Chuyện về vợ chồng liệt sĩ ngành an ninh

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 05/08/2016 08:32

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng trăm người con ưu tú của TP.Tam Kỳ đã hăng hái lên đường cầm súng đánh giặc, có không ít người đã anh dũng hy sinh. Trong đó, vợ chồng ông bà Trịnh Nam Bình - Hồ Thị Hiệp ở khối phố Hương Trà Tây, (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) là cán bộ an ninh và cả hai đều là liệt sĩ.

ÔNG Trịnh Nam Bình sinh năm 1924 trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước. Mới hơn 20 tuổi ông đã tham gia dạy bình dân học vụ và đã kinh qua các chức vụ Đoàn trưởng nông dân, Trung đội trưởng Dân quân, cán bộ Tuyên huấn xã ủy, cán bộ Tuyên huấn Liên Việt thị xã Tam Kỳ. Năm 1948 ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được phân công làm Bí thư Chi bộ xã. Tháng 4.1954, theo sự phân công của tổ chức, ông để lại quê nhà người vợ đang mang bầu và 2 người con thơ dại để lên đường tập kết ra miền Bắc. Qua 10 năm công tác, học tập và rèn luyện tại Ty Công an Quảng Bình với cấp bậc Trung úy. Tháng 5.1965, ông lên đường vào Nam và được bố trí về công tác tại Ban an ninh thị xã Tam Kỳ. Trong những năm công tác tại đây, bản thân ông Bình cùng cán bộ, chiến sĩ Ban an ninh thị xã đã thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 và Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) về “Động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”. Đồng thời triển khai thực hiện tốt chủ trương của Khu ủy khu V về phong trào “Toàn dân hiến kế đánh giặc Mỹ xâm lược”, “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và thực hiện tốt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”

Ông Trịnh Tăng Gia - con trai độc nhất của vợ chồng liệt sĩ Trịnh Nam Bình - Hồ Thị Hiệp, viếng hương cha mẹ.  Ảnh: Đ.N
Ông Trịnh Tăng Gia - con trai độc nhất của vợ chồng liệt sĩ Trịnh Nam Bình - Hồ Thị Hiệp, viếng hương cha mẹ. Ảnh: Đ.N

Tháng 5.1968, tại cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã bầu ông Trịnh Nam Bình làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ và giao giữ chức vụ Phó Trưởng ban an ninh thị xã. Lúc bấy giờ Ban an ninh được bố trí thành 2 bộ phận công tác gồm Tổ trinh sát vũ trang, bộ phận vũ trang trại giam và sản xuất tự túc. Trên cương vị công tác mới, ông Bình thường xuyên về nội ô thị xã để phân công công việc cho các tổ viên cũng như nắm bắt tình hình để lên kế hoạch tiêu diệt địch nhưng vào một đêm cuối tháng 2.1970 trên đường đi làm nhiệm vụ thì bị địch mai phục bắn chết tại thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc.

Liệt sĩ Hồ Thị Hiệp được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Liệt sĩ Trịnh Nam Bình được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng ba, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Quyết thắng và Huân chương Giải phóng hạng Nhất.

Trong thời gian chồng đi tập kết ra miền Bắc, ở nhà vợ ông là bà Hồ Thị Hiệp sinh năm 1925 cùng trú thôn Hương Trà Tây, phường Hòa Hương bị địch thường xuyên bắt bớ, đánh đập tra tấn dã man. Trước tình hình đó, năm 1963 lãnh đạo Thị ủy Tam Kỳ đã bí mật cài cắm bà làm cơ sở để hoạt động. Vốn là người nhanh nhen và táo bạo nên nhân cuộc binh biến của Trung đội nghĩa quân ở thị xã diễn ra vào đầu năm 1965, bà Hiệp đã đưa được toàn bộ Trung đội nghĩa quân gồm 19 người mang theo đủ các loại vũ khí ra vùng giải phóng. Tháng 4.1969 cơ sở bị lộ, bà Hiệp đành phải để lại cho mẹ chồng 3 người con còn nhỏ dại, người nhỏ nhất mới 14 tuổi để tìm ra vùng giải phóng an toàn và được tổ chức phân công về làm công tác nuôi quân tại Ban an ninh thị xã Tam Kỳ. Vào một ngày cuối tháng 7.1971 trong khi đang làm nhiệm vụ bất ngờ địch đi càn phát hiện và bà bị bắn chết tại xã Kỳ Quế.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Chí Thành - Nguyên Trưởng ban an ninh thị xã Tam Kỳ (giai đoạn 1969-1975) cho biết: Lúc đầu, cơ quan làm việc của Ban an ninh thị xã đặt tại khe suối Dương Bồ Cháy (thôn 1, xã Kỳ Quế) đến năm 1969 chuyển về phía nam đèo Đá Én. Cán bộ chiến sĩ hoạt động trong điều kiện không có vùng giải phóng trực thuộc, phải đứng chân ở các xã Kỳ Trà, Kỳ Yên, Kỳ Thạnh thuộc huyện Nam Tam Kỳ và các xã Kỳ Quế, Kỳ Thịnh, Kỳ Phước, Kỳ Nghĩa thuộc huyện Bắc Tam Kỳ. Tuy nhiên vào thời điểm đầu năm 1970, cả khu vực hậu cứ như Kỳ Yên, Kỳ Trà, Kỳ Quế đều bị địch đánh phá bằng phi pháo và nơi ở của các đơn vị cũng thường xuyên bị đánh phá ác liệt. Vùng phụ cận như Trường Xuân, Tam Ngọc quân ta chỉ trụ bám được vào ban đêm còn ban ngày phải rút quân. Cán bộ lực lượng an ninh, đội công tác hy sinh ngày càng nhiều, trong đó có sự hy sinh cao cả của đồng chí Trịnh Nam Bình và nhiều đồng chí khác.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện về vợ chồng liệt sĩ ngành an ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO