị mất liên lạc hoàn toàn. Trong khi hằng ngày trên báo, truyền hình quốc gia ngày nào cũng dành thời lượng lớn tường thuật những đụng độ giữa Kiểm ngư Việt Nam với tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa, càng khiến gia đình các phóng viên và cơ quan báo chí “đứng ngồi không yên”.

Tác nghiệp ở “điểm nóng” Hoàng Sa với chúng tôi là một vinh dự, góp phần cùng các lực lượng chấp pháp Việt Nam trưng bằng chứng tố cáo sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc.

NGUYÊN KHÔI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyến tác nghiệp lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO