Chuyện thực thi luật

PHAN HOÀNG 09/10/2023 07:14

Luật Đất đai sửa đổi 2023 là một trong 9 luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10 tới đây. 

Hồi tháng 3, báo Quảng Nam đã mở đợt cao điểm gần 2 tháng để đăng tải các ý kiến đóng góp của luật sư, nhà quản lý, chuyên gia… về các nội dung của dự thảo luật.

Kỳ vọng những sửa đổi sát hợp với lòng dân, với thực tế quản lý và sử dụng đất được lắng nghe, tiếp thu và khi ban hành luật sẽ nhanh chóng đi vào đời sống, không có độ trễ quá lớn.

Đồng thời không có độ vênh quá xa, nhất là giữa cơ quan công quyền, những người thi hành luật. Bởi nếu cơ quan thực thi luật không đúng thì sẽ gây thiệt hại cho người dân. Như câu chuyện một trường hợp ở huyện Đại Lộc sau đây.

Ông N.H.A đã mất hơn 4 năm theo đuổi vụ việc vì tin chắc rằng quyền lợi của mình là chính đáng và đúng pháp luật. Câu chuyện bắt đầu rắc rối khi ông đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất đối với thửa đất của mình vào năm 2019.

Với 2.086m2 đất gia đình sử dụng ổn định từ năm 1996 đến nay (nguồn gốc rõ ràng và có lịch sử từ năm 1980) nhưng các cơ quan tham mưu và chính quyền huyện không công nhận mà chỉ công nhận 300m2 đất ở và 1.786m2 đất trồng cây lâu năm có nguồn gốc từ đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở.

Từ không hiểu nhiều về Luật Đất đai và các văn bản, quy định dưới luật, các quyết định của UBND tỉnh liên quan; ông tự tìm hiểu, nhờ tư vấn miễn phí của các luật sư, rồi chạy đôn đáo khắp nơi để có đủ giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp của mình. Xà quần với rất nhiều văn bản giấy tờ liên quan nhưng không được UBND huyện đáp ứng nguyện vọng, ông N.H.A quyết định khởi kiện ra tòa.

Cùng với Luật Đất đai 2013, thì văn bản sát nhất là Quyết định 15 của UBND tỉnh ban hành ngày 15/11/2020. Theo điều 8 của quyết định này: Trường hợp trong các loại giấy tờ đó chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất bằng diện tích thực tế của thửa đất đối với trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn 5 lần hạn mức giao đất ở; bằng 5 lần hạn mức giao đất ở đối với trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn 5 lần hạn mức giao đất ở; phần diện tích còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở thì được xác định sử dụng vào mục đích hiện trạng đang sử dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Luật Đất đai.

Rõ ràng như vậy, nhưng trong quá trình thực thi từ cấp xã đến cấp huyện, đều không “đọc - hiểu - làm” đúng, khiến người dân phải mất rất nhiều công sức để tự bảo vệ quyền lợi cho mình.

Mới đây, trong phiên sơ thẩm, TAND Quảng Nam đã tuyên hủy Công văn số 2751/UBND-TNMT ngày 30/6/2022 của UBND huyện Đại Lộc về việc trả lời đơn đề nghị của ông N.H.A. (liên quan đến công nhận hạn mức đất); buộc UBND huyện Đại Lộc công nhận đất ở với thửa đất số 224, tờ bản đồ số 18, diện tích 2.086m2 cho ông A. bằng hạn mức 5 lần đất ở tại địa phương.

Ông A. khởi kiện UBND huyện Đại Lộc và thắng kiện trong vụ án hành chính liên quan đến đất đai cho thấy, nếu không làm đúng thì đây không chỉ là trường hợp cá biệt liên quan đến “loại đất T” (Hồ sơ Chỉ thị 299-TTg). Và những vụ khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về lĩnh vực quản lý đất đai dự báo sẽ còn nhiều.

Luật Đất đai sửa đổi 2023 đề xuất nhiều chính sách mới, quan trọng để khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để đáp ứng kỳ vọng đó sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng thực thi. Điều này đặt ra câu hỏi, rằng cơ chế giám sát việc thực thi đã đủ mạnh để người dân yên tâm hơn, với luật?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện thực thi luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO