Chuyến tàu nghĩa tình

Ghi chép của LÊ XUÂN THỌ 15/02/2016 10:28

Hôm ấy là ngày 29 tháng Chạp (tức ngày 7.2), chiếc tàu Cảnh sát biển 8002 của Hải đội 201, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đã vượt sóng dữ đưa 596 người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) về quê, kịp đón giao thừa cùng gia đình trong niềm vui khôn tả.

1. Cuối năm, đợt không khí lạnh từ miền bắc ùa về, kéo theo biển động dữ dội. Càng sát tết, cảng Sa Kỳ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) càng thêm ùn ứ người. Đó là những người con Lý Sơn, sau một năm xa quê mưu sinh, học tập trở về vui tết đoàn viên cùng gia đình. Nhưng biển động quá, họ phải ngậm ngùi chịu cảnh “mắc kẹt”. Những ngày vật vạ ở Sa Kỳ, có kẻ như muốn rơi nước mắt, chỉ 12 hải lý, mà ai cũng thấy xa. Rồi có những người làm liều, thuê hoặc theo tàu cá ra Lý Sơn, bất chấp sóng biển cuồn cuộn. Tất nhiên, những chuyến đi này, là không hợp pháp. Chuyến hải trình ấy, cũng lành ít dữ nhiều.

Tàu Cảnh sát biển 8002 của Hải đội 201, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đón 596 người dân Lý Sơn về quê ăn tết. Ảnh: LÊ XUÂN THỌ
Tàu Cảnh sát biển 8002 của Hải đội 201, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đón 596 người dân Lý Sơn về quê ăn tết. Ảnh: LÊ XUÂN THỌ

Sáng 28 tháng Chạp, biển động dữ dội và tàu cao tốc vẫn không thể hoạt động. Đến chiều cùng ngày, 596 người dân Lý Sơn nhận được tin UBND huyện Lý Sơn đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi, nếu ngày mai (29 Tết) mà biển vẫn động, sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của tàu cảnh sát biển để đưa dân về nhà. Đêm ấy, tại cảng Sa Kỳ, có những người không ngủ được, vì quá vui mừng. Còn ở trụ sở của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, một vài cuộc họp nhanh được khởi động. Tất cả đều để đi đến những quyết định cho ngày mai, đó là đưa được 596 người dân Lý Sơn về đoàn tụ với gia đình.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 29 Tết, từng chuyến xe taxi có, xe khách có, xe buýt có..., đưa người dân Lý Sơn từ cảng Sa Kỳ ra trụ sở của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, tất cả đều miễn phí. Vừa bước xuống xe, nụ cười đã nở trên đôi môi họ vì các chiến sĩ quá ân cần. Họ được hướng dẫn vào hội trường của trụ sở, ở đấy có Đại tá Đào Hoàng Nghiệp - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đang sẵn sàng để truyền cho các vị khách đặc biệt những vấn đề cần thiết nhất khi đi tàu. Trong lúc nghe Đại tá Nghiệp nói, họ được thưởng thức hạt dưa, mứt gừng..., được bày tươm tất trên bàn. Do số lượng quá nhiều và không thể từ Sa Kỳ ra trụ sở cùng lúc, nên hễ tốp nào đến nơi, là được đưa vào hội trường. Sau đó, họ được đưa xuống cảng, ở đấy, chiếc tàu Cảnh sát biển 8002 đang đón đợi...

Trẻ em trên chuyến tàu còn được lì xì.
Trẻ em trên chuyến tàu còn được lì xì.

2. Ở đây, ngay từ thềm cảng, các chiến sĩ đã cật lực giúp đỡ người dân khuân vác đồ đạc. Tại chiếc cầu thang từ cảng lên tàu, các chiến sĩ thay nhau bồng em bé, dìu người già, mang đồ đạc..., lên tàu giúp người dân Lý Sơn. Trên tàu, Trung úy Nguyễn Văn Diệu tích cực hỗ trợ đồng đội. Anh luôn miệng nhắc nhở người dân cẩn thận khi lên tàu. Sau đó, họ được các chiến sĩ hỗ trợ đưa về vị trí. Vì số lượng quá đông, nên các buồng được ưu tiên cho người già yếu, thai phụ, trẻ em... Một số buồng của chiến sĩ, cũng được “trưng dụng” nốt. Thời tiết sáng hôm ấy khá lạnh, nhưng trước những nghĩa cử của các chiến sĩ cảnh sát biển, lòng ai cũng ấm áp.

Trên buồng lái, không khí yên ắng hơn khi chỉ có Đại úy Vũ Đức Tuyên - Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 8002. Tuy nhiên, anh cũng bận rộn không kém đồng đội. Anh liên tục phát đi những thông báo, yêu cầu và cả động viên anh em chiến sĩ vừa khẩn trương, vừa cẩn trọng từng công việc để đưa người dân Lý Sơn về quê an toàn nhất. Trong khi đấy, Đại tá Võ Văn Kính - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 vừa giúp đỡ các chiến sĩ hỗ trợ người dân, vừa đi kiểm tra lại các buồng phục vụ người dân. Đến các buồng, vị phó chính ủy này ân cần hỏi thăm người dân, sẵn sàng đáp ứng thêm những nhu cầu cần thiết có thể. Rồi anh chọn một buồng ngẫu nhiên có nhiều trẻ em nhất, lì xì tết cho các em nhỏ này.

Đến khoảng 11 giờ 30 phút, việc đưa “hành khách” lên tàu hoàn tất. Tranh thủ thời gian, tôi hỏi thêm chuyện, thì Đại úy Tuyên cho biết đây là năm thứ 7 anh chuyển vào công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, là năm thứ 3 anh đón tết xa nhà. “Nếu không có gì thay đổi, có thể năm nay là năm thứ 2 mình đón giao thừa ở đảo Lý Sơn. Lần trước là năm 2012, mình cùng đồng đội trực sẵn sàng chiến đấu” - Đại úy Tuyên tâm sự. Còn Trung úy Diệu, tuy ít hơn một năm công tác, nhưng năm nay cũng là năm thứ 3 anh đón tết xa gia đình. Về công việc vừa rồi, anh bảo tuy mệt mà vui. Khoảng 22 giờ 30 phút đêm 29 tết, tôi nhận được điện thoại từ anh, anh bảo toàn bộ 596 người dân đã về Lý Sơn an toàn khoảng 16 giờ chiều, kịp ăn chén cơm chiều 29 tết cũng như đón giao thừa cùng gia đình. Nhìn cảnh trùng phùng của người Lý Sơn, anh em ai nấy đều xúc động. Xong nhiệm vụ, tàu 8002 trở về trụ sở khoảng 20 giờ.

Đại tá Võ Văn Kính - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị đã lập tức triển khai công việc. “Chúng tôi nhanh chóng sẵn sàng đón tiếp, giúp đỡ, hướng dẫn người dân Lý Sơn lên tàu. Bằng mọi giá, chúng tôi phải đưa mọi người về đảo để kịp đón giao thừa cùng gia đình. Chúng tôi từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Đây là một trong những kỷ niệm khó quên nhất trong đời lính cảnh sát biển” - Đại tá Kính nói. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 còn chuẩn bị sẵn nước, thức ăn nhẹ, thuốc men, lực lượng y tế để hỗ trợ người dân trên tàu. Thậm chí Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 còn lên kế hoạch để người dân và cán bộ chiến sĩ đón giao thừa trên tàu 8002, trong trường hợp xấu nhất không thể đưa người dân Lý Sơn vào đảo.

3. Mùng 3 tết, tôi về lại Lý Sơn, tìm gặp một số “hành khách” của chuyến tàu nghĩa tình Cảnh sát biển 8002. Trong căn nhà nhộn nhịp nụ cười, bà Nguyễn Thị Liễu (62 tuổi, ở xã An Vĩnh, Lý Sơn), mẹ của anh Mai Văn An (32 tuổi) không ngớt lời khen các chiến sĩ cảnh sát biển: “Các chú cảnh sát biển tốt quá! Không có cảnh sát biển, thì làm sao thằng An về kịp để đón giao thừa cùng cả nhà”. Bà Liễu có 3 người con trai, An là con giữa. Anh làm cho một công ty ở Đà Nẵng. Đến 27, An được nghỉ tết, từ Đà Nẵng anh về Sa Kỳ để ra Lý Sơn, nhưng tàu cao tốc không hoạt động được vì thời tiết xấu. Ở Sa Kỳ, trông ngóng tin thời tiết, anh An xác định “xuân này con không về”. “Vậy mà đùng một cái, đầu giờ chiều 28 tết, chúng tôi nhận được tin sẽ được tàu cảnh sát biển đưa về quê ăn tết cùng gia đình. Ai nấy đều sung sướng, cả đêm không ngủ được” - anh An tâm sự.

Theo lời anh An, sau khi rời cảng khoảng hơn 12 giờ trưa, đến 14 giờ chiều thì tàu Cảnh sát biển 8002 đến được vùng biển thuộc xã An Hải (huyện Lý Sơn). Cùng với sự giúp sức của chính quyền địa phương, đến khoảng 16 giờ cùng ngày, toàn bộ 596 người dân được cập đảo an toàn. Chị Nguyễn Thị Nga (29 tuổi, ở xã An Vĩnh, Lý Sơn) nhớ lại: “Lúc ấy mình say sóng nằm như chết, khi được các anh cảnh sát biển gọi bảo vào bờ Lý Sơn rồi thì mình như tỉnh hẳn. Trước khi mình xuống tàu nhỏ để vào đảo, các ảnh còn chúc ăn tết vui vẻ cùng gia đình, thiệt không gì hạnh phúc bằng”.

Cũng theo chị Nga, trong suốt chuyến hải trình ấy, các chiến sĩ của tàu Cảnh sát biển 8002 rất tận tình với mọi người. Mỗi buồng đều có một chiến sĩ trực, hễ ai nôn hay cần hỗ trợ gì là các chiến sĩ sẵn sàng ngay. Không riêng gì chị Nga, anh An, những người dân Lý Sơn trên chuyến tàu hôm ấy đều tỏ lòng biết ơn Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2. Với họ, nhờ lực lượng này mà họ có được cái tết trọn vẹn cùng gia đình. Mà nói như chị Nga: “Niềm vui không chỉ của riêng chúng tôi, mà còn cả gia đình chúng tôi nữa. Nếu không có cảnh sát biển, thì tết này niềm vui của gia đình chúng tôi sẽ không được trọn vẹn”.

Ghi chép của LÊ XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyến tàu nghĩa tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO