Lâm nghiệp

Chuyện trồng rừng ở Nam Trà My

HỒ QUÂN 30/10/2024 13:54

(QNO) - Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án và chương trình trồng rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân chấm dứt tình trồng rừng lấn chiếm vào rừng tự nhiên.

TRONG RUNG NTM 10
Người dân trồng quế lấn chiếm vào rừng tự nhiên gây khó khăn cho công tác tuần tra, bảo vệ của lực lượng chức năng. Ảnh: H.Q

Ngăn tình trạng lấn chiếm rừng

Phát triển các loại cây bản địa là chủ trương đúng đắn, vừa phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương, vừa tạo màu xanh bền vững, được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ. Song có thực trạng là một bộ phận người dân thay vì sử dụng cây quế giống trồng trên đất sản xuất, lại trồng xen vào dưới cánh rừng tự nhiên. Lệ thường, khi cây quế lớn, người dân vào rừng khai thác, dần dà rừng tự nhiên biến thành rừng sản xuất. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng, nhất là ngăn chặn tình trạng phá rừng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, năm 2023, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đã phát hiện 3 trường hợp trồng cây quế, cây keo vào trong rừng tự nhiên. Đơn vị đã lập hồ sơ, đo đếm, thông báo rộng rãi đến quần chúng nhân dân và yêu cầu di dời số lượng cây trồng này ra khỏi rừng. Tuy nhiên, sau thời gian 30 ngày vẫn không có người đến nhận buộc đơn vị phải nhổ bỏ 552 cây quế, 432 cây keo.

TRONG RUNG NTM
Cán bộ bảo vệ rừng cấp phát cây giống và tuyên truyền cho hộ dân về công tác trồng, phát triển rừng. Ảnh: H.Q

Từ đầu năm đến nay, qua quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My tiếp tục phát hiện tình trạng người dân trồng quế lấn chiếm rừng tự nhiên thuộc địa bàn các xã Trà Leng, Trà Tập, Trà Vinh, Trà Don, Trà Vân, Trà Cang, Trà Mai. Sau đó, đơn vị này đã tiến hành nhổ bỏ 1.200 cây quế con mới trồng do không có người dân đến nhận và di dời.

Thời gian qua, để nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác quản lý, bảo vệ rừng, không phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My phối hợp kiểm lâm địa bàn, UBND 10 xã triển khai 127 đợt tuyên truyền. Qua đó, triển khai ký cam kết tham gia bảo vệ rừng với 7.843 hộ. Đồng thời, tuyển dụng, ký kết hợp đồng với 230 người bảo vệ rừng chuyên trách và bố trí công việc tại 25 chốt, 1 tổ bảo vệ rừng cơ động; xây dựng 3 chốt bảo vệ rừng di động trên địa bàn 3 xã Trà Don, Trà Dơn và Trà Linh.

Tập trung trồng, chăm sóc rừng

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, hiện nay đơn vị đang theo dõi hoạt động bảo vệ rừng năm thứ 5 đối với 196,6ha/19 hộ thuộc công trình khoanh nuôi bảo vệ rừng có trồng bổ sung. Hỗ trợ cộng đồng vùng đệm trồng rừng năm 2023 với tổng kinh phí 400 triệu đồng; chăm sóc rừng trồng phòng hộ năm thứ ba với tổng diện tích gần 11,8ha/12 hộ; chăm sóc rừng trồng gỗ lớn năm thứ ba với diện tích hơn 15,5ha/26 hộ; chăm sóc và bảo vệ rừng trồng đối với diện tích 7ha thuộc Chương trình 1 tỷ cây xanh.

TRONG RUNG NTM 9
Nỗ lực trồng rừng ở Nam Trà My. Ảnh: H.Q

Riêng đối với các dự án trồng rừng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Nam Trà My năm 2024, dù chuẩn bị bước vào mùa trồng rừng, song Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My gặp nhiều vướng mắc, chưa thể triển khai.

Ông Hiền cho biết, trong Tiểu dự án 1, Dự án 3, công tác lập hồ sơ thiết kế - dự toán còn vướng mắc do chưa được hướng dẫn chi tiết một số định mức tại Nghị định số 58 ngày 24/5/2024 của Chính phủ. Cụ thể, về hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng sản xuất, dù quy định mức hỗ trợ bình quân 8 triệu đồng/ha, song chưa quy định rõ chu kỳ đầu tư bao nhiêu năm và mức đầu tư cho từng năm.

Về hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, Chính phủ có quy định mức hỗ trợ một lần bình quân 15 triệu đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống, vật tư, phân bón đối với trồng cây lấy gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên, chưa quy định rõ thời điểm hỗ trợ một lần là hỗ trợ ban đầu hay là hỗ trợ sau đầu tư và chưa quy định rõ mức hỗ trợ, quy định cụ thể cho cây giống, vật tư, phân bón.

TRONG RUNG NTM 7
Nam Trà My mong sớm gỡ khó cho công tác trồng rừng liên quan đến Nghị định số 58 của Chính phủ. Ảnh: H.Q

Về việc lập hồ sơ thiết kế, dự toán cho các hạng mục trồng rừng vẫn chưa quy định rõ mức chi phí trên đơn vị 1ha. Do đó đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My chỉ mới tư vấn cho UBND các xã về khảo sát lập hồ sơ thiết kế - dự toán trồng rừng sản xuất cho cây trồng quế đối với 59,29/155,29 ha diện tích được giao.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, với vướng mắc liên quan đến Nghị định số 58 của Chính phủ, ngành đã có văn bản kiến nghị với Bộ NN&PTNT để sớm tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể để đẩy nhanh dự án trồng rừng trên địa bàn Nam Trà My.

[VIDEO] - Trồng rừng ở huyện miền núi Nam Trà My:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện trồng rừng ở Nam Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO