Chuyện thoát nghèo ở Trà Giang

TRIÊU NHAN 24/03/2020 19:04

Đất Trà Giang của vùng cao Bắc Trà My nay được phủ xanh bởi những rừng keo, bạt ngàn mía tím, các loại cây ăn quả... Thành tựu này có được từ sự bền bỉ, như cách nghĩ của người dân nơi đây: “Ở đâu cũng vậy, hễ lo làm ăn thì vẫn sống được”.

Giống mía tím được trồng thành công ở Trà Giang. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Giống mía tím được trồng thành công ở Trà Giang. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Mùa xanh trên đất khó

Cách đây hơn 5 năm, tại thôn 2, Trà Giang (Bắc Trà My) nhóm hộ dân người gốc Thanh Hóa, đi đầu là các hộ Đinh Trọng Nhất, Đinh Trọng Tình và Trịnh Văn Bằng về quê mang giống mía tím bản địa vào trồng và nhân giống.

Sau thời gian trồng thử nghiệm, thấy hiệu quả kinh tế từ cây mía tím cao hơn hẳn các loại cây hoa màu, cây keo, nhiều hộ gia đình gốc Thanh Hóa ở thôn 2 và thôn 6 cũ đã chọn cây mía tím làm cây trồng chủ lực với diện tích gần 10ha.

Gia đình ông Vũ Thế Việt và bà Trương Thị Tuân (quê Thanh Hóa) cũng học hỏi kinh nghiệm, chủ động về quê đưa giống mía tím vào trồng trên vài sào đất màu chuyển đổi, rồi dần dần nhân rộng diện tích lên 1,5ha. Nhận thấy khí hậu, đất đai vùng này còn phù hợp trồng cây ăn quả, gia đình bà Tuân chuyển đổi đất trồng keo sang trồng sầu riêng, măng cụt, bưởi...

“Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập gần 300 triệu đồng chỉ tính riêng từ cây mía. Về lâu dài, dù cây mía tím cho giá trị kinh tế cao, nhưng gia đình không tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Thay vào đó, chú trọng đa dạng sản phẩm với việc chuyển dần diện tích trồng keo sang trồng cây ăn quả như sầu riêng, măng cụt, chanh dây, bưởi, cam, quýt, xoài lên 1ha, chỉ giữ lại chừng 0,5ha trồng mía tím”.

Bà Lê Thị Nghị - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 cho hay, cây mía tím đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo nhanh chóng. Trong mười mấy hộ trên, hộ trồng ít thì vài sào, nhiều thì lên cả mẫu như hộ ông Đinh Trọng Nhất, ông Đinh Trọng Tình, Trịnh Văn Bằng, Vũ Thế Việt…

“Có thể thấy, hàng trăm hộ dân thôn 2, sáp nhập từ thôn 2 và thôn 6, chủ yếu là cư dân miền Bắc di cư vào sau giải phóng và sau thời kỳ đổi mới đã có những bước đổi đời ngoạn mục trên vùng đất khó. Nếu so sánh với mặt bằng chung của xã và các vùng lân cận, cư dân có nguồn gốc phía Bắc ở thôn 2 đời sống kinh tế ổn định hơn các tộc người bản địa khác của vùng Trà My. Một phần bởi tập quán và tinh thần chịu khó, chịu khổ, cần mẫn, ham học hỏi” - bà Nghị nói.

Đồng lòng xây dựng

Bà Lê Thị Nghị - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2, cho hay toàn thôn có tới gần 600 hộ dân, có 11 tộc người, nhưng chiếm số đông là người Mường, Tày, Nùng phía Bắc. Cả thôn còn 48 hộ nghèo, chủ yếu đối tượng chính sách, bảo trợ xã. Năm 2020, thôn tiếp tục ưu tiên cho những hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, có ý chí thoát nghèo, tập trung ưu tiên cho các hộ mong muốn thoát nghèo chứ không hỗ trợ tràn lan như trước. Mục tiêu là giảm nhanh hộ nghèo, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, giúp người nghèo phấn đấu, vươn lên, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Từ đầu thôn 2, chúng tôi băng qua cánh đồng bạt ngàn, đến với cộng đồng người Mường, người Tày, Nùng đến từ các vùng Cao Bằng, Hòa Bình đã bám trụ với đất Trà My gần 40 năm qua.

Tuổi cao, vợ chồng cụ Bùi Văn Mớp - Lê Thị Vụ (85 tuổi, quê Hòa Bình) vẫn gắn bó với căn nhà sàn truyền thống đã được dựng lên hơn 40 năm. Ngoài gia đình cụ Mớp, trong thôn 2, gia đình ông Bùi Văn Biu, Bùi Văn Tới, Bùi Hồng Văn (khoảng 70 tuổi) cũng là những gia đình người Mường đặt chân đến vùng đất Trà My này từ những năm 1982 - 1986.

Vợ chồng ông bà Bùi Văn Thưng - Bùi Thị Trường cùng con cháu cư trú ấm cúng trong căn nhà sàn khá đẹp. Ông Thưng kể, ngày vào đất này, vợ chồng ông chỉ mới có một mụn con gái vài tuổi, nay con gái ông đã hơn 33 tuổi, đã có chồng con. Nhờ đất rộng rãi, ông bà miệt mài canh tác, rồi trồng vài héc ta keo, 5 - 6 sào ruộng, xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng nên có cái ăn, cái để. Vợ ông cũng tranh thủ nấu rượu nếp, mở tạp hóa nhỏ.

Vợ chồng anh Bùi Văn Dặm (40 tuổi) cũng sống ấm cúng bên ngôi nhà sàn được xây cất đã 20 năm theo kiến trúc của người Mường ở miền Bắc do cha mẹ để lại. Anh Dặm đã lập gia đình cùng cô gái người Mường cũng theo cha mẹ vào đất này, nay đã có 2 con nhỏ, đang tuổi ăn học.

“So với thế hệ cha chú trên đất này, thế hệ chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều vì đã có nền tảng, đất đai cha mẹ để lại, chỉ lo làm ăn. Ở đâu cũng vậy, hễ lo làm ăn thì vẫn sống được” - anh Dặm tâm sự.

Theo ông Đoàn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Trà Giang, số hộ là cư dân có nguồn gốc từ miền Bắc vào lập nghiệp, xây dựng đời sống ấm no chiếm đến 1/3 dân số của xã Trà Giang. Các thế hệ, các tộc người cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết với các tộc người Ca Dong, Mơ Nông và người Co ở vùng Trà Giang, tạo nên sự đặc trưng, đa dạng bản sắc văn hóa vùng miền. Bà con nơi đây đồng lòng, chung tay xây dựng cuộc sống no ấm, sẵn sàng tham gia tốt các hoạt động, phong trào của địa phương.

“Từ khó khăn, gian khổ, nhiều hộ dân Trà Giang đã vươn lên ổn định, trở thành những gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Có thể kể đến hộ gia đình ông Vũ Thế Việt, ông Bùi Văn Tới, Đinh Trọng Nhất, Trần Phước Thành, Trần Phước Sang, ông Nguyễn Văn Địch...” - ông Đoàn Ngọc Minh cho biết thêm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện thoát nghèo ở Trà Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO