(VHQN) - Tôi được một người bạn vai anh là nhà giáo kể hai câu chuyện về tình thầy trò ngày trước cách đây không xa lắm.
Chuyện thứ nhất:
Ông kể: “Cha tôi là một nông dân ở làng quê nghèo xác xơ thuộc vùng bán sơn địa miền tây Thăng Bình. Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ thấy ông làm ruộng. Thỉnh thoảng có vài người cũng là nông dân gặp ông và lễ phép chào thầy.
Tìm hiểu tôi mới biết hồi trẻ ông nội tôi có cho ông đi học chữ Nho để đọc các bản trích lục ruộng đất. Sau đó ông chuyển qua học chữ Quốc ngữ và đỗ bằng Primere (Tiểu học). Sau đó nhà nghèo không thể ra Huế hoặc vào Quy Nhơn học tiếp nên ông ở nhà dạy học.
Học trò ông là đám trẻ con nông dân của làng. Giữa ông và đám học trò chỉ chênh nhau 9, 10 tuổi. Năm 1991, khi ông tròn 70 tuổi, đám học trò cũ chỉ còn độ 5, 6 người học với ông vào năm 1939 họp lại và cử người “hay chữ” nhất của lớp, từng đi tập kết trở về và có bằng Trung cấp xây dựng làm trưởng ban để tổ chức mừng thọ thầy cũ.
Anh trưởng ban đi xe đạp từ quê ra đến làng đá Non Nước ở Đà Nẵng cách hơn 50km khắc một tấm biển với nội dung rất mộc mạc: Trọn đạo tôn sư truyền con cháu - Bá niên giai lão mừng thầy cô (cô ở đây là vợ của thầy). Lựa một tối đẹp trời, cả đám học trò tuổi 60 đã bắt đầu “lụm khụm”, mang tấm biển bằng đá đến nhà thầy, bỏ dép ngoài hiên và xếp hàng đứng chúc thọ thầy - cô.
Mẹ tôi thấy cảnh ấy vội vàng chạy sang nhà hàng xóm mượn thêm mấy cái ghế nhựa rồi xuống bếp lục trong tủ ăn được mấy lon nếp, gọt thêm mấy củ khoai lang nấu một nồi xôi để đám “thầy trò nông dân” vừa ăn vừa uống nước chè kể lại chuyện ngày xưa. Mẹ tôi kể mấy anh học trò dù là nông dân chỉ mới học lớp hai, lớp ba, tóc người nào cũng bạc trắng nhưng vẫn một điều thưa thầy, hai điều thưa thầy”.
Ông bạn tôi kết luận đó là buổi mừng thọ thầy đơn giản nhất, tình nghĩa nhất, độc đáo và cảm động nhất mà ông được biết trong đời mình!
Chuyện thứ hai:
Chuyện này ông bạn tôi tận mắt chứng kiến ở Phòng Thanh tra của một sở GD-ĐT.
Ông kể: “Một bữa có công việc tôi đến phòng thanh tra của sở GD-ĐT. Tại đây tôi gặp người bạn là một thanh tra viên kiêm nhiệm (giáo viên đứng lớp nhưng được sở mời làm thêm công tác thanh tra, đánh giá giáo viên về mặt chuyên môn). Tôi đến sau nên ngồi chờ vì thế được chứng kiến toàn bộ câu chuyện.
Số là, ông bạn thanh tra viên của tôi nhận được quyết định của sở (thông qua đề nghị của phòng thanh tra) đi thanh tra 3 cô giáo ở một trường THPT trong thành phố. Trong 3 người được thanh tra có một người là cô giáo cũ thời trung học, dạy ông “một tháng rồi lấy chồng và chuyển đi nơi khác”.
Gần 10 năm sau gặp lại, cô giáo cũ đã trở thành “đồng nghiệp, đồng bộ môn giảng dạy” của ông. Nhận được quyết định, ông thấy “khó xử” nên vội vàng đến phòng thanh tra của sở xin không tham gia đợt thanh tra này và nhờ phòng điều người khác đi thay.
Sau khi biết lý do ông chánh thanh tra liền bảo: Bây giờ không có người thay thế, nếu bỏ thanh tra sẽ vỡ kế hoạch năm học. Quyết định đã được giám đốc sở ký rồi. Suy nghĩ một chặp ông bảo: Cô giáo cũ thì có sao đâu. Đây là nhiệm vụ được Sở giao. Anh cứ công tâm nhận xét, đánh giá là được.
Ông bạn liền bảo: Đạo lý không cho phép học trò đi đánh giá chuyên môn thầy cô giáo cũ của mình. Nếu không thể cho nghỉ đợt này thì xin anh trình với lãnh đạo Sở cho tôi nghỉ làm thanh tra viên kiêm nhiệm.
Thấy căng, ông phó chánh thanh tra liền can thiệp: Anh nói cũng phải. Thôi được, tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của giám đốc, nếu được thì làm lại quyết định bỏ tên cô giáo cũ của anh ra khỏi danh sách được thanh tra đợt này.
Nghe vậy anh bạn tôi liền đến bắt tay cám ơn ông phó chánh thanh tra rồi ra về.
Sau đó tôi có gặp lại ông bạn thanh tra viên và được ông cho biết lần đó sở đã đồng ý đổi quyết định, chỉ cử ông thanh tra hai giáo viên, không có tên cô giáo cũ của ông. Khi đến trường để làm công tác thanh tra, ông mới biết trường chưa nhận được quyết định mới và “cô tôi” vẫn chuẩn bị tâm thế để “được” thanh tra.
Tôi thưa với cô, em không dự giờ cô nữa. Em không đủ tư cách. Em đã làm việc với Sở rồi! Cô tôi cười nói bằng thứ giọng Huế ngọt như đường phèn: Rứa mà không nói sớm để “họ” chuẩn bị bắt mệt!”.
Kể xong hai câu chuyện, ông bạn tôi bảo: Không biết ngày xưa người ta dạy dỗ, học hành như thế nào mà lại có nhiều người trọng đạo nghĩa đến như vậy. Rồi ông chép miệng: Bao giờ cho đến… ngày xưa!