Ở thôn Bình Túy, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, có một hệ thống địa đạo bao năm nay vẫn ngủ yên trong lòng đất. Chính quyền và nhân dân nơi đây đang mong chờ ngày địa đạo - từng gắn liền với sự hy sinh anh dũng của một nữ du kích thời chống Mỹ - được khai quật và công nhận là di tích lịch sử cách mạng.
Theo nhiều nhân chứng xác định, miệng hầm địa đạo thôn Bình Túy nằm trong vườn nhà anh hùng liệt sĩ Trương Thị Xáng.Ảnh: VĂN TOÀN |
Không thể lãng quên
Chúng tôi tìm về xã Bình Giang vào những ngày giữa tháng 7. Bình Giang vẫn vậy mênh mông cát trắng cùng sự khắc nghiệt của gió và nắng, nhưng cuộc sống đang đổi thay từng ngày.
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang hồ hởi giới thiệu: “Xã Bình Giang đã được Đảng và Nhà nước công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có nhiều tấm gương anh hùng liệt sĩ. Song điều làm chúng tôi trăn trở là đang tồn tại một địa đạo bị chôn vùi trong lòng đất, chưa thể phục hiện nguyên trạng”. Theo lịch sử Đảng bộ xã Bình Giang, những năm 1963 - 1965, địch thường xuyên càn quét các xã vùng đông của huyện Thăng Bình. Bình Giang là một trong những xã bị địch càn ác liệt, giết hại dã man nhiều chiến sĩ, đồng bào cách mạng. Để đối phó với địch, nhân dân thôn Bình Túy có sáng kiến đào một địa đạo bí mật trong lòng đất làm nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, chống lại sự càn quét của giặc. Bằng sự đồng lòng và quyết tâm của nhân dân trong xã, trung bình một ngày mỗi người đào hơn 3m, thời gian sau, một địa đạo dài hơn 3km, nằm sâu hơn 3m trong lòng đất được hình thành.
Ông Trương Hoàng Lâm (em ruột của nữ anh hùng liệt sĩ Trương Thị Xáng) cho rằng, theo trí nhớ của ông thì miệng địa đạo bắt đầu từ chính trong vườn nhà, chạy theo hình dích dắc, lấy các bụi tre làm điểm để nối ống thông hơi lên mặt đất. Chỉ tiếc rằng miệng địa đạo đã bị lấp từ mấy chục năm trước nên không thể điểm vị trí chính xác được. Hai nhân chứng là ông Võ Rân và Võ Bửu (cùng ở tổ 19, thôn Bình Túy) cũng xác định như vậy. Dù tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng ký ức của các ông Rân, Bửu về những ngày được sống và chiến đấu dưới lòng địa đạo vẫn còn y nguyên. Theo các ông, địa đạo gắn liền với sự hy sinh của nữ anh hùng Trương Thị Xáng. Đêm 22.2.1964 bằng sự mưu trí, dũng cảm của mình, chị Xáng đã giải cứu hơn 300 cán bộ, nhân dân và du kích đang ẩn náu trong địa đạo thoát khỏi vòng vây siết chặt của địch. Khi người cán bộ cách mạng cuối cùng rời khỏi lòng địa đạo, thoát vòng vây của địch, cũng là lúc chị ngã xuống trước họng súng quân thù. Chị nằm xuống khi đang mang trong mình giọt máu chưa đầy 3 tháng. Cùng với sự hy sinh anh dũng của chị Xáng, địa đạo cũng chấm dứt sứ mệnh khi bị quân Mỹ cho nổ mìn đánh sập.
Cơ hội khôi phục
Hơn 40 năm qua, địa đạo đã nằm im lìm trong lòng mảnh đất kiên trung. Nay, với tấm lòng của chính quyền và nhân dân Bình Giang, địa đạo thôn Bình Túy đang đứng trước cơ hội được đánh thức và mang trong mình sứ mệnh mới. Ông Phan Ngọc Mỹ - Trưởng ban Văn hóa thông tin xã Bình Giang cho biết, địa phương đã nhiều lần họp bàn để đề nghị lên trên về di tích địa đạo Bình Túy nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ. Theo ông Mỹ, khó khăn do quy trình, thủ tục hồ sơ thì có thể xử lý được, khó nhất là chuyện những người tham gia cách mạng ở địa phương hoặc người trực tiếp đào địa đạo trước đây giờ tuổi đã cao nên cung cấp thông tin không đầy đủ và thiếu thống nhất. Chính quyền địa phương đang xúc tiến việc tìm ra miệng hầm địa đạo và nhân chứng cụ thể để có cơ sở thẩm định, từ đó đề nghị bố trí kinh phí khai quật.
Ông Trần Ngọc Độ - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Thăng Bình cho hay, về địa đạo thôn Bình Túy, huyện đã có chủ trương, theo kế hoạch tháng 8 tới sẽ lập đoàn cán bộ đi khảo sát, tìm hiểu và lập hồ sơ trình lên trên, đồng thời quy hoạch đất tại khu di tích. “Để hoàn chỉnh hồ sơ về địa đạo ở Bình Giang, chúng tôi sẽ phải tra cứu, đối chiếu nhiều tư liệu, từ lịch sử Đảng bộ xã Bình Giang cũng như lịch sử Đảng bộ huyện, cả lịch sử lực lượng vũ trang huyện, đến thông tin do các nhân chứng còn sống cung cấp, để có những cứ liệu, cơ sở cần thiết. Quá trình này phải mất nhiều thời gian, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể, để di tích được công nhận và phục dựng” - ông Độ nói.
Chúng tôi rời Bình Giang, mang theo lời nhắn nhủ của ông Nguyễn Văn Anh: “Mong muốn của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Giang là được cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí, có giải pháp khôi phục hệ thống địa đạo tại thôn Bình Túy. Trên cơ sở đó, đưa địa đạo vào hệ thống di tích lịch sử cách mạng, làm điểm tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại địa phương”.
VĂN TOÀN