Làng Quý Thượng xưa (nay là thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) gắn liền với tên tuổi cụ Lương Đình Thực - còn gọi là Lương Đình Thự (1874 - 1917) - một chí sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa của phong trào Việt Nam Quang Phục hội vây phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào ngày 3.5.1916.
Ở Quý Thượng hiện còn một tấm bia đá - được hoàn thành vào ngày 14 tháng 8 âm lịch năm Tự Đức thứ 25 (1872) kể về việc xây dựng đình làng. Qua nội dung văn khắc trong bia ấy và qua một số tư liệu hiện còn, có thể biết một số điều về vùng đất xưa từng có tên là “xứ Bãi Dương” này.
Bia đình Quý Thượng
Tấm bia sa thạch hình vuông có kích cỡ khoảng 0,6 x 0,65 mét với khoảng 580 chữ hầu hết còn đọc được đã cho biết mấy chi tiết sau: Vào năm dựng bia, địa phương này là thôn Phú Quý Thượng thuộc tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Văn bia không nói rõ thôn này được lập từ khi nào, chỉ biết từ lúc quy tụ thành thôn, dân cư đã lập một ngôi miếu bằng tranh để làm nơi thờ tự chung.
Về sau, thôn phát triển dần, đến khoảng trước năm lập bia có hai người trong thôn đã đạt thành tích cao: Về văn có ông Nguyễn Văn Chất, đỗ Cử nhân ở trường thi Thừa Thiên khoa thi Giáp Tý năm Tự Đức thứ 17 - 1864; tên ông này được ghi trong sách Quốc triều hương khoa lục (bản PDF online tập 3, trang 351). Ông Chất giữ chức Nội các Biên tu ở triều đình trong khoảng từ năm 1864 - 1872. Về võ có ông Trần Sài từng giữ quan hàm về võ là Thành Thủ Úy, được giao cho nhiều chức vụ quan trọng như: chỉ huy Thủy vệ tỉnh Quảng Bình rồi sau đó giữ chức Tấn thủ (chỉ huy đồn binh giữ cửa biển) của Tấn biển Đà Nẵng.
Bia đình Quý Thượng cũng ghi danh các tộc họ có công đóng góp vật liệu xây dựng đình, như các người thừa tự về sau của tộc Nguyễn tiền hiền làng/thôn Phú Quý Thượng là Lý trưởng Nguyễn Văn Nghị cùng các ông Nguyễn Văn Mông, Nguyễn Văn Phụng đã đóng góp 13 cấu kiện gỗ gồm cột lớn, cột vừa, kèo trên, kèo dưới, xuyên, trính… để dựng đình. Các ông Dương Văn Thẩm, trùm trưởng Dương Văn Yến và Dương Văn Sâm là hậu tự của tộc Dương tiền hiền làng này cũng đóng góp một số cấu kiện tương tự. Trong danh sách quyên góp có hậu tự của tộc Lương - hậu hiền làng, như dịch mục Lương Văn Thành và ông Lương Văn Đăng cúng 8 cấu kiện gỗ. Cũng qua danh sách cúng góp, biết được ở thôn/làng Phú Quý Thượng hồi nửa sau thế kỷ 19, ngoài ba tộc Nguyễn, Dương lĩnh tiền hiền và Lương lĩnh hậu hiền còn có người của các tộc Trương, Trần, Bùi, Huỳnh cùng định cư và tham gia vào việc xây dựng ngôi đình này.
Bia đình Quý Thượng là tấm bia đá ghi chuyện dựng đình duy nhất còn lại ở vùng ven các nhánh sông Tam Kỳ (nay là địa bàn Tam Kỳ). Qua nội dung văn bia, có thể biết được ít nhiều về cách thức xây dựng các cơ sở thờ tự cũng như trật tự vinh danh tiền hậu hiền của thời xưa. Qua đó, cũng biết được, ở một thôn nghèo trên vùng đất đa số là cát trắng đã có người vươn lên, đạt được những vị trí cao trong hệ thống quan chế thời Nguyễn.
Tấn thủ Tấn biển Đà Nẵng: Trần Sài
Ông Trần Gắng (ở tổ 5 thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú) đã mở cho chúng tôi xem các văn bản có liên quan đến ông Trần Sài. Đó là năm bản bằng sắc từ thời Minh Mệnh đến thời Tự Đức cấp cho ông võ quan thủy binh này.
Vào năm Minh Mệnh thứ 22 (1841) tháng Giêng ngày Mười lăm, quan (Thự) Hữu Tham tri của Bộ Công kiêm quản lý bộ phận Kinh kỳ Thủy sư đã cấp một văn bằng có nội dung chính: “Ở Đội số 1 thuộc Vệ số 2 của Doanh Hữu thuộc bộ phận Kinh kỳ Thủy sư có Trần Văn Sài, quê ở thôn Phú Quý Hạ, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, là người lính siêng năng, thành thạo trong công vụ. Tháng 12 năm ngoái đã có lời thỉnh cầu cấp bằng Ngoại Ủy Đội Trưởng cho đương sự. Năm nay, vào ngày Mười lăm tháng Giêng phụng lệnh chỉ (cấp trên) nhanh chóng cấp bằng đến Vệ đó”.
Đến năm Thiệu Trị thứ ba (1843), tháng Bảy, ngày 22, ông Trần Sài được thăng lên chức Chánh đội trưởng giao chỉ huy Đội số 6 thuộc Vệ và Doanh của Kinh kỳ Thủy sư đã nói trên. Năm Tự Đức thứ Ba (1850) ngày 23 tháng Mười một ông Trần Sài được thăng lên chức Cai đội với lời khen “tại chức niên thâm, sai phái xuất sắc” (làm việc lâu năm, thực hiện xuất sắc mọi công việc được giao).
Cấp bậc cao nhất mà ông Trần Sài được giao trước khi về làm Tấn thủ Tấn biển Đà Nẵng là Hiệp quản - chỉ huy Thủy vệ của tỉnh Quảng Bình. Điều này được thể hiện trong bản Sắc cấp ngày 8 tháng 3 âm lịch năm Tự Đức thứ 9 - 1856: “Ban sắc cho Cai Đội Trần Sài thuộc Đội số 6, Vệ số 2 của Doanh Hữu (bộ phận) Thủy sư Kinh kỳ. (Viên này) đã phục vụ việc quân lâu năm, thông thạo luật lệ quân đội. Nay cho ông ta được thăng hàm Thành Thủ Úy; đưa về làm Hiệp quản ở Vệ thủy quân (tỉnh) Quảng Bình để đốc suất binh lính tại vệ đó. Mọi công vụ phải theo lệ luật mà cung kính thực hiện. Nếu không giữ trọn luật quân, triều đình sẽ theo điển chương mà xử trị. Hãy kính cẩn vâng mệnh này”.
Làng dệt vải Bãi Dương
Thời phong kiến, làng Quý Thượng (còn gọi là làng Bãi Dương) nổi tiếng về nghề dệt “vải ta”. Cây bông vải được trồng trong làng và cả trên đất thuê ở ngoài làng. Bông được thu hoạch nhiều đợt trong cả mùa hè sau đó được đem về phơi khô rồi cán mỏng. Người lọc bông quay xa cán cho hạt bông rớt phía bên này còn thớ bông ùn cả về phía bên kia. Các mảng bông đã loại hạt được cho vào thúng rồi đem phơi. Phơi khô, lại dùng cung bằng tre để bắn cho bông tơi ra và “chín” thành màu trắng trong. Tiếp đó là công đoạn xe bông thành chỉ rồi cuốn thành từng “chẹ”. Chẹ chỉ được ngâm trong nước lạnh, đạp cho nhuyễn (gọi là đạp nước) rồi đưa vào nhồi trong dung dịch cơm hòa nước được giã nhuyễn (gọi là đạp cơm); sau đó các chẹ chỉ đem phơi khô.
Khi chỉ được kéo ra thành sợi mỏng tanh, được quấn vô các “suốt” và con thoi là lúc có thể bắt đầu mắc vào khung dệt. Người “mắc vải” phải là người thiện nghệ, người đưa thoi phải làm việc luôn tay. Dệt giỏi, khoảng một ngày một đêm có thể ra được một cây vải trắng dài độ 10 mét “khổ nửa thước mộc”. Để phục vụ người lao động cần vải sẫm màu, vải ta được đem nhuộm đen bằng bùn đã lọc sạch gọi là “phủ bùn”. Do nhu cầu của thị trường, cây vải Bãi Dương còn được nhuộm chàm hoặc vài ba màu khác.
Vải Bãi Dương thời đó rất quý, được đem ra bán khắp vùng. Thời trước, người ta biết đến tên Bãi Dương nhiều hơn là Quý Thượng cũng vì loại vải ta chắc bền của ngôi làng “vừa làm nông vừa dệt vải” này.