(QNO) - Chiều 17/5, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc với đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam liên quan đến tình hình thực hiện kế hoạch thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2022.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở TN-MT thông tin, công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, công tác lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng được quan tâm thực hiện. Hoạt động này từng bước đi vào nề nếp, tạo sự chủ động, giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn.
Nhờ đó, cơ cấu sử dụng giữa các loại đất đã được chuyển đổi phù hợp với quá trình đô thị hóa, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, qua nhìn nhận, việc lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, việc nắm bắt thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, địa phương vẫn còn hạn chế, độ chính xác chưa cao. Kế hoạch sử dụng đất chưa xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với tiến độ các công trình dự án. Quy mô, vị trí sử dụng đất của một số công trình, dự án xác định chưa chính xác do thay đổi nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực và nhu cầu các nhà đầu tư.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương chưa thực sự tốt; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa kịp thời, không đảm bảo thời gian... cũng là tồn tại được chỉ ra tại buổi làm việc.
Sở TN-MT cũng đã kiến nghị nhiều nội dung, giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại, tăng cường hiệu quả thực hiện kế hoạch thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn giai đoạn tiếp theo.
Tính riêng năm 2022, có 250 trong tổng số hơn 1.400 danh mục công trình thực hiện thu hồi đất được phê duyệt, với diện tích thu hồi hơn 1.000ha. Trong đó, thu hồi hơn 142ha đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đạt 11,7%. Hơn 1.000 danh mục công trình thực hiện thu hồi đất phải chuyển tiếp sang năm 2023, với tỷ lệ hơn 73%.