Tại cuộc họp mặt giáo viên kháng chiến I (1945 – 1954) Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1977, thầy Hồ Huyên - Trưởng ban liên lạc cho tôi xem bài viết của bà giáo Trần Thị Huynh ở trang 45 tập kỷ yếu số 1 và nói thêm “Con trai đầu của nhà giáo Trần Thị Huynh và nhà giáo Ngô Thái, liên hiệu Tam Thanh – Tam Kỳ nay là Giám đốc Công ty Sách và thiết bị trường học Quảng Nam – Đà Nẵng, là một trong những người tài trợ cho Ban liên lạc giáo viên kháng chiến chúng ta hoạt động đấy”.
Ông Ngô Trần Ái. Ảnh: Báo Hà Nội Mới |
Tôi nhớ lại ngày tôi làm việc ở Ty Giáo dục Quảng Nam – Đà Nẵng đã biết gương hy sinh dũng cảm của đồng chí Ngô Thái trên đường đi công tác, hồi đó con trai đầu của anh chị còn quá nhỏ. Thế mà sau năm 1954, người con trai ấy đã trở thành giáo viên cấp 3, hiệu trưởng Trường Trung học Hòa Vang rồi giám đốc công ty. Ngô Trần Ái, tên anh vừa mang họ cha, vừa mang họ mẹ và anh đã trưởng thành trong sự dạy dỗ nuôi dưỡng của một cô giáo tiểu học, nay là hội viên Hội Nhà giáo kháng chiến. Hỏi thêm các đồng chí ở Đà Nẵng, tôi còn biết là khi làm giáo viên Trường Trung học Hòa Vang, Ngô Trần Ái đã có nhiều thành tích trong việc thực hiện phương châm “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất” của nhà trường xã hội chủ nghĩa, mặc dù anh được đào tạo ở Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn trước giải phóng. Tôi thầm nghĩ ở người giáo viên trẻ này đã có sự nhạy bén về chính trị và tính năng động trong nghiệp vụ sư phạm, thấm đẫm tình cảm của các bậc cha anh là giáo viên kháng chiến.
Tháng sau, tôi nghe tin anh được điều vào làm Giám đốc Chi nhánh NXB Giáo dục tại TP.Hồ Chí Minh. Mấy anh em ở bộ đi công tác miền Nam về có cho tôi biết là Chi nhánh miền Nam của NXB Giáo dục làm ăn rất tốt, Giám đốc Ngô Trần Ái ở Đà Nẵng vào rất được tín nhiệm. Nhận chức hôm trước, hôm sau anh đã nắm chắc tình hình đời sống và sinh hoạt của cán bộ nhân viên trong chi nhánh, và việc đầu tiên anh làm là điều chỉnh những bất hợp lý trong chế độ thu nhập, bàn với công đoàn các biện pháp cải thiện đời sống cho người lao động, đồng thời yêu cầu cán bộ nhân viên thực hiện kỷ luật lao động đúng 8 giờ vàng ngọc. Năng suất lao động của mỗi người trong đơn vị được nâng lên rõ rệt. Cách quản lý đó của anh đã có tác động đến một số cơ quan của Bộ GD&ĐT đóng ở TP.Hồ Chí Minh.
“Anh Ngô Trần Ái là một nhà giáo có những phẩm chất tốt đẹp, một người quản lý giỏi. Anh đã cùng tập thể anh chị em của NXB Giáo dục hoàn thành mọi nhiệm vụ của NXB Giáo dục Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí, ổn định xã hội, phục vụ tốt sự nghiệp GD&ĐT nước nhà. Tôi chúc mừng anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình!”. (Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, người bạn lâu năm của nhà giáo Ngô Trần Ái) |
Mới vừa ấm chỗ ở Chi nhánh NXB Giáo dục tại TP.Hồ Chí Minh thì năm 1999 anh lại được điều ra Hà Nội giữ chức Giám đốc NXB Giáo dục của Bộ GD&ĐT, thay thế đồng chí giám đốc cũ được nghỉ hưu. Là người đồng hương, tôi cứ lo không biết một cán bộ trẻ như anh có trụ vững được ở một cơ quan trung ương, quản lý một hoạt động hậu cần lớn của ngành GD&ĐT hay không, nhất là lúc đang tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba. Thực tiễn hoạt động của anh và NXB Giáo dục Việt Nam 15 năm qua đã trả lời là Ngô Trần Ái không những trụ vững mà còn lái được con thuyền NXB Giáo dục Việt Nam trở thành một doanh nghiệp trong tốp 500 doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh theo bảng xếp hạng của Việt Nam Reports. Một NXB tầm quốc gia, với ba NXB Giáo dục tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng và một chi nhánh tại TP.Cần Thơ, một doanh nghiệp lớn của ngành GD&ĐT, anh vừa là tổng giám đốc vừa là chủ tịch hội đồng thành viên, gồm 65 đơn vị thành viên, cung ứng cả mảng sách và mảng thiết bị trường học, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Những đóng góp xứng đáng của NXB Giáo dục Việt Nam đã được ghi nhận bằng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh. Tổng Giám đốc Ngô Trần Ái được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Cúp Thánh Gióng 2010… Có lần anh tâm sự: “Tôi sung sướng vì đã đi xa hơn những ước mơ thuở nhỏ của mình”. Đúng như vậy, trước đây cậu học trò yêu sách là anh đã quyết chí học giỏi chỉ để vượt khỏi cái nghèo...
Trong công tác xuất bản, anh có quan niệm rất chuẩn: “Người làm nghề liên quan đến giáo dục phải thực sự là người có cái tâm vì thế hệ tương lai”. Anh đã có quan niệm chuẩn đó từ ngày còn là thầy giáo cấp 3 Hòa Vang và thực hiện mong ước đó trong quá trình công tác ở Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong quản lý điều hành anh luôn đặt hoạt động kinh doanh là phương tiện, phục vụ là mục đích, đồng hành với các hoạt động xã hội, tình nghĩa, từ thiện, khuyến học. Việc xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sách giáo khoa cho học sinh nghèo, cho con thương binh liệt sĩ, ủng hộ đồng bào vùng khó khăn, nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, người già neo đơn… được đưa vào kế hoạch công tác hàng năm. Chỉ trong 5 năm gần đây số tiền dành cho các hoạt động này của NXB Giáo dục Việt Nam đã lên đến hơn 50 tỷ đồng. Riêng đối với các vùng khó khăn của Quảng Nam - Đà Nẵng quê hương, anh và NXB Giáo dục Việt Nam đã tặng hai chục thư viện trường học và đã góp phần xây dựng Trường THPT Nội trú Nước Oa Bắc Trà My, khu căn cứ và khu kháng chiến của Liên khu 5 và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tháng 10.2014, anh được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen nhân dịp kỷ niệm 60 năm Đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Hà Nội.
Quan niệm chuẩn của anh chính là bí quyết thành công. Tôi tin là như vậy.
TRẦN THÂN MỘC