Đến thăm vợ chồng cựu chiến binh (CCB) Đặng Ngọc Dự - Nguyễn Thị Thanh Thúy, nguyên là lính Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2, hiện ở đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc viên mãn của họ.
Vợ chồng cựu chiến binh Đặng Ngọc Dự. Ảnh: H.V |
Tìm đồng hương, được... người yêu!
Khi được hỏi ngày xưa chiến đấu, sao chú vẫn “cưa” được cô, ông Dự cười sảng khoái: “Hồi đó nữ hiếm lắm, như “mì chính cánh”, tôi lấy được cô ấy còn hơn bắt được vàng”. Quê Điện Bàn, đi tập kết ra Quảng Trị, rồi vào Nam chiến đấu năm 1965 và gắn bó với Trung đoàn Ba Gia cho đến ngày giải phóng, ông Dự không ít lần vào sinh ra tử. Năm 1971, khi chỉ huy đơn vị thông tin phục vụ chiến đấu ở bên Lào, ông bị thương nặng và được chuyển đến Bệnh xá 18 của Sư đoàn, lúc này cũng đang trên đất bạn. Ông điều trị bên nội, còn bà làm y tá bên ngoại (chưa gọi là khoa). Khi bệnh tình đã đỡ, ông qua bên ngoại tìm đồng hương Quảng Nam. Nhìn thấy cô gái bé nhỏ, ăn nói nhỏ nhẹ, tận tình phục vụ thương binh, ông đem lòng yêu và thường xuyên kiếm cớ qua thăm. Bà lúc đó còn rất e dè khi nhớ lệnh cấm yêu đương trong thời gian chiến đấu.
Quê Kỳ Anh, Tam Kỳ, có anh trai cũng là chiến sĩ Trung đoàn Ba Gia và đã hy sinh, từ bé, bà đã làm liên lạc cho các chú cán bộ về hoạt động. Theo gót anh vào Trung đoàn Ba Gia từ năm 1966, đi học quân y, bà đã cùng đồng đội trải qua cuộc sống chiến trường khốc liệt. Với các nữ quân nhân, đó còn là những chuyến hành quân liên tục theo từng trận đánh từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi. Bao ngày bà dầm mình lội suối, rồi đói, sốt rét, tóc rụng xác xơ. Nhưng tất cả không đáng sợ bằng phải chứng kiến đồng đội hy sinh hay thương binh không đủ thuốc và phương tiện cứu chữa. Tình yêu thời chiến, liệu biết sống chết thế nào. Vì thế mà ông Dự phải nhờ đến tổ chức nói giúp, bà mới chịu. Chỉ huy đơn vị vốn ưu ái chuyện cưới vợ cho cán bộ tập kết về Nam nên chuyện tình yêu của hai người được tạo điều kiện tối đa. Những lá thư từ trung đoàn gửi về bệnh xá dẫu rất thưa thớt nhưng là nguồn động viên vô giá suốt 4 năm dài để bà tin ông vẫn còn sống. Năm 1974, tại căn cứ ở Hiệp Đức, 5 cặp đôi được cưới tập thể ở hội trường tre lá, có sự tham dự của Thủ trưởng Lê Lung - Chính ủy Trung đoàn. Bà Thúy bán 1 chỉ vàng nhờ mua giùm bánh kẹo, trà thuốc. Đơn vị làm lán trại cho các cặp đôi hưởng vài đêm trăng mật trước khi về các mũi tiến công. Năm 1975, miền Nam giải phóng, từ Tuần Dưỡng, ông vui mừng theo xe đơn vị lên căn cứ đón bà về phố và chụp tấm ảnh cưới đầu tiên ở hiệu Hiền Anh. Sau đó một năm, ông bà mới có đứa con gái đầu lòng là Đặng Thị Lệ Thủy, nay là Phó Bí thư Huyện ủy Núi Thành.
Vợ chồng hưu nhưng không nghỉ
Khó có thể nói hết nỗi vất vả mà hai vợ chồng lính phải vượt qua suốt những năm sau giải phóng. Ông đi học ở Quy Nhơn, bà chuyển ngành làm ở Nông trường dứa Chiên Đàn. Chưa có nhà tập thể, bà gửi con gái ở nhà cha mẹ, sáng đi chiều về mấy mươi cây số. Sau có nhà cơ quan, bà đem con lên ở cùng. Đứa thứ 2 cũng sinh ra tại đấy. Ông biền biệt việc quân, thi thoảng mới bắt được xe về thăm vợ con vài ngày rồi lại ra đi. Năm 1981, họ xin được ngôi nhà và khu đất hiện nay để sửa chữa làm nơi sớm tối vào ra. Sau khi về hưu, ông bà tích cực làm lúa lấy gạo ăn, nuôi heo, tiết kiệm bỏ ống. Với tâm nguyện dù khó đến mấy cũng phải cho các con ăn học đàng hoàng, vợ chồng vay ngân hàng lấy tiền lo cho con rồi tùng tiệm trả nợ. Thương cha mẹ, 4 đứa con đều học giỏi, ra trường, công tác ở ngành giáo dục, ngân hàng, quản lý đô thị. Tất cả đều ở quanh cha mẹ. Nhà ông bà lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười của con cháu, nhất là dịp cuối tuần.
Gương mẫu trong lối sống, giáo dục con cháu, ông bà được tín nhiệm bầu vào nhiều chức vụ ở địa phương. Ông nhiều năm tham gia cấp ủy khối phố Mỹ Thạnh Đông, chi hội trưởng chất độc da cam, tổ trưởng tổ đảng. Bà cũng làm phụ nữ và mặt trận khu phố. Nhiều cuộc họp, cả ông bà đều có mặt. Số giấy khen của thành phố hay của phường, ông bà xấp xỉ bằng nhau. Hạnh phúc nhất là dịp trao kỷ niệm 45 năm tuổi Đảng, cả hai đều lên nhận cùng lúc khiến ai nấy đều ngưỡng mộ. Chỉ cái chân đau, đi lại khó nhọc, bà Thúy cười: “Tôi đã tuổi 70, nhiều lần xin rút, cho cái chân được nghỉ mà bà con không chịu, cứ động viên làm. Họ bảo tôi mát tay trong hòa giải vợ chồng, giáo dục trẻ hư. Thôi thì cố gắng vì quê hương. Bao đồng đội đã ngã xuống để mình có hôm nay, có vất vả mấy cũng sá chi...”.
HỒNG VÂN