Là một trong những huyện nghèo nhất nước, nhưng bằng những việc làm cụ thể, huyện Nam Trà My đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Thay đổi cách làm
Trên bản đồ nghèo khó của tỉnh, Nam Trà My luôn là địa phương đứng đầu với hơn 70% hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. Giảm nghèo là chuyện nan giải, ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính vì thế, những năm qua, chính quyền huyện Nam Trà My đã thay đổi phương pháp, cách thức thực hiện giảm nghèo. Từ việc trao cho người dân “con cá” thì nay đã chuyển sang hình thức hỗ trợ “cần câu”. Thêm vào đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đồng hành xuyên suốt với người dân thoát nghèo. Gia đình chị Hồ Thị Kim Viên (trú thôn 1, xã Trà Mai) vốn “đội sổ” hộ nghèo của xã. Nghề nghiệp bấp bênh, lại không có đất sản xuất nên gia đình quanh năm đói nghèo. Xác định được nguyên nhân nghèo, chính quyền, cùng đoàn thể, mặt trận vào cuộc vận động gia đình chị Viên nuôi heo, trồng trọt. Từ đồng vốn hỗ trợ ban đầu, hiện trong chuồng nuôi của chị Viên có hàng chục con heo thịt. Năm qua, chị xuất bán hơn 30 triệu đồng. Nhờ biết tích lũy, vợ chồng chị Viên còn mua được hơn 5ha đất rừng để trồng keo nguyên liệu, cây dược liệu. Năm 2015, sau khi tham gia đăng ký thoát nghèo theo phát động của địa phương, chị Viên còn được hỗ trợ một con bò giống. “Có được cuộc sống ổn định như ngày nay, mình cảm ơn cán bộ nhiều lắm. Họ đã cầm tay chỉ cho mình từ việc nhỏ đến lớn. Năm nay, mình quyết tâm đăng ký thoát nghèo bền vững” - chị Viên hồ hởi.
Người nghèo ở Nam Trà My đang có cơ hội thoát nghèo bền vững nhờ chính sách giúp đỡ thiết thực của địa phương. Ảnh: HỮU PHÚC |
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc từng phòng, ban, đơn vị trên địa bàn huyện phải có trách nhiệm giúp đồng bào thoát nghèo. Đó là trách nhiệm, cũng là mệnh lệnh phát ra từ thông điệp đầu năm 2016 của chính quyền huyện Nam Trà My. Nhiều đơn vị, cơ quan đã thực sự đồng hành với người dân thoát nghèo. Điển hình, năm qua, Phòng LĐ-TB&XH được UBND huyện phân công giúp đỡ 6 hộ nghèo ở thôn 2 xã Trà Linh. Hàng tháng, cán bộ chia nhau về tận cơ sở cầm tay chỉ việc, hướng dẫn đồng bào thay đổi tư duy trồng trọt lạc hậu. Hộ ông Hồ Văn Bông (thôn 2 Trà Linh) giờ có trong tay hơn 200 gốc chuối và biết trồng sâm Ngọc Linh theo kỹ thuật mới. Năm nay, ông Bông và 5 hộ còn lại đều đăng ký thoát nghèo bền vững. Cán bộ Văn phòng UBND huyện cũng nhận giúp 2 hộ dân Đinh Văn Năng (SN 1980) và Phạm Xuân Nghĩa (SN 1989), trú xã Trà Mai. Vợ chồng anh Đinh Văn Năng là cặp vợ chồng trẻ, có sức lao động. Khi được tư vấn cách làm ăn, vợ chồng anh Năng đã tích cực trồng hàng trăm gốc chuối để lấy ngắn nuôi dài chờ đợi rẫy keo sắp đến kỳ khai thác. Riêng anh Phạm Xuân Nghĩa (29 tuổi) cùng với 2 người em vốn mồ côi cha mẹ, gia cảnh rất khó khăn đã được cán bộ hỗ trợ mặt thủ tục để vay vốn lãi suất thấp từ ngân hàng phát triển kinh tế. Biết Nghĩa tốt nghiệp cao đẳng, cán bộ Văn phòng UBND huyện đã giúp anh địa chỉ việc làm và Nghĩa đến nay đã là cán bộ của xã Trà Mai, có thu nhập ổn định để nuôi hai em. “Căn cứ vào thu nhập hằng tháng của Nghĩa, anh này đã đủ tiêu chí thoát nghèo. Ngoài làm việc nhà nước, cuối tuần Nghĩa còn có một rẫy keo 1ha và 200 gốc chuối mốc để có thêm sinh kế nuôi em khiến chúng tôi cũng yên tâm phần nào” - Chánh văn phòng UBND huyện Nguyễn Đình Bình, người trực tiếp “kèm” Nghĩa tâm sự.
Chị Viên và đàn heo nuôi của gia đình. Ảnh: HOÀNG THỌ |
Theo ông Đặng Duy Ba, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My, phân công cán bộ kèm cặp trực tiếp đồng bào thoát nghèo là cách làm hết sức hiệu quả và thiết thực. Bởi lẽ, người dân đã nhận tiền, con vật nuôi, dụng cụ hỗ trợ của Nhà nước đều được giám sát sử dụng. Mặt khác, cán bộ giúp hộ nghèo cũng phải có trách nhiệm hơn, xem thoát nghèo cho đồng bào như một trong những nhiệm vụ công tác. Năm 2015, toàn huyện có 89 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đăng ký tham gia giúp 198 hộ nghèo trong tổng số 394 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo.
Không có cơ hội tái nghèo
“Chủ trương của huyện là hạn chế đưa tiền hỗ trợ xuống dân bởi như thế càng tạo cho bà con tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà tập trung hỗ trợ người dân sinh kế bền vững. Cán bộ phụ trách phải chỉ cho bà con cách thức làm ăn, cách bảo quản và sử dụng đồng vốn vay hợp lý. Từ đó, năm 2015, gần 90 đơn vị, cơ quan, đoàn thể, trường học ở Nam Trà My đã đăng ký giúp 198/394 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo theo phương châm: Nhà nước hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nhằm tạo nền tảng ban đầu cho công tác giảm nghèo. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn làm chuồng trại, tích lũy, tái đầu tư...”. (Ông Nguyễn Đình Bình - Chánh văn phòng UBND huyện Nam Trà My) |
Địa phương xác định phương châm: Nhà nước hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nhằm tạo nền tảng ban đầu cho công tác giảm nghèo. Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp hỗ trợ về kinh nghiệm làm ăn, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn làm chuồng trại chăn nuôi, tiết kiệm, tích lũy, tái đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2015, HĐND huyện Nam Trà My ban hành nghị quyết về chính sách giúp dân thoát nghèo. Nhằm đưa nghị quyết này vào cuộc sống, chính quyền triển khai phương án hỗ trợ hộ nghèo cam kết thoát nghèo. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, đồng bào sẽ nghèo “muôn thuở” nếu cứ lặp đi lặp lại cách làm cũ. Trước nay, dân địa phương nghèo do trình độ học vấn thấp, sản xuất manh mún, tụt hậu, thiếu tư liệu sản xuất. Nhưng xét cho cùng, cái nghèo xuất phát từ sự lười biếng, chậm đổi mới tư duy sản xuất và tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. “Đưa tiền bạc nhiều chưa chắc giúp dân thoát nghèo, thậm chí vô tình trở thành “gánh nặng” cho ngân sách. Phải tạo cho đồng bào tâm thế làm chủ, tự quyết định số phận và giúp họ cảm thấy mặc cảm với cái nghèo, thì lúc đó sẽ không còn có cơ hội tái nghèo” - ông Bửu nói.
Từ sự tiếp sức của cả hệ thống chính trị, nhiều nơi đã thành “điểm sáng” về giảm nghèo nhanh và bền vững. Cụ thể năm qua, xã Trà Mai có 77 hộ thoát nghèo, Trà Dơn 55 hộ, Trà Nam 53 hộ. Tỷ lệ giảm nghèo đứng đầu là xã Trà Nam với gần 8%, Trà Dơn hơn 7,7%, Trà Mai hơn 7,4%. Quan trọng hơn, có 319 hộ nghèo của huyện đăng ký đã thoát nghèo vượt trên chuẩn cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Năm 2016, Nam Trà My tiếp tục phân công cụ thể cho 1.000 cán bộ công chức, viên chức với định mức 2 - 3 người/hộ nghèo để đồng hành giúp người dân thoát nghèo. Theo chính quyền huyện, địa phương sẽ tiếp tục triển khai cuộc vận động “Cán bộ, công chức, lao động giúp hộ nghèo thoát nghèo” với phương châm “3 công chức, lao động giúp 1 hộ thoát nghèo”. Tháng 3, sẽ ra quyết định phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giúp đỡ từng hộ nghèo.
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo ở Nam Trà My năm 2016: Hỗ trợ bằng tiền mặt là 10 triệu đồng/hộ để hộ đăng ký thoát nghèo mua một con bò với giá 15 triệu đồng. Hỗ trợ bằng tiền mặt mỗi hộ từ 1,5-2 triệu đồng để đăng ký thoát nghèo trồng từ 200 gốc chuối mốc trở lên. Mua các loại giống cây trồng như sâm Nam, sâm Ngọc Linh, đảng sâm... với số lượng từ 300 gốc sâm Ngọc Linh hoặc hỗ trợ trồng từ 0,3ha sâm Nam, đảng sâm... Hỗ trợ trồng rừng sản xuất với mức 15 triệu đồng/ha, trong đó Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mặt 50%.Hỗ trợ tiền mua giống con vật nuôi với định mức 2 con heo địa phương/hộ đăng ký thoát nghèo. |
TRẦN HỮU - BÍCH LIÊN