Người cha đi kháng chiến chống Mỹ ngót 10 năm. Sau ngày hòa bình, ông không trở về quê nhà Phú Thọ mà ở lại Mường Hoong - một địa danh nằm sâu trong dãy Ngọc Linh hùng vĩ và sống với một phụ nữ người Châu. Người con đi tìm cha và họ gặp nhau nơi hóc núi này. Thay vì đưa cha cùng về quê, người con lại lụy tình với một cô gái Châu khác, bỏ lại người vợ ở quê cùng hai con trai. Hai con trai lại đi tìm cha, và rồi điều kỳ lạ đã đến: cả hai lại nối gót ông nội và cha, lấy hai cô vợ người Châu!
Mường Hoong ở đâu?
Ở phía bắc tỉnh Kon Tum, phần lớn các địa danh đều bắt đầu bằng chữ Ngok (được Việt hóa thành Ngọc) hoặc Đak, nghĩa là “núi” và “nước”. Ví dụ như Ngọc Tem, Ngọc Linh hoặc Đăk Pét, Đăk Glei…
Thế nhưng có một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa muôn trùng rừng núi ấy lại bắt đầu bằng chữ “Mường” - Mường Hoong. Đặt tên làng với chữ Mường đứng trước, hẳn là có dây mơ rễ má gì với các bộ tộc nằm phía tây của dãy Trường Sơn chăng?
Trong một bài viết của mình, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, từ nhiều thế kỷ trước, những cuộc tranh đoạt lãnh địa rồi bắt kẻ thua trận làm nô lệ giữa các bộ tộc nằm ở phía tây dãy Trường Sơn đã khiến cho nhiều bộ tộc hoặc bị diệt vong, hoặc tháo chạy đi tìm miền đất mới.
Có một bộ tộc, trong cuộc “trường chinh” đào thoát khỏi cảnh bị bắt làm nô lệ ấy, đã tìm thấy một thung lũng được vây bọc bởi những sườn núi khá hiểm trở làm nơi để dung thân. Tên Mường Hoong cùng tộc người Châu chính là một mảnh vỡ được mang theo từ quê cũ ấy. Có lẽ đó là lý do để họ - người Châu đã không được điểm danh trong 54 dân tộc anh em chăng?
Từ nhà ngục Đăk Glei - cách đường Hồ Chí Minh hiện nay chừng 10 cây số, men theo con đường mảnh như sợi chỉ, ngoằn ngoèo uốn lượn theo những sườn núi thăm thẳm vực sâu tầm 50 cây số về hướng đông, Mường Hoong hiện ra sau dãy núi mây phủ bốn mùa với những thửa ruộng bậc thang như được ai đó treo lên các sườn đồi, đẹp như tranh vẽ.
Hơn 60 năm trước, tức vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ 20, nhà văn Nguyên Ngọc đã đặt chân lên vùng đất này sau nhiều tháng “đi B” trong bí mật. Tác phẩm “Rừng xà nu” của ông được lấy cảm hứng từ những con người, những tên đất, tên làng, tên cỏ cây, sông núi nơi đây mà thành.
Ông thuộc từng cành cây ngọn cỏ vùng Ngọc Linh này, ấy thế mà, mãi đến 45 năm sau, năm 2007, trong một chuyến đi tình cờ, nhà văn mới phát hiện ra rằng, giữa thung lũng tứ bề mây núi điệp trùng ấy, có một tộc người, vỏn vẹn với 82 nhân khẩu, mang tên Châu. Ở đó từng xảy ra những chuyện tình kỳ lạ mà với một nhà văn từng trải như Nguyên Ngọc cũng không thể lý giải nổi.
Đi B mà ở đến… Z
Anh Lê Hoàn, sinh năm 1964, quê Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, người đã gắn bó với Mường Hoong hơn 30 năm nay và coi ông Nguyễn Văn Năm như cha nuôi của mình. Anh Hoàn kể lại, cụ Năm sinh năm 1936 tại huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ. Ông đi B khoảng năm 1965, sau khi sinh người con trai thứ hai tên là Nguyễn Xuân Nguyên được chừng 1 tuổi. Ngày hòa bình, ai cũng về làng cũ, hoặc là bằng xương bằng thịt, hoặc là bằng… giấy báo tử, riêng ông Năm thì vẫn bặt vô âm tín.
Người con trai cả, anh Nguyễn Văn Đào, bắt đầu một cuộc tìm kiếm cha mình. Nghe ai mách cho ở đâu mà có “ông bộ đội quê Hạ Hòa, Phú Thọ còn sống” là anh tức tốc lên đường. Cứ dành dụm được đồng nào, Đào lại đi tìm cha dù đò giang vô cùng khốn khổ thời đất nước những năm đầu sau ngày thống nhất.
Tìm trong vô vọng nhưng linh cảm ruột rà đã mách bảo với anh rằng, cha anh còn sống ở đâu đó giữa trùng điệp Trường Sơn. Hết đợt này đến đợt khác, những cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ, để cuối cùng, người con trai dừng lại ở đất Mường Hoong này. Khi gặp được cha rồi, anh Đào mới biết, cha anh không trở về làng, bởi một lý do đơn giản là ông đã có “người khác” ở thung lũng này!
Từ một anh lính thông tin trong chiến tranh, sau ngày hòa bình, Nguyễn Văn Năm được giao nhiệm vụ chỉ huy để mở một con đường xuyên qua những ngọn núi điệp trùng của dãy Ngọc Linh dẫn về Mường Hoong.
Trong số những nam thanh nữ tú ngày ấy, xuất hiện một gương mặt thiếu nữ, tên là Y Thố, “cô sơn nữ rực rỡ nhất của Ngọc Linh”, “đẹp một cách đắm đuối và não nuột”, “vừa hơn hớn sức trẻ tràn đầy của rừng, vừa là một người đàn bà đã chín mọng, cháy bỏng và quyến rũ” - như đặc tả của nhà văn Nguyên Ngọc khi lần đầu gặp Y Thố năm 1979. Mối tình “sét đánh” của cô sơn nữ làm đường với vị chỉ huy công trường đã kịp giữ chân anh lính Phú Thọ, dù người vợ cùng hai người con ở quê vò võ trong đợi chờ.
Thế là, những tưởng sau 10 năm đi B, Nguyễn Văn Năm sẽ trở về làng cũ, ai ngờ ông đi một mạch đến… Z luôn, để rồi mãi mãi dừng lại nơi thung lũng này ở tuổi 67.
Mường Hoong níu chân ba thế hệ
Sau khi người anh Nguyễn Văn Đào phát hiện cha mình vẫn còn sống ở Mường Hoong, người em là Nguyễn Xuân Nguyên cũng lên đường vào Mường Hoong thăm cha. Bấy giờ (năm 1995), Nguyên đã là người đàn ông 30 tuổi, có vợ và hai con trai ở Phú Thọ.
“Bố tôi dạo ấy đã chuyển công tác về xã Mường Hoong rồi. Tôi tìm đến trụ sở xã để gặp ông. Thoáng thấy tôi, dù chưa gặp lần nào, ông đã ôm chầm như thể cha con thân thuộc tự ngàn xưa vậy. Có lẽ tôi giống bố tôi, cả khuôn mặt lẫn tính cách” - anh Nguyên hồi tưởng.
Ông Năm đã mất năm 2003, không một di ảnh để lại nên cũng khó mà biết được hai bố con Năm - Nguyên “giống nhau” đến mức nào. Riêng chuyện “lụy tình” thì không cần kiểm chứng.
Bằng chứng là, dù đã có vợ và hai con trai ngoài Phú Thọ nhưng Nguyên vẫn bị một cô gái ở Mường Hoong tên là Y Bia “hớp hồn” khiến anh quên cả đường về lại quê nhà! Ba đứa con sòn sòn ra đời tại thung lũng này giữa anh Nguyên với chị Y Bia là minh chứng cho việc “quên cả đường về” ấy.
Câu chuyện về hai cha con ở Phú Thọ đã “sa chân” nơi thung lũng Mường Hoong này chưa dừng ở đó. Hơn mười năm trước, hai con trai với người vợ trước của Nguyễn Xuân Nguyên lại… lên đường tìm cha. Đúng ra là anh Nguyên đã “có thư mời” hai đứa con trai vào chỗ bố đang định cư “cho biết”.
Những tưởng chỉ là cuộc thăm cha đơn thuần rồi về, không ngờ, hai chàng thanh niên cao to vạm vỡ ấy lại nối gót ông nội và cha mình. Hai cô thôn nữ người Châu đã kịp giữ chân họ lại.
Nguyễn Hùng - Nguyễn Hậu, thế hệ thứ ba của dòng họ Nguyễn ở Hạ Hòa, Phú Thọ lại có thêm những công dân lai hai dòng máu Kinh - Châu. Có thể đó chưa phải là dấu chấm hết cho những điều kỳ bí về một giai thoại “hễ người Kinh đặt chân đến Mường Hoong là thế nào cũng quên đường về”. Giữ chân những người đàn ông ấy, không ai khác là những thiếu nữ người Châu.
Quan sát gương mặt của những thiếu nữ người Châu ở Mường Hoong thì thấy rằng, họ không có nét tương đồng nào với phụ nữ các bộ tộc khác ở chung quanh dãy Ngọc Linh này. Họ vừa mang vẻ đẹp mặn mà của núi rừng vào mùa ong đi tìm mật, lại vừa rỡ ràng thiêu đốt mà nếu bạn lỡ phải lòng từ một ánh nhìn đầu tiên, chính bạn sẽ bị tan chảy trong vòng tay của họ.