Xây dựng thiết chế văn hóa, trong đó chú trọng xây dựng nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, là để người dân có cơ hội được sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần. Nhưng xem ra, mục tiêu này chưa thể đạt được, khi nhiều nhà văn hóa chỉ “xây lên để đó”…
Nhà văn hóa thôn Phú Bình (xã Tam Phú, Tam Kỳ) thỉnh thoảng mới mở cửa họp thôn.Ảnh: LÊ QUÂN |
Lãng phí
Thôn có nhà văn hóa - khu thể thao, cấp xã - phường cũng dựng lên nhà văn hóa, rồi trung tâm văn hóa huyện, thành phố… Quá nhiều thiết chế văn hóa được dựng lên trong khi chương trình hoạt động nghèo nàn. Điều đó không diễn ra ở riêng địa phương nào mà đã trở thành thực trạng chung khi nơi nơi rầm rộ xây dựng trung tâm sinh hoạt cộng động, nhà văn hóa các cấp. Một cán bộ làm công tác văn hóa ở xã Bình Dương (Thăng Bình) chia sẻ, trên địa bàn xã, 10 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng thì chỉ 1 - 2 thôn hoạt động có hiệu quả, còn lại chỉ dùng để họp thôn, hoặc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết. Riêng nhà nông thì vui, bởi khuôn viên của nhà văn hóa thôn là nơi lý tưởng để… phơi rơm, lúa. Đáng suy ngẫm hơn, trong khi thiếu nhi vùng nào cũng thiếu sân chơi, phải tự tạo sân chơi, thì nhà văn hóa thôn, xã lại bỏ không.
Chúng tôi tìm đến Nhà văn hóa thôn Phú Bình, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ). Đáng buồn thay, một nơi sinh hoạt văn hóa lại nhếch nhác, cũ kỹ, cửa vào được khóa kín, ổ khóa cũ đến hoen gỉ; tường thì bốc mùi ẩm thấp, rêu mốc. Mái tôn cũng đã bạc màu và thủng lỗ chỗ. Sân phơi đầy rơm rạ. Phía sau khu nhà, một đứa trẻ chừng hơn 10 tuổi đang lúi húi cột trâu. Hỏi về lịch hoạt động của nhà văn hóa này, người dân sống gần đó cho biết, một năm mở cửa sinh hoạt được vài ba lần, còn lại đóng cửa. Đây cũng là tình cảnh của một số nhà văn hóa thôn, xã ở các địa phương thuộc khu vực nông thôn. Chung tình cảnh ít hoạt động, không được tu bổ, giữ gìn nên nhà văn hóa các thôn Đồng Dương (Bình Định, Thăng Bình), Bích Ngô Tây (Tam Xuân 1, Núi Thành), Hòa Bình (Duy Phước, Duy Xuyên)… đều đã xuống cấp.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 nhà văn hóa thôn, 69 nhà văn hóa xã. Kinh phí xây dựng mỗi nhà văn hóa cấp xã từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng, nhà văn hóa thôn từ 150 đến 300 triệu đồng. |
Ở đồng bằng có nhà văn hóa, vùng núi cao có nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoại trừ một số gươl được đồng bào thắp lửa sinh hoạt, còn đa số nhà làng đã được “tôn hóa, cứng hóa” cũng trong tình trạng lãng phí không kém nhà văn hóa thôn dưới xuôi. Ông Dương Trinh - Trưởng phòng VHTT huyện Nam Trà My chia sẻ, làm văn hóa phải dựa vào bản sắc của đồng bào, phải phù hợp với tính cách, phong tục con người nơi đó, không phải dựng cái gì lên và bắt họ vào đó sinh hoạt cũng được. Ngay cả Nhà truyền thống các dân tộc Nam Giang được xây dựng một cách quy mô với số tiền lên đến gần 3 tỷ đồng, sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động vẫn không thể phát huy hết vai trò của mình. Sau vài lễ hội cấp huyện, nhà truyền thống cũng im ỉm đóng cửa.
Đầu tư thế nào cho hiệu quả?
Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa là một trong những nhiệm vụ lớn của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cũng là một trong những tiêu chí đánh giá xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Tri Hùng, người nhiều năm gắn bó với văn hóa miền núi chia sẻ, khi tái định cư xây dựng nông thôn mới phải xác định được ý thức dựng làng theo lối của người miền núi, tức là văn hóa làng phải được duy trì. Ở mỗi điểm dân cư phải tính đến chuyện dành quỹ đất cho sinh hoạt cộng đồng để tiến hành các nghi lễ về tín ngưỡng và các hoạt động văn hóa khác của đồng bào. “Đối với đồng bào, tính cố kết cộng đồng rất cao, bất cứ hình thức sinh hoạt nào đều tập trung cả làng lại. Vì vậy, việc khai thác quỹ đất để dành cho “không gian văn hóa” xung quanh gươl là điều cần thiết” - ông Hùng nói.
Cách đây không lâu, Sở VH-TT&DL phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một trong những nội dung được đoàn công tác quan tâm là các thiết chế văn hóa và hiệu quả hoạt động của nó. Kết quả kiểm tra cho thấy, khá nhiều địa phương “bỏ rơi” các thiết chế văn hóa, hoạt động không hiệu quả, thiếu người quản lý… Sau đợt kiểm tra, các thành viên trong đoàn nhìn nhận, việc cần thiết không phải là xây dựng bao nhiêu thiết chế mà là thiết chế được dựng nên hoạt động như thế nào cho hiệu quả. Ngặt một nỗi, đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở còn quá mỏng, thu nhập lại không nhiều, nên tìm kiếm người “cầm trịch” những hoạt động văn hóa tại các thiết chế này rất khó.
Giải pháp được ngành văn hóa Quảng Nam đưa ra để những thiết chế văn hóa hoạt động hiệu quả là đổi mới phương thức hoạt động, chủ động tổ chức loại hình văn hóa phù hợp để thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Ngoài ra, phải “kéo” những người có năng khiếu nghệ thuật và có nghề vào làm cộng tác viên trong các hoạt động văn hóa cơ sở. Thêm vào đó, việc nâng cao nguồn nhân lực, xây dựng mô hình tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm hoạt động nhà văn hóa với các cán bộ văn hóa cơ sở cấp xã, thôn là điều cần thiết.
LÊ QUÂN