Cơ cấu lại nền kinh tế: Từ lợi thế văn hóa - Bài cuối: Phát huy nhân tố con người

ĐINH VĂN ĐÀO 05/10/2015 09:10

Phát triển yếu tố con người là một sự đầu tư chiến lược cần được tập trung đúng mức hơn, hiệu quả hơn. Bởi để có chiến lược tốt, tổ chức thực hiện hiệu quả thì đều phải thông qua phong trào hành động của nhân dân và đội ngũ cán bộ. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ là một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Nâng cao dân trí

Đây là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu, là điều kiện cần để nâng cao  năng lực cộng đồng; tiếp thu văn hóa phát triển; hiểu biết về kinh tế thị trường, để có thể thay đổi tập quán xã hội, giao lưu hội nhập. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng đào tạo cán bộ, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực tiễn, sâu sát nhân dân. Để thay đổi, giảm nghèo thì lãnh đạo và nhân dân địa phương phải có động lực và quyết tâm, khơi dậy tinh thần xã hội học tập các mô hình, kinh nghiệm tiếp cận tiến bộ khoa học – công nghệ, đây là điều kiện đủ để sáng tạo, năng động làm kinh tế giỏi, làm giàu. Hay dễ hiểu hơn là không có con người đủ tri thức và năng lực tốt thì sẽ không thành công trong mọi việc.

Tạo điều kiện để lao động trẻ phát huy sự sáng tạo trong công việc. TRONG ẢNH: Công nhân Nguyễn Duy Đức - Công ty TNHH Hữu Toàn Chu Lai là điển hình tiên tiến 5 năm trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh 2010 - 2015.
Tạo điều kiện để lao động trẻ phát huy sự sáng tạo trong công việc. TRONG ẢNH: Công nhân Nguyễn Duy Đức - Công ty TNHH Hữu Toàn Chu Lai là điển hình tiên tiến 5 năm trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh 2010 - 2015.

Cần xây dựng con người cả về sức khỏe hay thể chất; đào tạo bồi dưỡng phát triển nhân cách, trí tuệ và năng lực thực tiễn; tình yêu quê hương đất nước; trách nhiệm công dân và tâm huyết với sự nghiệp và công cuộc xây dựng phát triển quê hương.. Vấn đề này cũng bắt đầu từ văn hóa, sức mạnh tinh thần của cả cộng đồng. Do vậy, tỉnh  cần xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách và tạo môi trường tốt hơn để đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài, đội ngũ trí thức, chuyên gia giỏi. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, nhất là lực lượng cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản và qua rèn luyện thực tiễn; phát huy đúng mức, đóng góp trí tuệ cùng với  nhân dân vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà... Đây thật sự là nguồn lực rất quan trọng cần đặc biệt chú trọng để có chủ trương thiết thực, hiệu quả.

Muốn làm được điều đó, cần tập trung có chính sách tốt cho chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thật sự có năng lực; giỏi chuyên môn và mẫn cán với công việc; tâm huyết xây dựng quê hương đất nước; thật sự có đức, có tài; vì nhân dân phục vụ; gắn bó mật thiết với thực tiễn của các phong trào hành động của nhân dân; đồng thời có cơ chế kiểm soát và đánh giá sử dụng cán bộ dân chủ, công khai. Cần những thước đo công tâm từ lãnh đạo quản lý, từ  lắng nghe  góp ý của nhân dân để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả  quản lý điều hành của hệ thống bộ máy công quyền. Đề cao khuyến khích sáng kiến, hiến kế của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, của các tầng lớp nhân dân vì một Quảng Nam phát triển và giàu mạnh.

Liên kết đào tạo

Hệ thống giáo dục và đào tạo cần xem xét quy hoạch và phát triển phù hợp. Tổ chức lại hệ thống các trường đào tạo, đặc biệt hệ thống đào tạo nghề cần sắp xếp lại có hiệu quả, tránh đầu tư mạng lưới quá phân tán như hiện nay. Xây dựng trường nghề chất lượng cao và chú trọng thực học, thực hành; ưu tiên các ngành đang cần đáp ứng theo nhu cầu doanh nghiệp; đào tạo nâng cao chất lượng cho nghề may giày (liên hợp dệt may và công nghiệp hỗ trợ); cơ khí ô tô (Khu liên hiệp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải); văn hóa, lịch sử, ngoại ngữ, du lịch, dịch vụ (trung tâm du lịch Hội An - Mỹ Sơn và du lịch cộng đồng); đào tạo nhân lực công nghệ cao, công nghệ thông tin (ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; phát triển khu công nghệ thông tin); đào tạo các ngành nghề chế biến sâu (khu, cụm công nghiệp nông thôn, làng nghề); liên kết các trung tâm đào tạo và  doanh nghiệp để bảo đảm sau đào tạo giải quyết được việc làm.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần điều chỉnh kế hoạch, phù hợp với yêu cầu thực tế. Mục tiêu phải gắn với chuyển đổi nghề sang phi nông nghiệp để phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hiệu quả; gắn với cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, các dự án phát triển trên địa bàn. Đối với lao động nông nghiệp, tập trung đào tạo theo hướng thực hành chuyển giao công nghệ và nhân rộng các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản và nâng cao năng suất lao động nông nghiệp theo hướng tăng giá trị trên một héc ta canh tác và rút bớt lao động làm nông nghiệp. Đào tạo nghề cho lao động phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn; cùng với đầu tư cải thiện hạ tầng nông thôn; tạo điÁu kiện góp phần phát triển sản xuất; giải quyết việc làm và tăng thu nhập dân cư; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Hành động trên nền tảng văn hóa
Quan hệ giữa lợi ích kinh tế và tác động của mặt trái kinh tế thị trường đến văn hóa biểu hiện qua lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và quyền lực làm tha hóa con người, biểu hiện thành nguy cơ xã hội. Đảng lãnh đạo và điều chỉnh bằng luật pháp, công cụ quản lý của nhà nước và giáo dục quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng chiến lược phát triển, thương hiệu gắn với nền tảng văn hóa; trách nhiệm xã hội và nhân văn với cộng đồng... Đây thật sự là những thách thức, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển lành mạnh xã hội.
mục tiêu lợi ích và công cụ, phương thức hành xử trong thời buổi cạnh tranh có biểu hiện mặt trái của thị trường, của phi văn hóa; đối lập với mặt tốt đẹp, hướng đến lợi ích cộng đồng là tiến bộ công bằng xã hội, nhân ái… luôn là thách thức tính bền vững của đời sống kinh tế xã hội. Tình yêu Tổ quốc, sức mạnh dân tộc, nghĩa đồng bào vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cần được tư duy sâu sắc và hành động nhân bản, hành xử trên nền tảng văn hóa dân tộc, xây dựng con người và xã hội tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để đủ sức nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển.

Tập trung đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng cán bộ công chức và viên chức các cấp. Cấp cơ sở, cần đào tạo toàn diện theo Đề án 500, 600 với chương trình sát thực tiễn cơ sở; nâng cao năng lực chuyên môn; năng lực quản trị cộng đồng và quan hệ công chúng; công tác xã hội và chuẩn mực đạo đức công vụ đạt chuẩn của hệ thống chính trị cơ sở; phục vụ nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ công chức sở ngành; Đảng và chính quyền cấp huyện cần có chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; áp dụng quy trình, tiêu chí để đánh giá năng lực đội ngũ và  đánh giá chất lượng chỉ số cải cách hành chính (cấp tỉnh, cấp huyện và xã); hệ thống giải pháp khắc phục các chỉ số còn thấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công khai, minh bạch thông tin, giải quyết hiệu quả về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và người dân. Tập trung xây dựng đề án, chương trình thật cụ thể về cải cách hành chính và hệ thống giải pháp đến từng sở ngành và chính quyền cấp huyện, xã; tạo chuyển biến thật sự, cải thiện môi trường đầu tư và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nhất là các chỉ số thành phần còn hạn chế.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho triển khai các dự án và phát triển kinh tế. Cần đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở phải vào cuộc thật sự; công tác vận động nhân dân phải có cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế và lợi ích chính đáng của người dân. Để thực hiện thông suốt và hiệu quả về cải cách thủ tục hành chính, khâu cán bộ là quyết định, trong đó cơ chế tổ chức quản lý, việc phân cấp quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả; khắc phục hạn chế trong phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết của các sở ngành, cấp chính quyền cần được chú trọng.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với  yếu tố văn hóa, tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh; phát huy bài học về nắm thời cơ và các dấu ấn chuyển hướng phát triển cùng với bối cảnh cả nước của thời kỳ mới, là những vấn đề đặt ra cho Quảng Nam. Đổi mới tư duy là mạch nguồn xuyên suốt của các thời kỳ lịch sử phát triển đất Quảng. Bước vào chặng đường mới, với  bản lĩnh năng động sáng tạo và quyết tâm đổi mới để kiến tạo những đột phá, hy vọng và tin rằng trong những năm đến, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam sẽ lập thêm nhiều kỳ tích mới; xây dựng và phát triển Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

ĐINH VĂN ĐÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ cấu lại nền kinh tế: Từ lợi thế văn hóa - Bài cuối: Phát huy nhân tố con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO