Chuyện về thân phụ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

NGUYỄN VĂN THỊNH 02/05/2014 09:01

Là một kỹ sư cầu cống do Pháp đào tạo, làm việc trong công sở của Pháp với mức lương khá cao, nhưng cụ Nguyễn Đông Hợi vẫn từ bỏ để theo cách mạng, trở thành Trưởng ban Công binh Nam Bộ chuyên sản xuất vũ khí. khi chiến dịch Điện Biên Phủ sắp diễn ra, cụ Hợi được tổ chức bí mật đưa ra Bắc để phục vụ chiến dịch...

Cả gia tộc  theo cách mạng

Cụ Nguyễn Đồng Hợi là con rể thứ hai của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh,  chồng bà Phan Thị Châu Lan. Cụ Hợi sinh năm 1900, quê ở huyện Điện Bàn, thân phụ là một nghĩa sĩ Cần vương. Tôi may mắn gặp ông Nguyễn Đông Hồ - con trai thứ ba của cụ Hợi và được nghe ông kể những câu chuyện về thân phụ mình. Đọc cuốn hồi ký “Gia đình bạn bè và Tổ quốc” của bà Nguyễn Thị Bình, tôi cũng đã biết thêm về cụ Hợi và các con của cụ. Ông Nguyễn Đông Hồ cho biết, cha ông học giỏi và uyên bác, nhờ thế mới trở thành con rể của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Cha mẹ ông sinh được bảy chị em, bốn trai ba gái, bà Nguyễn Thị Bình là con đầu, còn người con gái út đã mất lúc nhỏ. Vì công việc, cụ Hợi phải đi làm nhiều nơi và ở lại đó một thời gian dài nên cụ mang vợ theo. Họ sống trên một chiếc ghe bầu lớn rong ruổi khắp các tỉnh Nam bộ. Bà Nguyễn Thị Bình chào đời trong hoàn cảnh đó. Trong cuốn hồi ký “Gia đình bạn bè và Tổ quốc” bà Nguyễn Thị Bình kể lại: “Tôi được sinh ra ở xã tân Hiệp, tỉnh Sa Đéc (cũ), và được ba má đặt tên là Sa(...) Tuổi thơ tôi được sống một thời gian dài ở nông thôn nên cũng hiểu việc đồng áng, câu cá, câu tôm. Tôi còn nhớ mãi mùa nước nổi ở đồng bằng miền Tây, ruộng vườn chìm trong nước mênh mông như biển. Những ngày tháng tuổi thơ ảnh hưởng lâu dài trong cả cuộc đời tôi…”.

Ông bà Nguyễn Đồng Hợi và Phan Thị Châu Lan. (Ảnh chụp lại)
Ông bà Nguyễn Đồng Hợi và Phan Thị Châu Lan. (Ảnh chụp lại)

Do công việc, cụ Hợi rời Nam Bộ, đưa gia đình qua Campuchia sống ở đại lộ Miche, thủ đô Phnom Penh. Ở Campuchia, bà Bình theo học tại Lycée Sisowath - trường trung học lớn nhất Campuchia, chỉ dành cho con cháu hoàng tộc Campuchia và người Pháp học. Vì cụ Hợi làm trong công sở của Pháp nên mới xin cho con mình vào học ở đây. Theo lời ông Hồ, lúc còn đi học ở trường này, bà Bình là bạn học với hoàng tử Sihanouk, sau này là Quốc vương của Campuchia. “Thời gian ở Campuchia, cha tôi đã tham gia hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước tại Campuchia giúp mua vũ khí, đạn dược… rồi chở về Việt Nam” - ông Hồ kể. Năm 1945, cụ Hợi đưa gia đình về lại Việt Nam rồi vào chiến khu D tham gia kháng chiến. Với kiến thức về khoa học tự nhiên uyên bác của mình, cụ Hợi được phân công làm Trưởng ban Công binh Nam Bộ, đơn vị chuyên sản xuất vũ khí cho quân đội. Cùng với những người lính công binh, cụ Hợi chế tạo súng đạn, mìn… cho bộ đội đánh giặc. Năm 1947, kỹ sư Nguyễn Đồng Hợi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là gia đình có truyền thống yêu nước nên các con cụ Hợi đều tham gia cách mạng. Trong đó có hai người nổi bật là bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Đông Hà - thủ lĩnh phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn những năm 60 - 70, thế kỷ XX. “Sau này anh Hà bị tù ở Côn Đảo. Vợ anh Hà, chị Lê Thị Sáu cũng hoạt động cách mạng và bị tù với anh. Mấy anh em con bà dì, chị của má tôi là bà Phan Thị Châu Liên, cũng tham gia cách mạng. Trong đó có hai người nổi tiếng là chị Phan Thị Minh (lấy họ của ông ngoại, tên thật là Lê Thị Kinh, sau này làm Đại sứ ở Úc) và nhà văn Phan Tứ (tên thật là Lê Khâm). Chồng của dì tôi là dượng Lê Ấm, là giáo sư có tiếng thời đó, từng giúp ông ngoại tôi soạn thảo thư từ, bài viết… khi ông ngoại tôi bị ốm nặng ở Sài Gòn” - ông Nguyễn Đông Hồ kể.

Bí mật tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Trước khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ, biết tiếng kỹ sư Nguyễn Đồng Hợi đang làm Trưởng ban Công binh ở chiến khu D, Trung ương quyết định điều kỹ sư Hợi ra Bắc, phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Đông Hồ nhớ lại: “Nhận chỉ thị của Bộ Chính trị, cấp trên bố trí cho ba tôi về thành phố Sài Gòn. Họ bí mật đưa ba tôi về ở đền thờ ông ngoại tôi mà lúc đó người dân Sài Gòn thường gọi là đền thờ cụ Phan ở Đa Kao (thuộc  phường Đa Kao, quận 1 bây giờ; đền thờ này, sau giải phóng đã được dời về gần mộ cụ Phan trong Khu di tích của cụ Phan). Vì ở trong chiến khu lâu này, ba tôi đã quen với nền nếp sinh hoạt và ăn vận như kiểu trong đó, để giữ bí mật cho hoạt động, ba tôi phải náu mình mấy tháng trời để làm quen với cuộc sống mới. Sau đó, cùng với một bà cụ và một người đi theo bảo vệ, ba tôi cùng họ đóng giả làm những người buôn trầu đi lên sân bay Tân Sơn Nhất bay ra Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, tổ chức bí mật đưa ba tôi ra Bắc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ba tôi hoạt động ở hậu cứ chứ không trực tiếp tham gia chiến dịch. Ba tôi tham gia chế tạo bom mìn, hình như còn làm cố vấn trong việc đào hầm hào công sự…”.

Sau “56 ngày đêm” bộ đội ta bao vây đánh chiếm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều ngày 7.5.1954, quân và dân ta đã làm nên “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”. Công tác ở miền Bắc một thời gian rồi cụ Hợi xin về Nam hoạt động. Cụ sống trong đền thờ cụ Phan. Năm 1969, cụ Hợi bị bệnh nặng. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Bình vừa trở về từ Hội nghị Paris. Nghe tin ba bệnh nặng, bà vội vã đến thăm. Bà kể lại chuyện đó trong cuốn hồi ký “Gia đình bạn bè và Tổ quốc”: “Năm 1969, ở Hội nghị Paris về nhận chỉ thị, tôi hết sức đau buồn khi biết tin ba đã nằm viện mấy tháng rồi, người gầy còm tiều tụy. Tôi ôm lấy ba, nước mắt giàn giụa: “Ba ốm sao không cho con hay?”. Ba tôi xúc động trả lời: “Chuyện ba ốm là chuyện nhỏ, việc con làm hiện nay quan trọng hơn!”. Ít lâu sau, cụ Hợi qua đời.

NGUYỄN VĂN THỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện về thân phụ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO