Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT, quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT có hiệu lực thi hành từ ngày 5.9.2021. Tôi đọc thấy nhiều ý kiến giáo viên bày tỏ tin tưởng quy định mới sẽ thay đổi tư duy của nhà trường và gia đình, giảm bệnh thành tích, hạn chế việc học lệch… Và cũng khá nhiều ý kiến của giáo viên trực tiếp đứng lớp cho rằng, còn quá sớm để lạc quan.
Các quy định này, liệu có trở thành bộ quy tắc (tương tự Chỉ số đo lường hiệu quả công việc KPI) về đánh giá chất lượng giáo dục để thoát ra khỏi hệ quy chiếu của bệnh thành tích và điểm số.
Nếu làm không tốt, thì các điều mục về đánh giá, nhận xét của thông tư này, sẽ chỉ là “bình mới rượu cũ”; cũng như không đánh giá đúng khả năng của học sinh.
Do đó, chỉ làm khổ giáo viên vì phải dò theo để thực hiện, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chuyên môn. Chuyện làm khổ giáo viên, không chỉ từ trói buộc chằng chịt của quản lý hành chính. Như vài chuyện kể sau đây.
Cuối tháng 8, một giáo viên là tổng phụ trách đội ở trường THCS hỏi tôi về trình tự thủ tục để kiến nghị việc mình bị điều chuyển đi trường khác và đơn vị chủ quản đã không lắng nghe nguyện vọng của mình trước đó.
Chỉ bằng quyết định hành chính “chuyển công tác” và giáo viên này đang “rất muộn phiền”, “không còn tâm trí cho việc sẵn sàng cho năm học mới” (lời của cô giáo).
Một giáo viên THPT khác thì chia sẻ chuyện trường mình phải họp nhiều phiên, để triển khai thực hiện quyết định của Sở GD-ĐT về việc điều động tăng cường giáo viên các đơn vị trực thuộc sở.
Trường của cô được “giao chỉ tiêu 9 suất đi, trong đó có các huyện miền núi”. Theo yêu cầu từ sở, việc điều động nhằm giải quyết chuyện thừa, thiếu giáo viên, đảm bảo cân đối nguồn tài chính và phân công chuyên môn của các trường THPT, PTDTNT cho năm học 2021-2022.
Thời gian điều động từ 5.9.2021 - 15.8.2022. Các giáo viên phải thi hành, vì đó đã là quy định. Nhốn nháo trong nhau, là từ dùng của cô. Còn tâm trí đâu nghĩ những chuyện khác vì phải lo việc thu xếp mọi thứ từ gia đình đến trường học, để lên đường đi làm nghĩa vụ 1 năm học như điều động.
Đừng vội trách các thầy cô, rằng chỉ 1 năm thôi mà, rằng phải biết hy sinh vì tương lai các thế hệ học trò. Hãy đặt mình vào vị trí của họ để hiểu và chia sẻ. Chuyện thu xếp những thứ vốn đã an yên, cho một sự vụ xáo trộn, bao giờ cũng mang nhiều chướng ngại.
Nếu không - thể - khác, thì sao không đưa ra quyết định sớm hơn, khi thời điểm ba tháng hè bắt đầu, để họ có thời gian ứng phó; cũng như không gây nháo nhác trước thềm năm học mới?
Trong một trả lời trên Báo Quảng Nam, lãnh đạo Sở GD-ĐT nói rằng, “trên bình diện đại trà, việc thiếu giáo viên hiện nay không phải là nhiều và bức xúc”. Bình diện đại trà đó, là ổn; thì vài chục người được điều động đi tăng cường, là thiểu số, chẳng lẽ lại không đáng quan tâm?
Một giáo viên dạy trường chuyên nói rằng, phải đắn đo tự đấu tranh với chính mình, để làm đơn thôi giảng dạy ở trường, vì lo các thành tích liên quan đến học sinh giỏi không đạt chỉ tiêu.
Khi các kỳ thi học sinh giỏi vẫn cứ mang tính đại diện cho chất lượng giảng dạy, thì đến bao giờ mới dứt bệnh thành tích trong ngành giáo dục - như điều mà các giáo viên kỳ vọng ở Thông tư 22 nói trên.
Thời nào cũng vậy, người làm quản lý giáo dục nếu lạc điệu với tâm tư tình cảm của giáo viên, thì e rằng khó đòi hỏi họ “Tâm huyết, trách nhiệm, truyền cảm hứng cho học trò” như mong đợi.
Khai giảng năm nay, tất nhiên sẽ lặng lẽ nhiều hơn. Dịch bệnh Covid-19 đã xáo trộn tất cả. Lo lắng cho năm học mới cũng vì thế nhiều hơn. Phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” thì sẽ học trực tuyến thế nào, nhất là với học sinh tiểu học? Mà có vẻ như “bầu khí quyển lo lắng” năm nào cũng trở đi trở lại, khi năm học mới bắt đầu, không hẳn chỉ vì Covid.