Từ ngày 3 - 14.3, tại Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Công ước về buôn bán quốc tế các loại động - thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).
Tham dự hội nghị có hàng nghìn đại biểu đến từ 176 quốc gia thành viên của CITES, nhằm tìm kiếm các giải pháp chấm dứt nạn buôn bán trái phép động - thực vật hoang dã. Theo thống kê, hiện có khoảng 35 nghìn loài động vật và thực vật đang nằm trong phạm vi bảo vệ của công ước này. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tình trạng khai thác và buôn bán bất hợp pháp động - thực vật hoang dã trên toàn cầu diễn ra hết sức phức tạp khiến các loài động - thực vật hoang dã mang tính biểu trưng nhất của trái đất bị đe dọa và thêm nhiều nguy cơ tuyệt chủng cao. Chỉ trong năm ngoái có đến 30 nghìn con voi bị giết trên phạm vi toàn cầu, 668 cá thể tê giác bị những kẻ săn trộm sát hại ở Nam Phi 100 triệu con cá mập bị giết mỗi năm, chủ yếu để lấy bộ vây cá.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh CITES 2013. |
Với tính chất nghiêm trọng đó, thông điệp của Hội nghị thượng đỉnh CITES năm nay là “Đã đến lúc các chính phủ cần có những hành động quyết liệt hoặc thế giới sẽ phải đối mặt với một thảm họa sinh học”. Bởi, động - thực vật hoang dã là một thành tố tất yếu của hệ sinh thái, có vai trò to lớn trong cân bằng sinh thái, là những mắt xích quan trọng trong chu trình dinh dưỡng và tuần hoàn vật chất trên trái đất. Sự sống còn của các loài động - thực vật hoang dã cũng đồng nghĩa với sự suy tồn của hành tinh. Năm 2010, các biện pháp chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã tạo tiền đề cho việc thành lập Hiệp hội quốc tế bảo vệ động vật hoang dã - International Consortium on Combating Wildlife Crime, bao gồm 5 tổ chức liên chính phủ: CITES, tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol, Văn phòng chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc, tổ chức Hải quan thế giới và Ngân hàng Thế giới.
Công ước CITES được ký kết ở Washington, Mỹ vào tháng 3.1973 trong nỗ lực kiểm soát việc mua bán động thực vật hoang dã vốn đang nở rộ vào lúc đó. Công ước có hiệu lực vào năm 1975 và các chuyên gia ước tính giá trị của các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp từ động thực vật hoang dã trên toàn cầu hiện nay đạt hơn 300 tỷ USD mỗi năm. |
Tại hội nghị lần này, ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc xem việc bảo vệ động – thực vật hoang dã là vấn đề cần giải quyết không chỉ tại những quốc gia tiêu thụ sản phẩm động - thực vật hoang dã mà ngay cả quốc gia cung cấp và nước quá cảnh. Thực tế hiện nay tại nhiều nước cho thấy, khung hình phạt dành cho tội phạm khai thác, buôn bán động - thực vật hoang dã còn rất nhẹ và nhiều kẻ hở so với hệ lụy lâu dài mà hoạt động phi pháp này mang lại. Ông nói: “Các nước cần quyết tâm chấm dứt dây chuyền buôn bán động vật hoang dã đem lại hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm, bởi chúng chẳng khác gì hoạt động mua bán ma túy và vũ khí”. Theo các nhà quan sát, hội nghị năm nay được xem là một trong những kỳ hội nghị quan trọng nhất trong lịch sử để quyết định tương lại của các loài động - thực vật hoang dã. Gần hai tuần tham dự hội nghị, các đại biểu sẽ phải bàn thảo 70 đề xuất điều chỉnh luật về một số giống loài, trong đó voi sẽ được đặc biệt chú ý do nhu cầu ngà voi trên thị trường toàn cầu tăng mạnh kéo theo nạn săn trộm đến mức độ chưa từng có tiền lệ.
Trong khi đó, được xem là điểm trung chuyển chính của hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp, ngay trong diễn văn khai mạc hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nói rằng, Thái Lan sẽ siết chặt các luật lệ địa phương trong nỗ lực chấm dứt việc buôn bán ngà voi.
Kim Oanh (tổng hợp)