Có báo tết, thêm hương vị tết

BẢO LÂM 03/02/2016 08:44

Tết là hương hoa, là thịt thà, là bánh mứt hạt dưa… Tết càng thêm hương vị vì có báo tết. Báo Quảng Nam số tất niên điểm một vài nét chính giữa phong phú giai phẩm tết Bính Thân này.

Biển đảo và tình yêu Tổ quốc

Yêu Tổ quốc là tình yêu thiêng liêng đối với mọi người dân nước Việt. Chủ đề này được đề cập khá nhiều trên báo tết Bính Thân. “Tôi yêu Tổ quốc tôi” (báo Người Lao Động), “Vì biển đảo quê hương”  (báo Quảng Nam), “Những người giữ biển” (Tuổi trẻ)… là các chuyên đề về tình yêu Tổ quốc như thế. Rất ngắn gọn, giáo sư sử học Dương Trung Quốc bày tỏ trên báo Người Lao Động: “Tình yêu đất nước rất gần gũi và dễ đồng cảm”. Do vấn đề Biển Đông đang nóng nên tình yêu nước của người dân Việt hiện nay gắn liền với tình yêu biển đảo thiêng liêng. Các địa danh Hoàng Sa, Trường Sa được nhắc đến khá nhiều trên báo tết: “Tri ân nghĩa sĩ Hoàng Sa” (Người Lao Động), “Đến Lý Sơn để “chạm” đến Hoàng Sa” (Lao Động), “Nhà trưng bày Hoàng Sa và những câu chuyện không quên” (Văn Hóa). Đáng chú ý, bài viết “Trên mâm cỗ ngày giỗ lính Hoàng Sa” của tác giả Trần Đăng có kể về những thứ bánh đặc biệt trên mâm cúng của người Lý Sơn, không phải là vật hữu dụng, cúng rồi để “ăn tráng miệng” mà là để “nhắc cho con cháu rằng, Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc” (Nông Thôn Ngày Nay). Báo Tuổi Trẻ tôn vinh tình yêu biển đảo của những người trẻ quyết chọn con đường nghiên cứu ở lĩnh vực khó khăn: biển đảo và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

triển lãm Báo xuân Bính Thân 2016 tại Thư viện tỉnh. Ảnh: B.XUÂN
triển lãm Báo xuân Bính Thân 2016 tại Thư viện tỉnh. Ảnh: B.XUÂN

Kỳ vọng vào người trẻ

Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sinh lực và hoài bão. Giới trẻ luôn được kỳ vọng và gửi gắm. Báo Tiền Phong đề cao giới trẻ qua các bài viết: “Những thủ lĩnh vì cộng đồng”, “Hai chàng sinh viên nghị lực thép”.  Báo Quảng Nam có chuyên đề “Tin vào người trẻ”, thể hiện tin tưởng vào sự tự rèn luyện để trưởng thành của người trẻ xứ Quảng. Chủ đề “Sáng tạo vì cộng đồng” trên báo Thanh Niên có góc nhìn rất nhân văn về sức sáng tạo dồi dào của người trẻ. Đáng quý bởi những sáng tạo ấy xuất phát từ lợi ích cộng đồng hay vì hoàn cảnh khó khăn như găng tay hỗ trợ người khiếm thị của một học sinh lớp 12; vòng bảo vệ, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em ở những nơi có chất lượng cuộc sống thấp. Trong khi báo Thanh Niên có cuộc trò chuyện với Nguyễn Ánh Viên, Đỗ Nhật Nam - 2 gương mặt trẻ đến nước Mỹ để làm “công dân toàn cầu”, báo Tuổi Trẻ lại tôn vinh những công dân trẻ toàn cầu vì dù họ đi đâu, làm gì, ở đâu nhưng trong tim họ vẫn là Việt Nam.

Tôn vinh văn hóa Việt

Các trang văn hóa - văn nghệ trên giai phẩm xuân được các báo chăm chút khá kỹ càng và cũng thu hút sự quan tâm của độc giả bởi sự nhẹ nhàng nhưng lắng đọng, rất hợp với không khí ngày tết. Chuyên đề “Lắng sâu nguồn cội” của báo Lao Động nhắc nhớ về nếp thờ cúng tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng hướng về nguồn cội, là nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc trường tồn cùng thời gian. Người đọc cảm thấy gần gũi và ấm áp với chuyên đề “Bếp yêu thương” của báo Nông Thôn Ngày Nay. Mùi bếp cùng hình ảnh tảo tần của cha mẹ quá đỗi gần gũi với những đứa con; là thứ mùi của gia đình, của mái ấm, của tình thương. Bếp là nơi để ta thấy nếp nhà, là nơi giữ sức sống cho món Việt và bếp sẽ ấm nếu lòng không lạnh.

Văn hóa ẩm thực với hương vị tết, với món ngon, đặc sản các vùng miền được phản ánh khá đa dạng trên các trang báo xuân. Đó là hương bánh sen Huế, mắm ong U Minh, nem nướng Việt ở Thái (báo Thanh Niên); nem Việt ở Trung Phi, tôm hùm Bình Hưng (báo Quân Đội Nhân Dân) hay bánh tét, bánh tổ ở xứ Quảng, chợ bánh tết miền Trung ở Sài Gòn (báo Tuổi Trẻ).

Và, năm Thân nên con khỉ xuất hiện trên hầu khắp các báo. Từ nghi thức cúng Yàng khỉ trên đỉnh Trường Sơn (Tuổi Trẻ) đến “Khỉ trên gốm Việt”, “Nước của khỉ” (Báo Quảng Nam) hay “Vào vương quốc khỉ (Người Lao Động)…, những câu chuyện về khỉ khá vui và thú vị.

Đổi mới, hội nhập và phát triển
Không hẹn mà gặp, nhiều tờ báo chọn “đổi mới” làm chủ đề chính trên báo tết năm nay. Dễ hiểu, vì năm 2016 đất nước tròn 30 năm đổi mới (1986-2016). Riêng với đất Quảng, nơi khởi phát phong trào Duy tân 110 năm trước, nên chủ đề “Duy tân - Đổi mới” trên giai phẩm đặc biệt Báo Quảng Nam khá dày dặn. Khẩu hiệu “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” của chí sĩ Phan Châu Trinh thuở trước đã không ngừng trao truyền tới thế hệ hôm nay (Tần Hoài Dạ Vũ). Đó còn là kỳ vọng của những nhân chứng trải nghiệm lối sống thời bao cấp cho đến hôm nay, nhìn lại và kỳ vọng biết bao điều: về sự đột phá, biết lắng nghe dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết; về thành quả và sự trăn trở (Đổi mới, nhìn lại và kỳ vọng).
Cũng vậy, chuyên đề “30 năm đổi mới” của báo Người Lao Động chia làm 2 nội dung: Nhân chứng - sự kiện và Quả ngọt hôm nay. Bên cạnh nhiều bài về bước ngoặt lịch sử 1986, còn có nhiều  bài viết đời thường của cuộc sống thời bao cấp: “Cảm ơn khoán chui, khoán hộ”;  “Gia đình tôi, giữa thủ đô, thời bao cấp”…
Tương tự, báo Tiền Phong đưa bạn đọc sống lại không khí của những năm tháng cả dân tộc sắp bước vào công cuộc đổi mới cách đây 30 năm với câu chuyện cảm động về những vị lãnh tụ có vai trò quan trọng trong cuộc đổi mới vĩ đại của đất nước như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trên báo Nhân Dân, nhà báo Hà Đăng cho rằng, 30 năm đổi mới, đất nước đã đi lên với bước chân của người dũng sĩ. Đổi mới thật sự là một mặt trận, một cuộc chiến quyết liệt và không ngừng nghỉ.
Trong khi đó, một số báo tổ chức chuyên đề hội nhập - phát triển trên báo tết nhân sự kiện Việt Nam tham gia TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái  Bình Dương). Thời báo Kinh tế Việt Nam có chủ đề xuyên suốt “Xuân hội nhập”; còn “Hội nhập - Phát triển” là chủ đề chính của báo Đại Đoàn Kết. Trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân hy vọng, Việt Nam sẽ tạo được bước đột phá trong phát huy tiềm năng con người để tận dụng thời cơ, bước qua thách thức thời hội nhập. Theo báo Người Lao Động, vào TPP đã mở ra vận hội mới cho Việt Nam, xem như  nước ta ra biển lớn thứ hai, sau lần gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Còn báo Thanh Niên cho rằng, cửa hội nhập ở nước ta đã mở từ năm Bính Tuất (1946) như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

BẢO LÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có báo tết, thêm hương vị tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO