Trời chạng vạng tối. Chánh vội vã len vào dòng người đang chen lấn lên tàu. Chiều cuối năm nơi sân ga Hòa An ồn ào khác cái ngày thường lặng lẽ. Chẳng gì cũng đã 28 tết rồi. Ai nấy đều muốn hoàn tất những công việc dang dở trong năm để vội trở về. Hành khách đủ loại. Những ngày ấy không có sự phân biệt sang hèn như bây giờ. Chỉ có sự phân biệt về uy quyền giữa đám khách và những cánh lái tàu, những nhân viên trực toa. Thôi thì, thập loại chúng sinh đang dồn nhau trong các toa tàu ken kín người. Đây chỉ là ga xép nhỏ. Ai cũng vội. Nhất là những anh giáo nghèo chờ mãi đến 27 tết mới có lương nên càng vội vã khi quyết định phải về nhà ăn tết. Và nhất là khi nhà ở mãi thành phố. Cậu con trai chưa bao giờ xa nhà lâu thế và xa thế trong cuộc đời chỉ biết đi học và rong chơi hè phố của mình. Thế là Chánh đã quyết định phải đi ngay dù có thể không còn vé vì giấy giới thiệu của trường đã quá trễ không kịp đăng ký trong ngày! Nhất là khi đã tính ván cờ cuối cho chuyến đi này: Chuồn luôn.
Chánh đang tính chơi bài chuồn sau 5 tháng ở cái huyện Sơn Tây chó ăn đá gà ăn muối này. Ra trường được phân công về một tỉnh ở miền Trung, trong buổi họp với Sở Giáo dục, khi được hỏi đồng chí nào tình nguyện về các huyện miền núi, Chánh và Thùy Nhung, một người bạn đoàn viên đầy nhiệt huyết, đã không ngần ngại giơ tay ngay, và cả hai nhận được những tiếng vỗ tay khen ngợi tinh thần dũng cảm xung phong của tuổi trẻ. Hai đứa lại về hai trường khác nhau và sáu tháng sau Chánh nghe tin Thùy Nhung đã nghỉ việc. Trong lần họp tại thị xã, Chánh đã nghe các bạn kể về những tâm sự của Nhung trước khi ra đi, về nỗi cơ cực của Nhung khi phải sinh hoạt trong một môi trường khá hoang sơ, không có phòng tắm cho giáo viên nữ, chỉ có một cái giếng trời và một cái lán…
Lần này thì Chánh quyết định sẽ trở về thành phố vĩnh viễn. Còn gì ở cái xứ Sơn Tây buồn hiu hắt quanh năm.
Loa vang lên làm Chánh giật mình:
“Xin mời đồng bào đồng chí lên tàu”.
Chánh bị xô chúi tới trước. Đi gì như ăn cướp vậy các ông các bà! Chánh phát cáu. Cái túi xách bị văng ra xa. Chánh hốt hoảng nhảy chồm theo. Cả cái gia tài của một anh thầy giáo huyện lỵ có chừng ấy, không khéo thì đi đời nhà ma.
Có ai đó văng tục khi thấy Chánh lao người chụp cái túi xách. Một gã lực lưỡng, bốc mùi mồ hôi nồng nặc, gạt Chánh sang một bên. Anh lảo đảo. Cái thể hình khiêm tốn của một thầy giáo càng trở nên nhỏ bé giữa đám đông chộn rộn. Cứ thế người ta đạp lên nhau. Chánh đau nhói. Có ai vừa giẫm vào chân anh. Lách sang một bên. Anh bị xô và hất vào trong toa tàu nghẹt cứng. Hú vía! Cuối cùng cũng vào được bên trong. Ngộp quá!
Anh bỗng thấy nhờn nhợn dưới chân. Thì ra đã đạp phải gói xôi của ai đó trong lúc chen lấn bị rớt ra ngoài. Sao lại thế? Đến lúc ấy Chánh mới phát hiện ra là mình mất một chiếc dép. Khốn thật!
Thất vọng. Còn hơn 500km nữa mới đến thành phố mà chân không dép thì quá chán.
Anh cố nén cơn giận. Biết chửi ai bây giờ khi chung quanh toàn những người khốn khổ như mình.
Về là đúng rồi. Quyết định thế là hoàn toàn sáng suốt. Không khéo việc mất chiếc dép này lại tạo thêm động lực cho mình ra đi.
Đang miên man, Chánh chợt nghe xen trong tiếng còi tàu hú báo hiệu sắp chuyển bánh, tiếng một đứa trẻ nào đó vọng lại: Thầy ơi, thầy ơi!
Chả lẽ nó gọi mình. Ai còn nhận ra ông thầy Chánh nữa kia chứ? Nhếch nhác, mệt mỏi, chán chường…
Tiếng kêu to dần: - Thầy ơi! Thầy Chánh ơi!
Đúng là nó gọi mình rồi.
Lần này thì Chánh không nghe lầm nữa.
- Ai đó? Anh la lên.
Có một tiếng gọi to dần: Thầy ơi!
- Gì vậy em? Chánh ngạc nhiên. Hay là một đứa nào đi vào Nam mà muốn theo thầy cùng đi. Chánh hoàn toàn không muốn gặp học trò lúc này tí nào. Trong bóng tối chập choạng của toa tàu, Chánh thấy một cánh tay gầy gò vươn về phía mình.
- “Thầy ơi, dép thầy nè!”.
- “Trời đất!”. Chánh quá ngạc nhiên:
- Sao em biết dép thầy?
Xuất hiện lờ mờ trước mặt Chánh là một cậu học sinh đen thui, khẳng khiu, đang bị che khuất sau đám thúng, mẹt của mấy bà đi buôn, nhìn không rõ mặt. Tiếng nói như gào to cho Chánh nghe:
- “Dạ, tụi em tính tiễn thầy đi nhưng đến trễ thấy thầy bị người ta xô nên chạy theo chào thầy, thấy chiếc dép của thầy rớt lại”.
Tiếng còi tàu rú lên. Chánh nghe tiếng bọn nhỏ vội vã la lên: “Dép nè thầy ơi!”.
Sau khi chộp vội lấy. Chánh thừ người chưa biết nói sao thì người gác toa đã xua tay quơ chiếc gậy: Xuống! Mấy thằng quỷ nhỏ này tính đi lậu vé hả? Ai cho tụi bay lên đây…
Chánh chỉ nghe loáng thoáng: Chào thầy, tụi em dzìa. Thầy đi mạnh giỏi nhen thầy. Nhớ dzìa dzới tụi em nghen thầy!”.
Tim Chánh bỗng dưng như có ai bóp thật mạnh. Anh thẫn thờ.
Ác nghiệt thật. Phút hành động cuối cùng mà lại bị cái đám nhỏ này làm mình phân vân.
Anh nhìn lại phía sau, cái vùng quê nghèo ấy sao réo lên trong anh những tiếng sôi của sóng. Anh cảm thấy vị mặn của những hạt muối nơi ấy đã thấm trong tâm hồn mình từ bao giờ. Tội nghiệp!
Không hiểu anh nói điều ấy cho ai?
Chuyến tàu lao vút đi trong đêm về thành phố hoa lệ xa những ánh đèn dầu bỗng dưng lung linh nỗi nhớ. Mai kia chắc là…
NGUYÊN CẨN