(VHQN) - Có 18 lô cổ vật/mỹ thuật phẩm xuất xứ từ Việt Nam, gồm đồ sứ ký kiểu, đồ sơn mài, đồ đồng, tranh lụa, tranh sơn dầu, tranh màu trên giấy, thoi bạc thời Nguyễn, tượng Phật bằng gỗ và sơn mài tham gia phiên đấu giá có tên có tên “Supreme Glory Fine Asian Arts” (Tột đỉnh vinh quang - Nghệ thuật châu Á).
Đây là phiên đấu gia do nhà đấu giá ADAM’S (thành lập năm 1887) ở Dublin (Ireland) tổ chức. Có tới 473 lô cổ vật có nguồn gốc từ nhiều nước Á châu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Việt Nam…
Đặc biệt, có một thanh kiếm, được ghi niên đại là năm Minh Mạng thứ 21, tức năm 1840, được định giá sàn (giá dự kiến) là 100.000 - 150.000 euro. Tuy nhiên, trước ngày diễn ra phiên đấu giá (18/11), một số người tung tin đây là thanh kiếm giả. Việt Nam cũng để vuột mất cơ hội để hồi hương một cổ vật quý khi không tham gia đấu giá.
Lai lịch và diện mạo thanh kiếm
Thanh kiếm này đến từ bộ sưu tập của Đại tá Pierre Le Lann, một nhà sưu tập vũ khí người Pháp, đã mua từ một nguồn giấu tên vào thập niên 2000. Đó là thanh kiếm chém kiểu truyền thống của các nước Á châu, dài 96cm. Lưỡi kiếm cong làm bằng thép, chuôi kiếm bọc ngà voi, đốc kiếm có trang trí vàng và đá quý.
Lớp ngà voi bọc ngoài chuôi kiếm được chạm khắc thành chuỗi các hạt hình tròn nối liền nhau, giống như những viên ngọc trai cuộn quanh chuôi kiếm. Cuối chuôi kiếm bọc vàng, chạm khắc hình rồng mây, họa tiết hình cánh sen và hoa cúc liên kết nhau, có nạm hai viên hồng ngọc ở hai bên.
Đốc kiếm hình lục giác không đều nhau. Hai mặt chính của đốc kiếm đúc bằng vàng, chạm trổ hình hai con rồng năm móng mang đặc trưng của con rồng trong mỹ thuật thời Nguyễn.
Trên mép của đốc kiếm có khắc dòng chữ Hán: 明命贰拾一年奉刻 八五黄金共重八兩七寸七分 (Minh Mạng nhị thập nhất niên phụng khắc, bát ngũ hoàng kim cộng trọng bát lượng thất thốn thất phân; dịch nghĩa: “Vâng lệnh khắc vào năm Minh Mạng thứ hai mươi mốt [1840], bằng vàng tám tuổi rưỡi, nặng tám lượng, bảy chỉ, bảy phân). Chữ được khắc bằng cách đục các chấm nhỏ liền nhau tạo thành những nét chữ Hán. Đây là kỹ thuật khắc chữ lên đồ vật bằng vàng và bạc rất phổ biến vào thời Nguyễn.
Lưỡi kiếm làm bằng thép tôi, có khắc ba cụm biểu tượng: hình tấm khiên, ngọn giáo, khẩu pháo và lá cờ, cùng hai chữ S&K khắc chìm. Theo nhà nghiên cứu Philippe Truong (Paris, Pháp), hai chữ S&K là chữ viết tắt của Schnitzer & Kirchbaum, một xưởng chuyên rèn lưỡi kiếm ở Solingen (Đức), hoạt động từ năm 1811 đến năm 1864. Lưỡi kiếm của họ nổi tiếng về chất lượng và được sử dụng trên kiếm của các sĩ quan ở Đức và Pháp vào thế kỷ 19.
Vỏ kiếm làm bằng gỗ, bên ngoài có phủ lớp sơn đỏ. Phần đầu, phần giữa và phần cuối của vỏ kiếm được bọc các mảng trang trí bằng vàng lá, với các đồ án trang trí: hình rồng mặt nạ gắn hai viên hồng ngọc (phần đầu), hoa cúc (phần giữa) và “long vân khế hội” (phần cuối) rất chi tiết và tinh xảo. Phần đầu của vỏ kiếm, trên một mặt có khắc dòng chữ Hán: 内造臣杜𣹕造 (Nội tạo, thần Đỗ Lụt tạo: Thần dân Đỗ Lụt chế tạo tại Nội tao); mặt còn lại khắc hai chữ Hán: 二號: (Nhị hào: số 2)
Kiếm này là thật hay giả?
Căn cứ vào văn tự khắc trên kiếm, có thể thấy, thanh kiếm do một người tên là Đỗ Lụt (杜𣹕), làm việc ở Sở Nội tạo (một cơ quan chuyên sản xuất đồ dùng trong cung vua triều Nguyễn), chế tác vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Phần làm bằng vàng có trên chuôi kiếm và đốc kiếm có tổng trọng lượng là tám lượng, bảy chỉ, bảy phân vàng 8,5 tuổi. Lưỡi kiếm đặt mua từ xưởng Schnitzer & Kirchbaum ở Solingen (Đức).
Dòng văn tự khắc trên đốc kiếm có chữ 寸 (thốn), là đơn vị đo trọng lượng của vàng, chỉ được sử dụng dưới triều Nguyễn. Tôi đã tiếp xúc với nhiều cổ vật bằng vàng của thời Nguyễn, thì thấy minh văn khắc trên các hiện vật đó đều dùng chữ 寸 (thốn), với cùng một cách thức chạm khắc: dùng đột mũi nhọn, đục từng chấm nhỏ tạo thành nét chữ Hán.
Trong khi ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên cùng thời, đều dùng các đơn vị: 兩 (lượng), 錢 (tiền) và 分 (phân) để đo trọng lượng của vàng, thì nhà Nguyễn ở Việt Nam dùng các đơn vị: 兩 (lượng), 寸 (thốn) và 分 (phân) để đo. Đây là cách dùng riêng của nhà Nguyễn, và cũng là một tiêu chí để phân biệt đồ vàng thời Nguyễn với đồ vàng cùng thời ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.
Lưỡi kiếm do xưởng Schnitzer & Kirchbaum ở Solingen (Đức) chế tác. Xưởng này đã ngừng hoạt động từ năm 1864, không còn chế tác nữa và cũng chưa có ai có thể làm giả lưỡi kiếm của họ vì chất lượng và kỹ thuật chế tác lưỡi kiếm của S&K là một bí kíp, người ta không bắt chước được.
Ngoài ra, theo Philippe Truong, những họa tiết khắc trên lưỡi kiếm bằng thép như: ngọn giáo, khẩu pháo, tấm khiên và lá cờ, thể hiện sở thích của vua Minh Mạng, người đã từng đặt làm nhiều món đồ sứ trắng từ xưởng Spode ở Anh quốc trong các năm 1824 - 1825, có trang trí những hình tương tự, sau đó thì vua cho vẽ thêm các kiểu hoa văn phổ biến trong mỹ thuật Trung Hoa và Việt Nam lên những món đồ này, kèm theo các lạc khoản: 明命五年曾畫 (Minh Mạng ngũ niên tăng họa: Vẽ thêm vào năm Minh Mạng thứ 5, 1824) hoặc: 明命六年曾畫 (Minh Mạng lục niên tăng họa: Vẽ thêm vào năm Minh Mạng thứ 6, 1826), rồi đem nung lại để dùng.
Sau cùng, tôi cho rằng có thể thanh kiếm này đã bị thực dân Pháp cướp đi khi họ tấn công vào Kinh Thành Huế vào tháng 7/1885, cùng với nhiều bảo vật khác của triều Nguyễn.
Phần lớn những bảo vật cướp bóc trong đợt này đã được người Pháp chuyển về Paris. Và vì lý do nào đó, có thể thanh kiếm này cũng là một vật bị cướp, lại lọt ra bên ngoài, lưu lạc sau ngần ấy năm. Sau đó, được một nhà sưu tầm cổ vật mua lại vào thập niên 2000, và nay lại được đưa ra bán đấu giá bởi nhà đấu giá ADAM’S ở Dublin (Ireland).
Tiếc rằng, người có ý định mua lại thanh kiếm và dự định tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã nghe tin thất thiệt, không tìm đúng người có chuyên môn giám định cổ vật này, nên bỏ tham gia đấu giá. Việt Nam vuột mất cơ hội để hồi hương một cổ vật quý. Thiệt tiếc lắm thay!
Kết thúc phiên đấu giá, thanh kiếm thời Minh Mạng được nhà sưu tầm người Anh mua với giá gõ búa là 370.000 euro, cao hơn 2,5 đến 3,5 lần so với giá dự kiến, chưa tính các khoản thuế (cho nhà nước) và phí (cho ADAM’S) khoảng từ 17% đến 24% so với giá gõ búa.