Chuyện về người lính tàu không số

NGUYỄN HUY HOÀNG 04/01/2014 10:55

Cụ Hoàng Xuân Cao hơn 80 tuổi, hiện ở thôn Phú Hưng, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, là một trong những người lính từng một thời dọc ngang trên biển với con tàu không số...

CỤ kể, năm 1945 khi chưa tròn 16 tuổi mình đã đăng ký tham gia vào đội du kích thô, sau đó làm Vùng đội trưởng. Năm 1947, gia nhập bộ đội tại đơn vị 83 rồi đến đơn vị 105 Liên khu 5. Năm 1954, tập kết ra Bắc, từ bộ binh, anh bộ đội Xuân Cao được chuyển đến đơn vị Hải quân từ năm 1961. Trên tinh thần nhiệm vụ mới, làm Trung úy Hải quân Lữ đoàn 125 tàu không số.

Cựu chiến binh Hoàng Xuân Cao kể chuyện về  tàu không số.
Cựu chiến binh Hoàng Xuân Cao kể chuyện về tàu không số.

Là người từng có mặt trên tàu không số hoạt động từ Hải Phòng vào tận Cà Mau, có chuyến đưa cán bộ cấp cao đến nơi an toàn. Cụ Xuân Cao nhớ lại: “Yêu cầu đối với những người lính hải quân đánh bộ hay còn phải thạo những cách chiến đấu của đặc công nước vô cùng khắt khe, phải luyện tập để thích ứng với môi trường khắc nghiệt, rèn luyện để sống sót ba, bốn ngày trên biển, đủ sức bơi cả chục cây số, thành thạo trong việc tấn công các mục tiêu chỉ có thể xâm nhập qua đường thủy, như tàu chiến, kho xăng dầu biệt lập, căn cứ thủy quân... Sau khóa huấn luyện, trên điều tui về thực tập trên tàu của Đoàn 125 làm thủy thủ, học cách lái tàu, làm cán bộ thuyền”. “Tại sao tàu của ta ở phía Bắc vào vùng địch kiểm soát rất chặt mà không bị địch phát hiện?” - tôi hỏi. “Tàu của ta ngụy trang là tàu đánh cá, có ngư lưới cụ, còn bộ đội cải trang là ngư dân nên địch không thể phát hiện được” - cụ nói. “Tàu tui đi thường có trọng tải trên 100 tấn. Khi ra biển cả con tàu thường rất nhỏ bé, thêm vào đó kỹ thuật hàng hải còn lắm thô sơ, nhất là nhiên liệu dự trữ trên tàu có hạn, nên tàu thường đi sát dọc theo bờ. Chuyến đi thường từ 10 - 15 ngày trên biển, tàu cập bến đổ hàng an toàn, nghỉ ngơi một thời gian ngắn rồi trở ra Bắc. Nhưng có những chuyến đi của đồng đội không hề thuận buồm, xuôi gió. Rất nhiều người vĩnh viễn nằm lại dưới đại dương” - giọng cụ chùng xuống.

Trên đường đưa vũ khí vào Nam, có một sự cố cụ Cao nhớ mãi, đó là vào tháng 7.1969, tàu “đánh cá” của ta bị Hạm đội Ma đốc của Mỹ nã đạn. Các chiến sĩ bị bất ngờ, nhưng tư thế sẵn sàng hy sinh nếu địch phát hiện trên tàu có vũ khí. Rất may là chúng chỉ bắn thăm dò nên tàu của ta tiếp tục hành trình... Một lần khác, vào tháng 3.1971, tàu của ta vào Vũng Rô (Phú Yên), máy bay  F105 của địch xuất hiện theo dõi, các chiến sĩ ta liên lạc ngay với đơn vị bộ đội đặc công Phú Yên, tẩu tán kịp thời quân lương, vũ khí lên bờ, thoát hiểm an toàn. Khi địch hành quân đến, chúng chỉ thấy trên tàu toàn là ngư lưới cụ!
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc 1975, cụ Cao về lại quê hương với quân hàm Đại úy Hải quân, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Về lại đời thường, cụ tiếp tục làm công tác Đảng, làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến, sau đó làm Chủ tịch Ủy ban mặt trận xã, Chủ tịch CCB xã, trưởng ban mặt trận thôn, rồi làm Bí thư chi bộ thôn cho tới bây giờ. Rất ít khi nói về mình nên người dân trong thôn chỉ biết cụ là CCB Hải quân, ít ai biết cụ từng là lính trên tàu không số, những con tàu đã góp phần làm nên kỳ tích đường mòn Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại năm nào. Lúc thật vui cụ thường nói với tôi: “Đến tháng 6.2014, tui sẽ tròn 65 năm tuổi Đảng. Ước mình đủ khỏe mạnh tới hồi nớ để còn gặp đồng đội...”.

NGUYỄN HUY HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện về người lính tàu không số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO