(QNO) - Quá trình làm đường giao thông tại thôn Thái Nam (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cách đây gần 30 năm vẫn còn được nhiều người dân nhắc nhớ như một kỳ tích, góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất cát này.
Tuyến đường liên xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), Bình Nam, Bình Triều (huyện Thăng Bình) được bê tông hóa. |
Tháng 7.1987, giữa cái nắng thiêu đốt của mùa hè, 16 hộ dân ở khu vực Bàu Cốc, thôn Thái Nam phải thực hiện chủ trương trài dân ra lập làng tại trảng cát trắng phau biệt lập. Hiểu được nỗi khó của bà con nông dân, ông Ngô Xuân Thanh - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp số 2 Tam Thăng lúc bấy giờ thường xuyên thăm hỏi và động viên bà con đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống. Đồng thời, giải thích mục đích trài dân lần này là muốn bà con ở khu vực trũng thấp thường hay bị ngập lụt được chuyển đến ở nơi cao ráo. Đây cũng là chủ trương của Đảng ủy và HTX nông nghiệp muốn tạo điều kiện phát triển cây đào thành loại cây trồng chủ lực.
“Ý Đảng hợp lòng dân” nhưng mọi người đều “trắng” cơ sở vật chất ban đầu. Không khuất phục trước những khó khăn, bà con lấy rạ để đánh tranh, chặt tre làm sườn nhà và đan mành, trét đất sét để làm phên che. Cuộc sống chưa kịp ổn định thì cơn bão số 2 năm 1989 cuốn đi tất cả; hàng trăm cây đào hơn 1 năm tuổi hầu như bị ngã đổ hoàn toàn, đồng ruộng tan hoang. Tưởng chừng như đi vào ngõ cụt song nhờ sự chịu thương, chịu khó bà con bắt tay vào làm lại từ đầu và cuộc sống dần hồi sinh.
Điều kiện thiếu thốn về điện, nước, cây che mát và nhà ở đều có thể khắc phục nhưng giao thông chia cách là trở ngại lớn nhất đối với bà con nơi đây. “Lúa, khoai đã thu hoạch để ngoài đồng nhưng không biết phải vận chuyển về nhà bằng cách nào vì 8 giờ sáng hầu như không có một bóng người qua lại ở khu vực này. Mặt trời lên, cát nóng đến rát bỏng bàn chân. Trước khó khăn đó, bà con tự vận động đóng góp công sức để làm đường đi, tìm lối thoát cho chính mình” - bà Huỳnh Thị Hường (83 tuổi, ở tổ đoàn kết số 4, thôn Thái Nam), nhớ lại.
Để có đường đi, hằng đêm 16 hộ dân đều phải tham gia gánh đất bằng đôi trạc từ khu vực Bàu Cốc cách khu dân cư gần cây số. Với tinh thần tự giác, mỗi gia đình gánh 12 đôi, hộ nào làm xong trước thì nghỉ trước. Cứ thế, hết đêm này sang đêm khác, trong vòng 3 tháng con đường đất từ cánh đồng đến trung tâm khu trài dân dài hơn 1,5km, rộng 40cm, dày 5cm đã được đắp xong. Xác định giao thông là huyết mạch, sau đó không lâu bà con tiếp tục hưởng ứng mở tuyến đường từ thôn Thái Nam đến giáp thôn Tịch An (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình). Được đông đảo nhân dân tham gia nhưng vận chuyển bằng quang gánh sẽ kéo dài thời gian và sức người cũng có hạn nên bà con thống nhất “thắt lưng, buộc bụng” đóng góp tiền, thuê xe vận chuyển đất. Vì ban ngày trời nắng, cát nóng và còn phải lo công việc đồng áng nên chuyện làm đường chỉ tập trung vào ban đêm. Ông Ngô Xuân Hường, một trong những người đi đầu trong việc làm đường, kể: “Để tránh lãng phí tiền thuê xe, bà con luân phiên nhau đào, xúc đất và kéo, đẩy xe liên tục cho đến khi tiếng gà ở cuối xóm cất tiếng gáy mới thu dọn đồ đạc về nhà. Bằng sự đồng lòng, chỉ trong vòng 2 tháng, tuyến đường có chiều dài hơn 1,5km, rộng 1m được hoàn thành, tạo sự giao thương giữa các địa phương trong vùng”. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2011 tuyến đường này được đầu tư xây dựng bê tông với tổng kinh phí hàng tỷ đồng.
Từ 16 hộ trài dân, đến nay đã có 75 hộ, hơn 300 khẩu được phân bổ ở 2 tổ đoàn kết 4 và 5. Từ chỗ không có một mét đường giao thông đến nay đã có nhiều đường ngang, ngõ tắt với hơn 3.500m đường bê tông phẳng phiu. Nông sản thực phẩm sau khi thu hoạch được vận chuyển bằng các phương tiện cơ giới đến tận nhà, giải phóng được sức lao động của bà con nông dân. Các tuyến đường liên thôn, liên xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), Bình Nam, Bình Triều (huyện Thăng Bình) góp phần thuận lợi để địa phương phát triển trên các lĩnh vực.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC