(QNO) - Một trong những vấn đề nhạy cảm của giáo dục hiện nay là vấn đề thi chọn học sinh giỏi các cấp. Sự biến tướng đâu đó để chuyện dạy và thi học sinh giỏi trở thành “lò ấp” khiến dư luận không mấy thiện cảm và dễ có những ý kiến quá đà.
Và lần này là đề thi học sinh giỏi khối lớp 9 bậc THCS của sở GDĐT Quảng Nam, khóa thi ngày 19.4.2022.
Vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội là “em hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ”.
Ban đầu, đề thi nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Cơ bản nhận xét đề thi đặt vấn đề có tính thời sự khi tình hình con cái ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ, hay đòi hỏi và thụ động ngày càng tăng, đề cũng tránh được lối mòn xưa nay thường chọn những vấn đề tránh xung đột, tìm độ an toàn cao.
Song mấy hôm sau lại xuất hiện ý kiến trái chiều, cho rằng đề áp đặt vấn đề quá lớn với con cái, và đáp án là chủ quan. Đỉnh cao là sự kêu gọi của chủ nhân một facebook rằng: Tôi khuyên các thầy cô giáo và học trò Quảng Nam nên kiện người làm đáp án và hội đồng chấm, vì cái đáp án ấy không đúng.
Bản thân cũng là người dạy văn ở Quảng Nam, tôi thấy mình không thể bàng quan tọa thị, nên xin có vài ý kiến trao đổi.
Tôi nhận thấy đề ra là một đề hay, vấn đề tương đối mới, và đủ độ phân hóa, phù hợp với đề thi học sinh giỏi của cấp học.
Trên cơ sở ngữ liệu được dẫn, có thể thấy đề ra thừa tiếp một tiền giả định là “cha mẹ cũng cần được thấu hiểu”. Và đáp án cơ bản triển khai ở 3 ý:
- Cha mẹ cũng cần được thấu hiểu.
- Con cái cũng cần thấu hiểu cha mẹ.
- Các biểu hiện của sự thấu hiểu.
Nhận thấy đáp án như vậy là vừa chuẩn, không có gì là áp đặt. Các phần diễn giải thêm không mâu thuẫn với ý chính. Tóm lại không có gì đáng phải biểu tình hay kiện tụng như chủ nhân facebook đã hô hào.
Về ý kiến quan điểm của đáp án là con cái phải thấu hiểu cho cha mẹ là sai tôi cũng không đồng tình. Đối tượng của đề thi là học sinh lớp 9, đến tuổi ấy mà không đặt vấn đề “thấu hiểu cha mẹ” thì đợi đến bao giờ? Sau lớp này, một bộ phận đi học xa, một bộ phận vào trường học nghề, là tập tành tự lập rồi, sao lại sai?
Ngữ liệu hai lần nhấn mạnh chữ “cũng”: “Bố cũng lần đầu tiên làm bố”, “mẹ cũng sai lầm”, điều này cho thấy phần trách nhiệm của cha mẹ đã được mặc nhiên thừa nhận, không còn là nội dung nghị luận nữa. Nên ý kiến “sinh con ra thì nuôi nấng, dạy dỗ để con trưởng thành là trách nhiệm của cha mẹ (người ta hay gọi là thiên chức), không thể ngụy biện rằng “bố cũng lần đầu làm bố” hay “về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con” để đòi hỏi một cách vô lý rằng con cái phải thấu hiểu cho mình” cũng không có cơ sở nốt.
Cũng có ý kiến cho rằng đề mở mà đáp án khép. Thiết nghĩ đề thi thì phải có đáp án. Và đáp án là đề xuất một số ý cơ bản, phần mở là học sinh có thể có ý kiến khác, miễn là thuyết phục. Đáp án cũng không là sản phẩm riêng một cá nhân, trong các kỳ thi, đáp án luôn được hội đồng chấm thống nhất trước khi đem vào áp dụng. Chuyện một đề thi không có đáp án thì thật ngô nghê, đó là các cuộc thi sáng tác chớ không phải là trong học tập và thi cử.
Tóm lại tôi đánh giá rằng đề hay và đáp án yêu cầu đúng mức, thể hiện trách nhiệm, sáng tạo và kinh nghiệm của ban ra đề và của hội đồng chấm.
Thiết nghĩ việc ra một đề thi và việc làm đáp án đề xuất cho một đề thi là một công việc nặng nhọc, và cái nặng nhọc nhất của người làm công tác đề thi là phía sau một kỳ thi. Nên chúng ta không nên cố tình tạo thêm áp lực cho họ theo kiểu xúi bẫy kiện cáo, đôi khi tai ách nặng nề.
Xin nhắc lại một câu chuyện đã cũ:
Kim Dung, vua tiểu thuyết võ hiệp có kể về một vụ Văn tự ngục liên quan đến gia tộc mình:
Một vị tổ tiên của Kim Dung (Tra Lương Dung) là Tra Tự Đình, năm Ung Chính thứ 4 làm Thị lang bộ Lễ, được cử làm chủ khảo trường thi Hương ở Giang Tây, ra đề thi “Duy dân sở chỉ”, toát ý từ câu “Bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ” có nghĩa là nước rộng ngàn dặm, duy dừng ở dân. Có người tố cáo với Ung Chính, nói rằng hai chữ Duy Chỉ là hai chữ Ung Chính bỏ phần đầu, ra đề thi như vậy là xúi dân lấy đầu vua. Tra Tự Đình bị hạ ngục. Ung Chính hạ lệnh phanh thây, con trai cũng chết trong ngục, gia sản bị tịch biên.
Người xưa khi đặt điều vu cáo thế chắc là vì ác ý rồi. Còn người nay chắc không ác ý thế, song không tránh khỏi vô ý!