Chuyện về môi trường

ĐÌNH QUÂN 31/08/2017 14:27

Người bạn đi Mỹ về kể, ở nước này có 3 vấn đề họ luôn chú trọng, đó là dân chủ, môi trường và giao thông; trong đó vệ sinh môi trường được quan tâm hơn cả. Ví dụ một hộp bánh khi dùng xong tất nhiên phần bao bì… phải cho vào rác thải. Nhưng trước khi cho vào rác thải người sử dụng hộp bánh phải tách bạch 3 phần (nếu có). Đó là, mẩu bánh vụn còn thừa cho vào ngăn/ thùng rác thứ nhất; các tông, giấy… vào ngăn rác thứ hai;  và nếu như có miếng băng keo hoặc những thứ khác có chất nhựa, ni lông… khó phân hủy thì cho vào ngăn rác thứ ba. Nó như đã thành luật, tất cả người dân phải tuân thủ một cách triệt để nếu không sẽ bị phạt. Đặc biệt những chất khó phân hủy như ni lông, nhựa, plastic… nếu hộ nào thải ra nhiều quá (vượt ngưỡng quy định) thì người thu gom sẽ cân ký và có thu phí riêng.

Đơn cử một câu chuyện về vệ sinh môi trường ở xứ người như vậy để chúng ta có thể ngẫm ra khẩu hiệu này là đúng: Hành động vì trái đất và chính tương lai của mỗi chúng ta! Thực vậy, chỉ  cần một  sơ ý nhỏ như gạt mẩu tàn thuốc lá không đúng chỗ, hay giấy bọc viên kẹo vứt lung tung là chúng ta đã gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm cho trái đất ngày một nóng lên. Tôi nhớ có người từng đi ra nước ngoài về cũng kể, các nước họ không cấm nuôi súc vật trong nhà nhưng chủ nhân nào mà để con vật ấy “đại tiểu tiện” bừa bãi nhất là những nơi công cộng thì dứt khoát sẽ bị phạt rất nặng. Ví như có người dắt chó cảnh đi ra ngoài đường phố nếu thình lình nó “ị” ra thì chủ nhân phải nhanh chóng tròng chiếc bao tay mà hốt ngay cho vào túi ni lông, chứ nếu không sẽ bị phạt. Có người nói: sao biết được? Xin thưa, các ngả đường và công viên đều gắn đầy camera, không quanh co chối cãi được.

Mới đây nghe Tam Kỳ sẽ lên thành phố loại I. Tôi mừng nhưng cũng rất lo vì có lẽ Tam Kỳ chưa chuẩn bị kỹ. Giả sử như lập một kế hoạch cấp không (hoặc thu phí) cho mỗi hộ những chiếc giỏ đựng rác có 3 ngăn hay 3 chiếc giỏ rời mục đích cũng là để gìn giữ vệ sinh môi trường đô thị. Dĩ nhiên, sắm giỏ 3 ngăn thì cũng sắm xe chuyên dụng cho đồng bộ. Xe thu gom cũng có ngăn đựng đồ ăn, rau canh, cá mắm thừa thãi… mà trút về nhà máy để chế biến phân bón hoặc làm thức ăn cho gia súc; hai ngăn còn lại kia thì đổ về cho nhà máy làm công việc tái chế v.v.

Nói thật, tôi rất thương  cảm các anh chị công nhân vệ sinh môi trường bởi vì công việc quá đỗi nhọc nhằn vất vả, kể cả có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Và  tôi thường nói làm công nhân vệ sinh môi trường Việt Nam là “khổ nhất”. Cách lấy và xử lý rác thải còn rất lạc hậu. Thì thử xem mỗi khi xe môi trường chạy qua là thối inh cả khu phố, người đi phía sau chỉ thoáng chút thôi là đã nghe khó chịu, vậy mà họ phải bu bám ngày này qua tháng nọ. Có phải nước ta còn nghèo hay cái tư duy “cạn cợt” nên người dân ta mãi còn khổ? Xét khía cạnh vĩ mô là vậy chứ xét về ý thức công dân nhất là đô thị (tính gương mẫu, đi đầu) thì nói thẳng: dân trí chúng ta rất kém. Nếu ai đó không tin thì hãy thử dạo quanh một vòng ở bất kỳ góc phố nào vào ngày mùng một hay ngày rằm thì sẽ thấy đủ thứ đồ cúng xong họ cứ vung tay vứt thẳng ra đường. Hay người dân khi quét trước hiên nhà họ cứ thản nhiên tấp hết rác ra đường. Họ xem giữ vệ sinh và việc quét dọn đường phố không phải là trách nhiệm của họ!

ĐÌNH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO