Dạy học, làm thơ, sáng tác nhạc, từng ghi tên vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam với nghệ thuật thạch ảnh độc đáo, danh tiếng của Lê Nguyên Vỹ không bó hẹp ở TP. Đà Nẵng quê hương, mà còn lan xa... Bởi thời gian gần đây anh lại gây chú ý bằng diệp ảnh - phóng ảnh lên lá…
Trong cuộc mưu sinh, Lê Nguyên Vỹ (tên thật là Lê Đức Vỹ) tự nhận mình là người kém cỏi, lại nhát gan nên không dám đi trên con đường mà nhiều người đã đi vì sợ bị thất bại. Anh chọn con đường lạ “một mình mình biết, một mình mình hay” để đi “cho nó an toàn”. Trước đây, anh là người đầu tiên ở Đà Nẵng làm cá hộp, làm áo mưa chống ướt, cán da cá sấu… Với Lê Nguyên Vỹ, thạch ảnh cũng là một trong những con đường lạ anh từng đi để “kiếm cơm”, chứ chẳng phải nghệ thuật cao siêu gì. Có điều, thạch ảnh lại níu giữ, gắn bó với anh lâu nhất.
Với Lê Nguyên Vỹ, mỗi tác phẩm là duy nhất, không lặp lại và bảo hành suốt đời. |
Không phải ngẫu nhiên mà Vỹ lại mò mẫm tìm cách phóng ảnh lên đá, khi các cơ sở thủ công trong thập niên 90 của thế kỷ trước ở Đà Nẵng chỉ dừng lại ở việc dán ảnh hoặc khắc chữ lên đá. Số là trước những năm 1975, anh có được một người bạn bày cho cách phóng ảnh, từ đó anh đã luôn ấp ủ về một loại ảnh cho riêng mình. Sau này, khi giao lưu với những người bạn chơi đá chuyên nghiệp, anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy những phiến đá sần sùi trong tự nhiên có thể được trả đến bạc tỷ. Dù không nói ra nhưng trong đầu Vỹ luôn cảm thấy không phục. Vậy là Vỹ đến với thạch ảnh như một cách đi tìm những giá trị “rõ ràng” hơn cho đá.
Trong con mắt của anh - người chuyên sáng tác nhạc trước đó, thạch ảnh thực chất cũng là trò chơi của âm nhạc. Vỹ lý luận, trên mỗi hòn đá tự nhiên, sự bào mòn của thời gian thành vân đá là giai điệu, màu đá là tiết tấu chung thủy. Và với thạch ảnh, anh chỉ là người viết lời lên đá đã có tiết tấu và giai điệu sẵn. Tuy nhiên, công đoạn viết lời này cũng vô cùng quan trọng; giai điệu, tiết tấu có đẹp đến mấy nếu lời dở thì sẽ cho ra một tác phẩm âm nhạc tồi tệ và ngược lại nếu ca từ phù hợp thì tác phẩm sẽ vút bay. Vỹ nói, âm nhạc là cái gốc của trò chơi thạch ảnh mà anh theo đuổi hơn 10 năm nay. Với lá cũng vậy, cùng là lá bồ đề cả nhưng không có lá nào giống lá nào: Có lá có đường vân sắc nhọn. Có lá thì đường vân xẻ uốn cong… Vì vậy, mỗi tác phẩm thạch ảnh hay diệp ảnh do anh sáng tạo đều là “độc bản”, tuyệt đối không có sự trùng lặp.
Diệp ảnh - phóng hình lên lá. |
Vỹ đặc biệt khó tính trong nghệ thuật, nhưng lại khá an nhiên, bình thản với những được mất, giàu nghèo. Vỹ kể, hồi bao cấp, khi anh còn làm nghề đạp xe thồ mưu sinh, hễ hôm nào kiếm đủ 3 ngày gạo cho cả nhà thì anh nghỉ liền 2 ngày để đọc sách, hoặc nghiên cứu tìm hiểu những điều anh thích. Cuộc đời này với Vỹ còn nhiều thứ để làm chứ không phải suốt ngày chỉ vật lộn với miếng cơm, manh áo. Khi đẩy xe đi bán bánh mì, làm mắm, làm bia rượu, dán áo mưa, làm cá hộp… Vỹ chưa bao giờ tích cóp để gia đình mình giàu lên, chỉ cần đủ ăn đủ mặc thì anh đều dừng lại. Vỹ đam mê “Cái Đẹp” coi thường chuyện giàu sang.
Nếu bảo Vỹ là kiểu nghệ sĩ viển vông, chỉ biết ôm ấp những mộng tưởng xa vời thì cũng hoàn toàn không đúng. Ngược lại, anh rất thực tế, mặc dù phải trải qua nhiều thất bại cho các cuộc thể nghiệm trên những con đường tự mình mở ra, đến nỗi phải cầm cố nhà cửa, bán xe, bán hết tài sản, nhưng chưa lúc nào anh để vợ con phải thiếu thốn. Ở cái thời mà một người phải nuôi một người đã là rất khó thì Vỹ một nách gồng gánh 4 miệng ăn (1 vợ và 3 con). Khi bắt đầu làm gì, dù đó là những ý tưởng mà với nhiều người chỉ là sự kỳ cục, quái lạ, đầy rủi ro, Vỹ vẫn luôn tin rằng, anh sẽ thành công. Bởi theo Vỹ, mỗi sự vật, mỗi sản phẩm mới cống hiến cho đời đều có giá trị và sớm muộn chúng sẽ tìm được dòng chảy riêng. Điều quan trọng là phải làm tới nơi, phải đưa sự vật, sự sáng tạo về đúng giá trị đích thực của nó. Anh cực ghét sự lỡ cỡ, dở dang.
Vỹ luôn nói rằng, anh đến với thạch ảnh như một nghề để kiếm cơm chứ không phải nghệ thuật cao siêu gì. Những tác phẩm thạch ảnh của anh đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, anh cũng từng nhận được những đơn đặt hàng ở ngoài lãnh thổ quốc gia… Vậy mà hơn 10 năm rồi, Vỹ vẫn là một nghệ sĩ nghèo không hơn không kém. Nghe chừng có vẻ nghịch lý, nhưng anh chỉ cười: “Tôi nói là kiếm cơm chứ có kiếm vàng bạc châu báu gì đâu”. Một người bạn từng có câu đùa nhưng lại rất thật về anh, rằng: “Hãy yêu anh đi, vì ngoài tiền bạc cái gì anh cũng có”. Vỹ nói thứ anh giàu nhất là bằng hữu. Bạn anh từ 18 đến tuổi 90, không phân biệt đẳng cấp, nghề nghiệp, giàu nghèo, họ luôn là nguồn động viên, nơi chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống của anh.
Một tác phẩm phóng ảnh trên đá khắc lại tuổi thơ của một khách hàng nước ngoài. |
Khác với nhiều người, Vỹ chưa bao giờ bất mãn dù cuộc đời còn nhiều nhiễu nhương và anh vẫn còn rất nhiều ước mong chính đáng chưa đạt được. Với Vỹ, chỉ tồn tại điều anh yêu và ghét, điều anh thích và không thích; anh yêu cái đẹp, sự lương thiện, ghét cái xấu, cái ác… thế thôi. Có lẽ, với cách nhìn đời an nhiên như thế mà Vỹ trẻ hơn nhiều so với tuổi 64 của mình. Anh luôn đón chào bạn bè bằng những nụ cười hào sảng, sẻ chia. Mặc dù, ở Vỹ đôi khi ngoài sự phóng khoáng, nhạy cảm của người nghệ sĩ, người ta còn nhận thấy cả sự khắc kỷ của một nhà khoa học, sự cần mẫn của một người thợ, có khi lại bộc lộ sự cao khiết của một triết gia, sự điềm tĩnh của một tu sĩ…
Không tự nhận mình là nhạc sĩ, là nhà thơ, dù anh là tác giả của nhiều bài thơ và bản nhạc được yêu thích; anh cũng không nhận mình là thạch ảnh gia hay diệp ảnh gia… dù người ta vẫn quen gọi anh như thế. Vỹ bảo, bây giờ sau cuộc rong chơi cùng thơ, nhạc, đá và lá, anh sẽ dừng lại để viết vì “kiếm cơm vậy đủ rồi”. Vỹ cho biết sẽ hoàn thiện cuốn sách về cuộc đời mình. Không phải hồi ký, vì anh không thích sự kể lể, phơi trải cả cuộc đời mình ra cho bàn dân thiên hạ bàn tán, mổ xẻ. Mà trong nhịp sống sôi động, hối hả này, liệu có mấy ai quan tâm một cuộc đời, một con người bé mọn như anh. Vì vậy, Vỹ sẽ viết như một sự cống hiến, viết những gì mình học được từ cuộc đời đã trải. Với anh, cuộc đời chỉ vui khi được cống hiến, con người chỉ vui khi nói lên được tiếng nói của chính mình.
THANH TÂN