Cơ cấu lại nền kinh tế: Từ lợi thế văn hóa - Bài 1: Đổi mới tư duy

ĐINH VĂN ĐÀO 02/10/2015 09:13

Những thập niên gần đây, nhiều quốc gia đã nhận diện vấn đề phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa là quy luật tất yếu khách quan. Đây là bài toán cần xử lý thông minh và hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích chất lượng sống của xã hội cộng đồng. Đối với Quảng Nam, yếu tố văn hóa trở thành lợi thế để kiến thiết động lực phát triển kinh tế…

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Nền kinh tế Quảng Nam những năm qua đã có bước khởi sắc; tăng trưởng khá và cải thiện xã hội; đã chú trọng bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả nền kinh tế còn hạn chế; mất cân đối về phát triển vùng; chênh lệch lớn về nhiều mặt giữa miền núi và đồng bằng; năng suất lao động nông nghiệp còn rất thấp; tỷ lệ nghèo cao kéo dài nhiều năm, nhất là vùng tây; quản lý tài nguyên còn bất cập… nên mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa như mong muốn. Có nguyên nhân sâu xa về tư duy, cách làm, ảnh hưởng của phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống; suy cho cùng là do tập quán lâu đời thuộc yếu tố văn hóa của nền nông nghiệp tự cung tự cấp khó thay đổi; môi trường tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên nên phòng thủ hơn là tiến công đổi mới. Lời giải đặt ra yêu cầu là làm sao để phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững; cần phải nhận thức sâu hơn về gốc rễ từ văn hóa; nâng tầm hội nhập về kinh tế thì phải từ văn hóa.

Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển. TRONG ẢNH: Hát bài chòi ở Hội An. Ảnh: L.T.KHANG
Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển. TRONG ẢNH: Hát bài chòi ở Hội An. Ảnh: L.T.KHANG

1.Sức mạnh của đất nước hay một địa phương về sâu xa cũng bắt nguồn từ văn hóa. Không có con đường nào khác như tiền nhân đã làm: phong trào Duy tân từ đầu thế kỷ XX theo phương châm cụ Phan Châu Trinh khởi xướng “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Đó là tiếp tục đổi mới tư duy để bứt phá phát triển. Sức phát triển bền vững và hội nhập thành công với nền kinh tế hiện đại suy cho cùng là từ sự khác biệt về văn hóa.

Từ văn hóa, nhận rõ sức ỳ của thực trạng; để đổi mới tư duy, hoạch định chiến lược phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư, cải biến cơ cấu  khu vực nông nghiệp và nông thôn. Tư duy phát triển một vùng đất cần bắt đầu từ yếu tố điều kiện tự nhiên và tiềm năng tài nguyên, truyền thống cách mạng, trầm tích văn hóa, xã hội con người, lợi thế so sánh trong liên kết, giao lưu với bên ngoài. Chúng ta cũng đã thấy, sau chặng đường phát triển vừa qua, nhìn lại kỹ hơn, bên cạnh mặt được, còn nhiều điều đáng suy ngẫm, xem xét để điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Định hướng về cơ cấu kinh tế và giải pháp về đầu tư, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững, trong những năm đến cần được tư duy căn cơ. Đặc biệt là về chiến lược, chính sách đầu tư phát triển và sử dụng nguồn lực con người một cách hiệu quả nhất. Bởi suy cho cùng đây là nguồn lực có giá trị cạnh tranh cao nhất khi bước vào thời kỳ nền kinh tế tri thức trong hội nhập quốc tế. Phát huy truyền thống văn hóa, đất học và bản lĩnh cách mạng trong tư duy người Quảng là điều đáng quan tâm. Cơ chế gì để làm được điều đó? Có lẽ phải bắt đầu từ những nhà lãnh đạo cấp cao của tỉnh, vì điều đó tất yếu để định ra hướng đi và dẫn dắt nhân dân thông qua vạch đường hướng phát triển. Sự phát triển luôn có ý nghĩa bứt phá khi quyết định chọn lựa đúng thời cơ để chuyển hướng. Trong những năm đến, khi có nhiều yếu tố mới thay đổi cần phải mạnh dạn lựa chọn đột phá mới là sự cần thiết bức bách, để thúc đẩy quá trình phát triển mới.

Tổng hợp các yếu tố về con người đất Quảng như hiếu học, cần cù sáng tạo, có truyền thống cách mạng, bản lĩnh và giàu văn hóa… nhưng sự nghèo còn đeo bám. Vì vậy có lẽ cần một đường hướng mới: khơi dậy sự quyết tâm phát huy cái thực học để kiến thiết quê hương từ kinh nghiệm lịch sử của các bậc tiền nhân vào công cuộc làm kinh tế cho đúng cách và hiệu quả. Điều đó Đảng lãnh đạo cần tiên phong, phát động hiến kế từ nhân dân; tổng kết đầy đủ các sáng tạo từ cơ sở, nhân dân, doanh nghiệp. Cần một đội ngũ những cán bộ có phẩm chất năng lực; hiểu rõ thực tiễn và lắng nghe; tư duy và tâm huyết luôn nghĩ về nhân dân. Cần những chính sách hợp lòng dân và động viên được nhân dân vào cuộc để đem lại lợi ích thiết thân cho nhân dân. Quan tâm đúng mức về chính sách ứng dụng khoa học công nghệ thiết thực hiệu quả. Xây dựng thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh; vạch chiến lược phát triển; xây dựng hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Với một tỉnh đông dân số như Quảng Nam; còn nghèo và cũng chỉ mới chủ yếu phát triển theo chiều rộng, gia công lắp ráp, xuất khẩu thô tài nguyên và còn mất cân đối lớn giữa các vùng… thì để cơ cấu lại nền kinh tế cần gắn đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện ba nhiệm vụ đột phá phù hợp với điều kiện, lợi thế của tỉnh, tạo bứt phá phát triển trong những năm đến. Cần tập trung điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và các vùng chiến lược theo lãnh thổ (đông - tây); cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp theo vùng lãnh thổ, theo hướng quy hoạch phát triển một số cụm ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm chiến lược (vùng đông là cơ khí ô tô, du lịch, hỗ trợ dệt may, giày và công nghệ cao, công nghệ thông tin; vùng tây là chế biến nông lâm sản và may, da giày)…

Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình tái cơ cấu về nông nghiệp vùng, theo hướng tạo vùng nguyên liệu hàng hóa cây, con chủ lực có thế mạnh. Cơ cấu lại đầu tư công theo kế hoạch trung hạn; huy động nguồn lực các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế. Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp; cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhất là thu hút doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn, miền núi; tạo điều kiện ổn định tăng trưởng; cải thiện về chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

2.Trở lại yếu tố tiềm năng về văn hóa và tài nguyên du lịch Quảng Nam, tại sao du lịch chưa phát triển, mở rộng quy mô và hiệu quả? Kinh nghiệm từ Hội An, Mỹ Sơn và liên kết vùng cần được nghiên cứu, tổng kết đúng mức. Du lịch là thế mạnh của tỉnh, cần lựa chọn trọng điểm, tập trung đầu tư hạ tầng và chính sách phù hợp, tạo động lực phát triển mới. Tỉnh cần có quyết sách đột phá; chương trình tổng thể, đặc biệt cần tư vấn của các chuyên gia về quy hoạch chiến lược và tập hợp đội ngũ nghiên cứu văn hóa, kiến trúc Quảng Nam.

Điều quan trọng là phải có kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa và xã hội từ cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp để làm du lịch có thương hiệu; công tác quảng bá phải được đẩy mạnh hơn; môi trường đầu tư cần phải được tập trung xây dựng tốt hơn để thu hút các nhà đầu tư lớn. Đặc biệt phải xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch mới đủ tầm, độc đáo để thu hút du khách. Vùng tây cần có cụm công trình văn hóa lịch sử - khu tượng đài Trường Sơn huyền thoại; vùng ven biển nam Hội An - Tam Kỳ cần có khu liên hợp công viên văn hóa thể thao giải trí hoặc khu làng văn hóa xứ Quảng (hội tụ văn hóa các vùng miền) quy mô lớn, xứng tầm đô thị tỉnh lỵ; thiết lập kết nối các trung tâm du lịch lớn với phát triển chuỗi sản phẩm lưu niệm từ các làng nghề và ẩm thực đất Quảng…

“Phát huy truyền thống văn hóa, đất học và bản lĩnh cách mạng trong tư duy người Quảng là điều đáng quan tâm. Cơ chế gì để làm được điều đó? Có lẽ phải bắt đầu từ những nhà lãnh đạo cấp cao của tỉnh, vì điều đó tất yếu để định ra hướng đi và dẫn dắt nhân dân thông qua vạch đường hướng phát triển…”.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, các trục chiến lược là tạo điều kiện khai thác, mở rộng không gian du lịch mới của tỉnh. Phát huy lợi thế hành lang kinh tế trục chiến lược ven biển (Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai - Dung Quất); trục xuyên Á từ Đà Nẵng - quốc lộ 14B, quốc lộ 14D - Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang; kết nối Tây Nguyên - trục quốc lộ 14E - quốc lộ 1 - ven biển. Vùng tỉnh, khi cầu Giao Thủy xây dựng hoàn thành sẽ tạo kết nối vùng trung tây, liên hoàn các trục chiến lược, thúc đẩy phát triển du lịch đột phá, mạnh mẽ hơn.

Với điều kiện hạ tầng trục đường Hồ Chí Minh, cần thu hút đầu tư một số dự án quan trọng tạo điểm mới về sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách (công trình khu tượng đài Trường Sơn huyền thoại - chiến trường xưa; khu du lịch thể thao, leo núi; đầu tư chuỗi các điểm dừng dịch vụ gắn với ẩm thực và điểm văn hóa vùng đồng bào dân tộc…). Các sản phẩm của rừng như sâm Ngọc Linh và ba kích cần được đầu tư xây dựng thương hiệu hàng hóa phục vụ du lịch, kể cả giới thiệu tại các trung tâm du lịch trọng điểm như Hội An, Đà Nẵng. Đó cũng là hướng chuyển  đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả bền vững; tạo giá trị gia tăng mới và khắc phục nhiều bất cập về ô nhiễm môi trường và chất thải công nghiệp mà thời gian qua đã xảy ra và tạo sự khác biệt liên kết phù hợp phục vụ các khu kinh tế hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh phù hợp và phát triển liên kết các chuỗi đô thị hướng biển bền vững.

Từ chiến lược phát triển hai hướng đông - tây và bắc - nam sẽ tạo lan tỏa toàn tỉnh; xác lập cơ cấu kinh tế đặc thù theo vùng lãnh thổ và tiểu vùng, có quan hệ tương hỗ, hài hòa, thúc đẩy cùng phát triển. Kiến tạo động lực đột phá sẽ tác động chuyển đổi cơ cấu kinh tế năng động, hiệu quả cho một thời kỳ mới của  Quảng Nam; góp phần thực hiện thành công định hướng mục tiêu kép trong những năm đến là phát triển nhanh và bền vững.

_____________________

Bài cuối: Phát huy nhân tố con người

ĐINH VĂN ĐÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ cấu lại nền kinh tế: Từ lợi thế văn hóa - Bài 1: Đổi mới tư duy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO