Chuyện xóm tôi thời chống Mỹ

Truyện ký của PHẠM THÔNG 15/12/2015 08:39

Dân biển ra sóng, ra gió phải ăn to nói lớn, hành động mạnh bạo, dứt khoát; nhất là ông cầm chèo phải hét, phải la mỗi khi có công việc cần kíp. Thế mà ông Thơ, hàng xóm phía sau nhà tôi mấy hôm rày buồn xo như người mất hồn. Ở giữa biển khơi mà mắt ông thường hướng về phía núi Chúa, Hòn Đụn, Hòn Tàu... Ở đó là chiến khu. Ông có năm người con trai, một đi tập kết ra miền Bắc từ năm 1954, một bị địch bắt đi quân dịch mấy năm nay, ba người sau xung phong đi bộ đội. Dân biển sinh được con trai mừng lắm. Nhưng gặp thời loạn, con ông phải ra đi. Nghiệt nỗi là đi cả hai phía, họ bỏ ông đi hết trọi. Ông cố giữ cho được thằng Út ở nhà đi nghề, đi lưới chuồn, câu đục, câu mực với ông, nhưng nó một mực đòi đi bộ đội cho bằng được. Nó bảo với ông:

- Con ở nhà cũng phải tham gia du kích, ở nhà cũng phải đánh giặc. Đi làm biển chắc chi đã yên. Cha có ưng con bị bắt đi lính ngụy cầm súng bắn lại các anh con không. Nhà mình có anh Bảy bị chúng bắt lính mấy năm nay, quê mình giải phóng đã mấy tháng, cha biểu con viết mấy lá thư rồi mà ảnh chưa về được. Con biết anh Bảy không là người phản, thế buộc anh phải đi lính cho chúng. Nhưng rủi anh có chuyện chi ngoài trận địa thì ai hiểu giùm cho. Thôi cha để con đăng ký tòng quân đi, chứ không thì cũng có ngày phải đi lính cho địch như anh Bảy. Cha có muốn rứa không?

Ông Thơ than rằng:

- Các anh mi đi hết rồi, mi đi nữa thì gia đình mình còn ai. Mi tính bỏ hai vợ chồng già tau cô đơn hả. Con ở nhà vào du kích cũng được, tau không cấm. Đi cũng đánh giặc ở nhà cũng đánh giặc giữ làng, bay đi hết thì ai chiến đấu giữ làng đây. Tau cũng thừa biết thời buổi loạn ly ni thì con trai tau là con của đất nước rồi, nhưng anh em mi đi hết thì tau với mẹ mi buồn lắm. Ở nhà cho có người đi con. Mi không thấy mẹ mi đến bữa ăn hay so đũa thừa. Nhớ các anh mi quá chớ chi.

Út nghe ông Thơ nói mắt đã ươn ướt. Anh thương cha mẹ quá, nhưng chuyện xin cha đi bộ đội đã nghĩ nhiều rồi nên dẫu cha cho là bất hiếu cũng đành.

- Con không thích làm du kích, vài ba cái súng trường mách, K44 nớ thì bắn ai. Hôm 28 tháng 2 âm lịch vừa rồi, tại thôn 2 Trung Thanh, Phú Kỳ anh em mình bị xe tăng nhét nút chết hết dưới hồ rau muống đó cha không thấy à. Hôm đó mà du kích xã mình có được súng chống tăng như bộ đội thì làm chi có chuyện chết hết trơn như rứa. Cha tính quê mình, mấy cái thôn biển từ thôn 1 Hạ Thanh chạy tuốt ra Bình Nam, Bình Hải... là một cái rẻo cát trắng, phía tây thì sông Trường Giang chạy kẹp song song bờ biển, cái dải đất hẹp ngó như một cái tay áo thế này thì thế đâu mà đối địch nổi với tàu bay trên trời bắn xuống; quân Mỹ ở hạm đội đổ bộ vào; xe tăng từ tỉnh đường Quảng Tín áp tới. Con đi là tìm cái thế tốt hơn để đánh giặc, đi theo các anh con là phải nhất đấy cha. Con thích đi bộ đội đánh trận lớn chứ cứ bắn đôi ba phát rồi chạy chui hầm bí mật cực quá. Bọn địch nghe quân chủ lực là sợ chết vía, du kích làng xã thì bọn chúng dễ ngươi lắm. Con nhất quyết phải đi thôi. Cha ngó thử, mấy người con gái cũng thoát ly hết, quanh xóm mình cũng có cả chục người. Con chưa đủ lớn cho lắm nhưng cũng là con trai. Con nhất quyết phải đi.

Rồi ở làng Tỉnh Thủy cũng bắt đầu phong thanh tin thanh niên thoát ly lên chiến khu có người chết trận. Ông Bốn Tân đã 35 tuổi, góa vợ, ở trước nhà tôi, mới thoát ly lên tới rẫy thơm Kỳ Thịnh, nghe nói chưa gia nhập vào đơn vị bộ đội nào đã bị địch càn tới bắn chết. Út Hảo con ông Lời, kêu ông Thơ là chú ruột mới đi mấy tháng cũng có giấy báo tử. Trong làng đã có nhiều bà mẹ khóc con, nhiều người cha buồn não ruột vì con trẻ ra đi mà mãi mãi không về. Thế mà thằng con trai duy nhất còn lại nhà của ông Thơ vẫn nhất quyết bỏ cha mẹ già ra đi. Út càng xin đi, ông Thơ càng buồn, càng giận. Anh ta đành âm thầm chuẩn bị, chờ ông Năm Phổ về nhận quân như mấy lần trước là cuốn gói nhảy theo, không một lời từ biệt. Và Út đã đi như thế thật! Mỗi chiều tối làm biển về, ông bà Thơ dọn mâm cơm ra giữa cái sân gạch rộng thình, ngồi và cơm, húp canh dưới ánh đèn dầu tù mù trong nỗi buồn cô quạnh.

Đâu chỉ vợ chồng ông Thơ với mâm cơm lạnh ngắt. Cả xóm tôi nhà nào cũng thế cả. Ông Thoàng, ở phía dưới, cách nhà tôi một hàng rào gai long, vợ mất từ thời kháng chiến chín năm. Ông cũng có cả thảy năm người con. Người con đầu đã có gia đình riêng. Hai con trai kế tham gia du kích đánh giặc, giữ làng. Hai người con gái sau rủ nhau nhảy núi. Nhà ông Phối phía góc vườn trên có hai con trai, mới tới tuổi đã theo ông Năm Phổ gia nhập bộ đội... Ngó rộng ra, cả làng Tỉnh Thủy, cả xã Kỳ Anh cũng vãng hết con trai, con gái. Các anh chị từ mười bảy tuổi trở lên đều tòng quân, nhập ngũ. Nhiều đêm, giao liên về làng dẫn hai ba chục thanh niên vượt đường 1, lên Kỳ Thịnh, Kỳ Long. Tại đây họ chờ đôi ba ngày mới có cán bộ xuống lấy quân. Năm 1965, xã Kỳ Anh tám tháng đã có cả nghìn người lên chiến khu. Sức hấp dẫn của lý tưởng giải phóng dân tộc cuốn hút gần như toàn bộ thanh niên vùng đông Tam Kỳ ra đi. Những làng nông, làng biển Kỳ Anh, Kỳ Phú vắt sạch người cho kháng chiến. Trong cái khí thế đó, ba anh chị em tôi như cá ức nước, bỏ mẹ ở nhà một mình, cũng vai ba lô nhón chân chạy theo các anh chị.

Thế rồi trai gái làng tôi ra đi, đi mãi theo các nẻo đường kháng chiến. Đến ngày đất nước thống nhất, có mấy người được trở về quê hương bản xứ. Gia đình ông Thơ, ông Thoàng không một người quay lại... Cái xóm nhỏ kề cận hàng rào nhà tôi ra đi mười người mà quay về có bốn. Cái Tỉnh Thủy nhỏ bé của tôi có trên 400 người chết trong cuộc chiến. Đám con trai trong làng học cùng lớp chỉ còn mình tôi sống sót.

Chiến tranh thật tàn khốc!

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(1) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện xóm tôi thời chống Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO