Cỏ biển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

QUỐC HƯNG 19/04/2021 15:28

(QNO) - Cỏ biển có thể là vũ khí đắc lực trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Tiếc rằng, thảm cỏ này tại nhiều khu vực đang bị tổn hại, chủ yếu do các hoạt động của con người.

Một nhà khoa học đang thực hiện các nghiên cứu tại một thảm cỏ biển. Ảnh: UNEP
Một nhà khoa học đang thực hiện các nghiên cứu tại một thảm cỏ biển. Ảnh: UNEP

Tháng 3 vừa qua, một cuộc thám hiểm Ấn Độ Dương do các nhà khoa học Tổ chức Hòa bình xanh Greenpeace dẫn đầu được tiến hành tại Saya de Malha. Đây là khu vực được cho sở hữu cánh đồng cỏ biển dưới nước lớn nhất thế giới, thậm chí có diện tích bằng đất nước Thụy Sĩ (khoảng 41.280km2). Tại đó, các nhà khoa học thu thập dữ liệu để tìm hiểu thêm về vai trò của cỏ biển.

Các nghiên cứu cho thấy một lợi ích lớn của cỏ biển là nó có thể lưu trữ lượng khí thải CO2 gấp hai lần so với hệ thống rừng. Nếu cỏ biển có thể sống khỏe mạnh và phát triển, chúng có thể loại bỏ CO2 ra khỏi môi trường sống. CO2 là một loại khí nhà kính mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến việc tăng nhiệt độ trong bầu khí quyển của trái đất.

Vì khu vực Saya de Malha cách xa bờ biển nên nó được bảo vệ tốt khỏi ô nhiễm cũng như tránh được các hoạt khai thác có thể gây hại cho sinh vật biển. Cỏ biển cũng gần bề mặt hơn, có nghĩa là chúng hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn và là môi trường cung cấp nơi trú ẩn, bãi kiếm ăn phong phú cho hàng nghìn sinh vật đại dương khác nhau.

Mặc dù chưa biết có bao nhiêu lượng CO2 đang được lưu trữ ở Saya de Malha, các chuyên gia ước tính rằng trên toàn thế giới, hệ thống rễ của cỏ biển giữ lại hơn 10% lượng CO2 bị chôn vùi trong trầm tích đại dương mỗi năm.

Hơn nữa, cỏ biển cũng đóng góp ít nhất 50% lượng ô xy cho bầu khí quyển của trái đất, làm sạch đại dương bằng cách hấp thụ các chất gây ô nhiễm do con người tạo ra trên đất liền.

Thảm cỏ biển có thể là nơi cung cấp thức ăn cho sinh vật biển. Ảnh: Reuters
Thảm cỏ biển có thể là nơi cung cấp thức ăn cho sinh vật biển. Ảnh: Reuters

Ông Dimos Traganos - nhà khoa học chính trong dự án của Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức về nghiên cứu cỏ biển, cũng là người vừa tham gia chuyến thám hiểm trên cho biết, khả năng lưu trữ CO2 của cỏ biển có ý nghĩa to lớn đối với những nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) ước tính, cỏ biển bao phủ hơn 300.000km2, trải dài trên tất cả lục địa ngoại trừ Nam Cực.

Song, cứ khoảng 30 phút, hoạt động của con người lại phá hủy các khu vực cỏ biển có kích thước tương đương một sân bóng đá.

Ví như, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 trên tạp chí khoa học Frontiers in Plant Science, các hoạt động khai thác của con người có thể đã phá hủy 92% cỏ biển ở lục địa Anh trong hơn một thế kỷ qua.

Bởi vậy, Kế hoạch hành động phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2030 cũng bao gồm cả hệ sinh thái biển và ven biển. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cỏ biển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO