Hôm nay, hơn 2 vạn học sinh Quảng Nam bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh qua kỳ “vượt vũ môn” này mới chính thức xác lập được học vị “tú tài toàn phần” như cách gọi thời trước. Chuyện thi cử luôn gợi nên bao lo toan ở mọi thời, tưởng cũng nên nhắc xưa để nói nay.
Xưa, thời nhà thơ Trần Tế Xương cũng phải thi tú tài. Nhà thơ thành Nam nổi tiếng văn hay chữ tốt, vậy mà thi 4 lần mới đỗ được tú tài vào khoa thi Giáp Ngọ (1894) triều Nguyễn. Thời đó, đậu tú tài thì không thi Hội được, cũng chưa bổ ra làm quan huống gì là hạng “tú tài lấy thêm” như cụ Tú Xương. Vì vậy, cụ tiếp tục đi thi cử nhân, nhưng thêm 4 khoa thi nữa, từ Đinh Dậu (1897), Canh Tý (1900), Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906), vẫn rớt hoài. Chắc vì chút sĩ diện mà cố đi thi vậy chứ chưa hẳn cụ Tú Xương mong làm quan gì. Cụ Tú Xương đã thành một điển hình “nạn nhân” trường thi và cũng nhờ… thi rớt mà tả được cảnh nhố nhăng: “Một đàn thằng hỏng đứng mà trông/Nó đỗ khoa này có sướng không /Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng!”. Nói “nhờ” thi rớt có vẻ ác khẩu, nhưng có thể đó là duyên may để hình thành nhà thơ Tú Xương trào phúng tài hoa (chứ có khi suôn sẻ, làm quan thì ngòi thơ tịt đi ai biết chừng). Nhà thơ Xuân Diệu cũng có ý như vậy khi tôn vinh cụ Tú: “Ông Nghè, ông Thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một Tú tài”.
Chuyện “học tài thi phận” đâu chỉ có mình cụ Tú Xương và thời của cụ. Những bậc học giả như cụ Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê, cũng nhiều bận lận đận thi cử. Cụ Vương Hồng Sển kể một kỳ thi rớt trong hồi ký “Hơn nửa đời hư”, rằng: “kỳ này, chua cay là rớt số một, khít nút với người đội sổ. Gặp thầy bói tên Trần Thúc Sanh, coi tay và coi tướng, nói mình về già tốt phúc, năm nay không đậu vì tiểu nhơn ám hại, muốn đậu phải liều như đánh bài thua. Nhưng mình nhất quyết “không liều như đánh bài thua” chỉ tự trách còn óc mê tín, tin dị đoan và vẫn đi xem bói”. Còn cụ Nguyễn Hiến Lê, cũng có lúc “cay như ăn ớt” với chuyện thi cử: “Năm đó, tôi thi xong chính tả buổi sáng tin chắc là rất ít lỗi, mà qua được môn đó tôi sẽ đậu. Buổi chiều, bỗng có tin là đầu bài bị tiết lộ nên bỏ, sáng hôm sau thi lại. Nghe nói kẻ tiết lộ đầu bài là một học sinh ban tú tài bản xứ trường Bưởi được Thống sứ Bắc Kỳ yêu vì giỏi Pháp văn” (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê).
Xưa là vậy, còn nay bao phen trường thi cũng nhốn nháo chuyện “lộ đề”, chuyện “tiểu nhơn ám hại” do coi thi, chấm thi không công bằng. Học trò dốt nhờ có “phao” (tài liệu mang theo, hoặc nhờ người gửi gắm) mà đậu, trong khi có em học lực khá hơn thì phải ngậm ngùi. May thay, giờ đây áp lực thi cử có phần nhẹ bớt vì xét kết quả tốt nghiệp ngoài điểm thi còn tính cộng điểm trung bình năm lớp 12, và có thêm 2 môn tự chọn. Thí sinh có học lực giỏi và khá sẽ ít bị may rủi đè nặng. Kỳ thi năm nay vô tình hay hữu ý mà chọn trúng ngay Tết mùng Năm là “tết giết sâu bọ”. Mong không có chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” để các thí sinh nhẹ nhàng “vượt vũ môn”.
BẢO TRÂN