Thoát khỏi cái hình hài tiều tụy chỉ còn da bọc xương, bà cụ thấy mình đã trở thành một kẻ khác. Không ốm đau bệnh tật. Không mắc chứng run tay chân. Người nhẹ bẫng, lâng lâng... “Lần này ta được về lại ngôi nhà xưa, được thỏa thuê ngắm nhìn mấy đứa cháu nội ngồi chơi dưới tán lộc vừng sum sê cành lá ở góc sân. Dẫu chỉ một lần và mãi mãi...”. Bà cụ thầm nhủ. Niềm vui sớm được đoàn tụ với gia đình khiến bà cụ không để ý tới những người bạn già sống chung phòng ở trại tế bần. Họ cứ nhìn cái thân hình bất động trên giường của bà cụ được phủ che bởi tấm chăn mỏng màu cháo lòng và rì rầm bàn tán. “Rên rẩm” ở giường đối diện thở dài: “Chết là hết! Già quá rồi, sống làm chi cho thêm cực cái thân!”. “Ho khuya” nằm giường kế bên ca cẩm: “Phòng có bốn người. Bà ấy đã ra đi. Giờ chỉ còn ba. Chưa qua mùa đông, liệu sắp tới trong chúng ta ai sẽ về với đất?”. “Chép miệng”, chủ nhân của chiếc giường kê sát góc trái, nói: “Sống chết có số, hơi sức mô mà lo!”.
Có tiếng chân người thình thịch ngoài hiên. Bà cụ vội ngước nhìn ra. Nhân viên trại tế bần đến mang cái hình hài quắt queo của bà cụ xuống nhà vĩnh biệt. Bất chợt điện thoại di động của một người trong bọn họ, có lẽ là tổ trưởng, đổ chuông. Anh ta thò tay vào túi quần móc cái “a lô cầm tay” và bấm nút nghe. Vẻ mặt anh ta hớn hở y hệt trẻ nhỏ được quà: “Dạ! Báo cáo anh, bọn em chuẩn bị đem bà cụ xuống nhà vĩnh biệt. Lát nữa, taxi cứ chạy thẳng đến đấy đón bà cụ về. Dạ! Anh khỏi phải lo, mọi việc đã có bọn em...”. Anh ta bấm nút tắt và đút cái “a lô cầm tay” vào túi quần. “Chép miệng” thấy nhân viên trại tế bần chuyển “Đái dầm” đến nơi ở mới, không cầm được nước mắt, sụt sùi: “Tứ cố vô thân, khi về với đất lặng lẽ quá!”. Người vừa rút cái “a lô cầm tay” nói chuyện với ai đó, cười bảo: “Cụ nhầm rồi! “Đái dầm” chỉ “lặng lẽ nơi này” mà thôi. Về với gia đình, “Đái dầm” sẽ được tổ chức ma chay rềnh rang hoành tráng. Bởi con trai “Đái dầm” là giám đốc của một sở đầy quyền uy, “thét ra lửa, mửa ra khói”...”. “Rên rẩm” cãi lại: “Con cái làm to thế, sao nỡ đối xử tệ bạc với bậc sinh thành, tống vô trại tế bần để sống lắt lay trong những ngày cuối đời?”. “Chuyện đó chỉ có trời mới biết!”, “A lô cầm tay” nói.
Cuối cùng, hình hài khô đét của bà cụ cũng đã được nhân viên trại tế bần - tên gọi hoa mỹ là trại dưỡng lão, chuyển tới nơi cần tới. Mười năm chung sống với nhau, phút biệt ly bà cụ nấn ná mãi, không muốn rời xa ba người bạn thân quen để về cõi vĩnh hằng. Đành rằng, mỗi người có một số phận riêng, hoàn cảnh riêng, nhưng vào trại tế bần, tất cả lại có những điểm chung: Già cả lú lẫn, mắc những căn bệnh “bất khả trị”... Vì vậy, con cái đem trút “gánh nặng” ấy ở nơi bao giờ cũng mở rộng cửa đón nhận tình thương nhân loại bao la... Bà cụ và ba người bạn già cùng phòng sống ở trại tế bần, theo thời gian được đặt cho những cái tên mới với đặc điểm của từng người. “Ho khuya” vì ho sù sụ lúc đêm khuya. “Rên rẩm” vì xương cốt đau nhức khi trái gió trở trời cứ rên rẩm hoài. “Chép miệng” vì suốt ngày ngồi bó gối chép miệng thở dài. Còn bà cụ có tật đái dầm nên mới có tên “Đái dầm”. Bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, không hiểu vì sao bà cụ lại mắc bệnh thấp khớp và đái dầm y hệt trẻ con. Và chứng bệnh ấy ngày càng trầm trọng. Mùi nước đái khăng khẳng khắp nhà. Con dâu khó chịu ra mặt, hứ háy cằn nhằn, nhìn bà cụ với ánh mắt “mang hình viên đạn”. Con trai sau một thời gian lặng im không nói, rồi cũng bực bội la lối: “Nhà hôi như tổ cú là do mẹ! Con bẽ mặt mỗi khi có bạn bè tới chơi nhà...”.
Và rồi một hôm có chiếc ô tô con đỗ xịch trước ngõ. Bà cụ được dìu ra xe.
“Cậu trẻ, chở bà đi đâu vậy?”. Quay sang tài xế taxi, bà cụ hỏi. Anh ta không trả lời, liếc mắt nhìn chàng trai ngồi ở ghế bên cạnh. “Cậu trẻ, chở bà đi đâu vậy?”. Bà cụ lo lắng, quay sang chàng trai, hỏi. Chàng trai chau mày, vẻ đắn đo. Rồi chàng trai trầm giọng nói: “Thưa cụ! Sếp bảo cháu áp tải cụ đến trại dưỡng lão. Ở đó có rất nhiều người già, cụ tha hồ kết bạn, chuyện trò với họ...”. “Thế đi đến trưa hay đến chiều thì về, cậu trẻ?”. Chàng trai làm như không nghe thấy, im lặng. Bà cụ nhắc lại câu hỏi. Chàng trai bất chợt thở dài: “Thưa cụ! Cháu không rõ...”. Chiếc ô tô chở bà cụ rời khỏi thành phố tới vùng ngoại ô. Làng quê xóm mạc hiện ra. Và trại dưỡng lão cũng hiện ra. Hình như có sự sắp đặt từ trước nên nhân viên trại dưỡng lão đã chờ đợi sẵn. Khi xe ngừng lăn bánh, họ sốt sắng mở cửa, dìu bà cụ xuống. Chàng trai “áp tải” cầm xấp hồ sơ giấy tờ trao cho ông to béo và nói gì đó bà cụ nghe không rõ. Bà cụ được xếp ở chung phòng với “Ho khuya”, “Chép miệng” và “Rên rẩm” từ đấy. Nhờ cây lá thuốc nam do nhân viên trại dưỡng lão sắc cho uống hằng ngày, chứng bệnh đái dầm của bà cụ thuyên giảm hẳn, mười phần hết bảy còn ba. Bà cụ mong muốn được trở về nhà vui sống cùng con cháu nhưng ngày qua rồi lại qua ngày chẳng thấy đâu bóng dáng dâu con...
Hồn lìa khỏi xác. Bà cụ không còn vướng bận với cái hình hài quắt queo khô đét của mình. Định nán lại chơi với ba người bạn già thêm lát nữa trước lúc biệt ly, song thấy ai cũng buồn bã khóc thương cho “Đái dầm”, bà cụ đâm ái ngại. Vái chào tất cả, bà cụ bay đến nhà vĩnh biệt. Đúng lúc đó có hai chiếc ô tô con trờ tới. Một đen trùi trũi. Một xanh màu lá cây. Đen trùi trũi bật cửa xe. Người đàn ông dáng vẻ đường bệ, tuổi trạc tứ tuần, chui ra. Trông ông ta sang trọng và trông quen quá! Bà cụ nép bên gốc cây ngâu, cố lục lọi trí nhớ xem có biết đó là ai. “Trời ơi, thằng Quan con trai mình! Mười năm xa cách, không ngờ hắn hóa thành người khác lạ...”. Bà cụ thầm kêu lên. “Thằng Quan” sải bước tới phòng làm việc của ông to béo. Bà cụ lẳng lặng đi theo. “Thằng Quan” bắt tay ông to béo, nói gì đó và giúi cho ông ta chiếc phong bì dày cộp. Xong, hắn quày quả quay ra, chui tọt vào xe. Chiếc ô tô con xịt khói, rồ máy phóng đi. Chiếc xe xanh màu lá cây lùi sát bậc thềm nhà vĩnh biệt. Họ đang làm gì vậy? Bà cụ tò mò lại coi. Thì ra bọn họ khiêng cái hình hài chỉ còn da bọc xương của bà cụ cho vào khoang hành lý. Đôi chân khẳng khiu, dài ngoằng, dư thừa. Gã tài xế chưa biết phải làm thế nào với phần dôi ra ấy. Chợt có ai đấy bước lại dùng sức lực của hai cánh tay săn chắc bẻ gập đôi chân, nhét vào cốp xe. “Khỏe rồi! Thôi, biến...”. Gã tài xế nói.
Rời trại dưỡng lão, bà cụ chấp chới bay theo chiếc xe xanh màu lá cây chạy như ma đuổi.
Mười năm mong ngóng đợi chờ, bây giờ bà cụ mới có chuyến xe khứ hồi để trở về nơi gắn bó gần cả cuộc đời. “Thằng Quan” ra hiệu cho gã tài xế lùi xe sát mái hiên. Rồi hắn phụ giúp gã tài xế khiêng xác mẹ đặt nằm ngay ngắn trên chiếc giường tre mới toanh kê ở gầm cầu thang, trải bức chiếu hoa nồng thơm mùi cói. Vợ hắn mở xắc tay lấy một xấp tiền mới cứng đưa cho gã tài xế. Gã giãy nãy: “Sao nhiều thế, bà chị?”. Vợ hắn cười: “Thì chú cứ cầm lấy mà tiêu, nhiều nhặn gì! Chị biếu. Có điều, chú đừng bép xép chuyện của người ta kẻo mang vạ vào thân”. “Dạ vâng! Em hiểu, em hiểu...”. Gã tài xế nhét xấp tiền mới cứng vào túi quần, bước ra xe, vù. Bà cụ đã về nhà. Là người của “thế giới bên kia”, bà cụ tồn tại dưới dạng vô hình, vợ chồng con trai không hề nhìn thấy. “Thằng Quan” bảo với vợ: “Bây giờ tính sao?”. Con dâu dẩu môi nói: “Còn sao với trăng gì nữa, hả trời! Anh thông báo ngay với cơ quan là mẹ đã qua đời và nhờ mọi người giúp đỡ lo liệu việc hiếu nghĩa. Tất nhiên, em cũng thế. Đám tang mẹ phải tổ chức thật hoành tráng. Bởi anh là giám đốc của một sở đầy quyền uy, nếu xuôi chèo mát mái, trong tương lai không xa anh sẽ tiếp tục được cơ cấu...”. “Thằng Quan” im lặng. Vợ hắn lại thẻ thọt: “Đây là cơ hội tốt. Chỉ một lần và mãi mãi...”. “Thằng Quan” cười: “Anh hiểu rồi! Em quả là người biết nhìn xa trông rộng...”.
Bà cụ không ngờ sự “ra đi” của mình lại quan trọng đến thế. Vợ chồng “thằng Quan” gọi điện thoại thông báo cho cơ quan. Chưa đầy một tiếng sau, anh em bạn hữu đến chật nhà. Và trong lúc tang gia bối rối, họ tự nguyện gánh vác mọi việc. Thầy cúng được mời đến. Cáo phó được treo lên. Cỗ quan tài sơn son thếp vàng, hai bên có hai con rồng chầu đã có xe ba gác chở tới. Cờ đuôi nheo viền đen cắm từ ngõ nhà đến tận ngã ba đầu phố. Ô tô con rước người khâm liệm tới nơi. Mỗi người một tay. Chẳng mấy chốc, rạp làm đám ma đã ráp dựng xong, bàn ghế kê ngay hàng thẳng lối. Trầu cau, trà thuốc, hạt dưa... cũng được bày biện trên các bàn phủ khăn trắng toát. Phường bát âm gồm hai mươi lăm người cả nam lẫn nữ, nhanh chóng chọn vị trí thích hợp để hành nghề. Tiếng chiêng trống buông... bầm....; tiếng kèn ò... e...; tiếng xập xọe chập... cheng...; tiếng đàn cò bi thương réo rắt... cùng cất lên phụ họa theo tiếng khóc lóc khiến nhiều người mủi lòng, không cầm được nước mắt. Bà cụ vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến tài nghệ của những người khóc thuê. Họ vật vã khóc than làm như bà cụ là người thân thích ruột rà và kể lể về cuộc đời tần tảo nuôi con khôn lớn trưởng thành của bà cụ với giọng lâm ly thống thiết. Xong “bài khóc than” vần vè, bài bản, họ lại tí tách cắn hạt dưa, nói cười vui vẻ với nhau.
Buồn đau trước sự giả dối của người đời, bà cụ đi vào nhà trong. Không ngờ con dâu lại thương mẹ chồng đến thế. Hết ngất lại xỉu. Người ngợm mềm oặt. Mấy người đàn bà mặt hoa da phấn xúm vào chăm sóc, an ủi động viên. Kẻ chìa sữa hộp đến tận miệng con dâu với lời khuyên chân thành: “Sinh - lão - bệnh - tử, đó là quy luật của muôn đời. Em biết chị rất thương yêu quý mến bà cụ. Nhưng chị tự đày đọa bản thân mình như thế này mãi, bà cụ cũng không thể sống lại được đâu!”. Người bưng ly cam vắt cẩn thận ấn vào tay con dâu, dỗ dành: “Chị cố gắng uống một tí cho lại sức. Mấy chục năm phụng dưỡng bà cụ, chị đã làm tròn bổn phận của nàng dâu hiếu thảo. Bà cụ “ra đi” khi tuổi quá bát tuần cũng là lẽ tự nhiên...”. Thay phiên nhau chia sẻ “nỗi đau” với con dâu, bọn họ đều có những tính toán riêng. Bà cụ biết được điều đó là do tình cờ. Vin cớ ở đông người trong căn phòng chật chội không tốt cho sức khỏe con dâu, bọn họ ra sân sau ngắm hoa và thì thầm với nhau. “Nghe đâu sắp tới ông Quan còn “lên” nữa. Bọn mình nhân cơ hội này, lấy lòng vợ ông ta, gọi là đầu tư có chiều sâu...”. “Nhất vợ nhì trời. Có vợ ông ta góp thêm tiếng nói, ông xã bọn mình nhất định sẽ được quan tâm, đề bạt...”. Nỗi buồn của người này lại là niềm vui của kẻ kia.
Chán ngán với những tính toán đầy thực dụng của mấy người đàn bà mặt hoa da phấn, bà cụ đi ra phía trước nhà, thấy “thằng Quan” hai mắt đỏ hoe kể với mọi người về phút lâm chung của mẹ mình. Bà cụ nghe và khẽ thở dài…
Hai đứa cháu nội du học xứ người. Một ở Mỹ, một ở Úc. Lúc biệt ly, bà cụ ước gì được nhìn thấy mặt chúng nó một lần... Bàn thờ bà cụ với di ảnh, bài vị, bát hương, cặp đèn cầy cắm trên hai chân đế bằng đồng sáng choang được kê trang trọng sát tường căn phòng khách. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương chất đầy trái cây, bánh kẹo... “Thằng Quan” mặc áo xô, đầu chít khăn tang vái lạy khi có người đến phân ưu. Cơ man vòng hoa, trướng, liễn... Cơ man phong bì đựng tiền phúng viếng trong chiếc thùng carton đặt bên cạnh. “Lúc sống thì chẳng cho ăn/ Tới khi thác xuống làm văn tế ruồi!”. Bà cụ lắc đầu cười buồn rồi bỏ ra ngoài đi dạo lang thang. “Đám tang bà cụ hoành tráng đến độ rềnh rang. Ông Quan làm giám đốc một sở đầy quyền uy, khi mẹ mất, bạn bè thân hữu tới phúng viếng chật nhà”. “Mà toàn những kẻ giày da bóng lộn, cưỡi ô tô con đời mới!”. “Trong số họ, có nhiều người thành tâm song cũng có không ít kẻ lợi dụng cơ hội này để thể hiện sự nhìn xa trông rộng...”. “Không rõ bà cụ “ra đi” thế nào? Mười năm rồi, đâu thấy bóng dáng bà cụ lom khom quét sân quét ngõ...”. Nghe bà con trong khu phố bàn tán về đám tang của mình, bà cụ chợt nhận ra cuộc sống nơi phố thị khác với chốn thôn quê. Nhà liền kề nhau nhưng lúc nào cũng cửa đóng then cài im ỉm. Bà cụ “được” vợ chồng con trai cho vào trại tế bần ngần ấy năm mà chẳng ai hay biết!
“Tiếc thương” mấy chăng nữa, tới ngày giờ đã ấn định, vợ chồng “thằng Quan” cũng phải di quan bà cụ đến nghĩa trang thành phố an táng. Bay theo đoàn người đưa tiễn, bà cụ không ngờ đám tang của mình lại được tổ chức rườm rà như vậy. Hai chiếc mô tô to kềnh càng đèo hai người cầm đuốc dẫn đường. Kế đến là xe chở quan tài hai bên có hai con rồng chầu, vợ chồng “thằng Quan”, phường bát âm và mấy người lạ hoắc vì bà cụ không quen mặt biết tên. Theo sau lại là hai chiếc mô tô to kềnh càng đèo hai người cặp hai cái thúng luôn tay hốt vàng mã và tiền âm phủ vãi loạn xạ trên đường. Hai chiếc xe buýt nêm chật cứng người trên các băng ghế chậm chạp lăn bánh. Một dãy dài xe con, xe máy tiếp nối phía sau. Tất cả tạo thành một đoàn rồng rắn gần hai cây số lặng lẽ rời thành phố ra vùng ven đô. Tiếng chiêng trống “buông buông... bầm bầm...”, tiếng đàn cò “ò... e...”, tiếng xập xọe “chập... cheng...” xen lẫn tiếng khóc than cứ vang lên nghe thật bi thương. Bà cụ bay theo đám tang của mình. Lúc vượt lên trước. Khi lùi lại sau. Bà cụ phân vân không biết nên vui hay buồn? Nghĩa tử là nghĩa tận. Phải chăng, vợ chồng “thằng Quan” đã nghĩ lại và cảm thấy có lỗi với bậc sinh thành nên thật lòng báo hiếu? Đoàn người xe rồng rắn đã tới nơi cần tới. Và rồi mọi việc kết thúc chóng vánh. Tất cả lại chen chúc nhau ra về trong sự hỗn loạn.
Ngắm nơi “an nghỉ ngàn năm” của mình được xây bằng những phiến đá đen nhẵn thín, bà cụ cảm thấy xa lạ và bay về nhà. Đêm hôm ấy, vợ chồng “thằng Quan” đổ hai thùng carton đựng tiền phúng viếng ra đếm. Con dâu rạng rỡ mặt mày, cười nói: “Được hơn năm tỷ đồng! Không ngờ trước khi về với đất mẹ anh lại cho con cái một khoản tiền không nhỏ...”. “Thằng Quan” cũng cười: “Chuyến này kể như lời to, tiếc là chỉ một lần và mãi mãi...”.
NGUYỄN TAM MỸ