Sắp đến, HĐND tỉnh dự kiến sẽ đưa ra bàn thảo nội dung liên quan đến Đề án hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) giai đoạn 2021 - 2025. Để hiểu rõ hơn về nội dung cũng như mục tiêu của đề án, Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng Ban Điều hành hỗ trợ KNĐMST tỉnh.
Thiết thực vì khởi nghiệp
* PV:Thưa ông, hiện nay trung ương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về hỗ trợ KNĐMST. Vậy tại sao Quảng Nam lại nghiên cứu ban hành 1 đề án riêng về hỗ trợ khởi nghiệp (KN) trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn 2021 - 2025?
Ông Phạm Ngọc Sinh: KNĐMST là quyết tâm chính trị của Chính phủ kiến tạo, hành động được khởi xướng năm 2016 với việc ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025”. Tiếp đến là các đề án “Hỗ trợ phụ nữ KN giai đoạn 2017 - 2025” và “Hỗ trợ học sinh, sinh viên KN đến năm 2025”. Chính vì vậy, việc các địa phương, trong đó có Quảng Nam ban hành kế hoạch/đề án xây dựng hệ sinh thái KNĐMST rất quan trọng, nhằm khuyến khích tinh thần doanh nhân dám nghĩ dám làm, dám thay đổi trên nền tảng đổi mới sáng tạo, với truyền thống và đặc thù của địa phương. KNĐMST tạo sản phẩm mới trên nền tảng tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Đồng thời tạo ra giá trị và huy động mọi nguồn lực tận dụng cơ hội để phát triển sản phẩm, phương thức sản xuất và thị trường mới.
* PV:Việc ban hành một đề án riêng về hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái KNĐMST có ý nghĩa và khác biệt gì so với sự hỗ trợ trước đây, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Việc ban hành một đề án với cơ chế nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái KNĐMST có ý nghĩa tạo động lực, huy động nguồn lực hướng đến mục tiêu cơ bản: hoàn thiện hệ sinh thái và tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KNĐMDST; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Việc hỗ trợ thông qua đề án có khác biệt nhiều so giai đoạn I (2017 - 2020). Đó là chuẩn hóa các quy định tài chính phù hợp với quy định của Trung ương và cơ chế đặc thù của Quảng Nam; hoàn chỉnh hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại tỉnh. Đồng thời mở rộng hình thức kết nối cộng đồng KN quốc gia, quốc tế và duy trì tổ chức ngày hội KN các cấp; khơi dậy, tạo lập và lan tỏa tinh thần KNĐMST trong nhân dân, nhất là nông dân, phụ nữ, thanh niên, sinh viên, học sinh. Qua đó phát huy giá trị văn hóa canh tân, đổi mới, dấn thân và tinh thần doanh nhân trong cộng đồng để khởi sự kinh doanh tiến tới KNĐMST. Đề cao và phát huy vai trò đồng hành, cam kết hỗ trợ của chính quyền và sự vào cuộc khuyến khích, động viên của hệ thống chính trị ở lĩnh vực này.
Cụ thể hóa mục tiêu
* PV:Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh đến nay còn gặp những trở ngại nào, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Chương trình KN đã được UBND tỉnh triển khai từ năm 2017 và đã ban hành Quyết định số 4396/QĐ-UBND ngày 18.12.2017 về kế hoạch xây dựng hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025, trên cơ sở tích hợp tất cả đề án của Chính phủ và Chương trình thanh niên KN. Quảng Nam đã là một trong những địa phương đi đầu hành trình liên kết nguồn lực và sức mạnh của xã hội về xây dựng hệ sinh thái cấp tỉnh. Kết thúc giai đoạn I (2017 - 2020), mô hình triển khai hệ sinh thái KNĐMST Quảng Nam là mô hình tích hợp khoa học, hiệu quả, được các cơ quan Trung ương, các chuyên gia và cộng đồng KN đánh giá cao. Tuy nhiên, hoạt động KNĐMST lĩnh vực khá mới mẻ, nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn nhất định, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm. Trong khi đó, nhận thức, kiến thức về KNĐMST còn hạn chế; cơ chế hỗ trợ dự án KN chưa kịp thời; công tác kết nối các nhà đầu tư chưa hệ thống, bài bản; mô hình quỹ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đang khó khăn về mặt pháp lý…
* PV:Ông có thể cho biết những mục tiêu lớn trong xây dựng hệ sinh thái KNĐMST tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 khi đề án này được ban hành?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương KN hàng đầu trong cả nước, có hợp tác liên kết với KN quốc tế. Để đạt mục tiêu đó, Quảng Nam đồng thời tiến hành các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Thứ nhất là phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam và tạo lập một văn hóa KN, văn hóa doanh nhân xứ Quảng. Đây là giá trị cốt lõi, nền tảng để khuyến khích và lan tỏa tinh thần KN trong xã hội, với định vị: Quảng Nam - vùng đất mở cho KN. Hai là đồng hành để tạo lập và thay đổi quan niệm xã hội về tinh thần KN. Ba là bồi đắp, hun đúc nhằm xóa bỏ tự ti, thiếu hiểu biết và kiến thức bằng cách quan tâm tổ chức tiếp cận kiến thức, công cụ quản lý mới đào tạo, tập huấn KN. Thứ tư đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoạt động kết nối mạng lưới KN. Cuối cùng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tái KN trong lòng doanh nghiệp và đề cao vai trò doanh nhân thành đạt.
Đảm bảo tính thiết thực
Tính đến nay, toàn tỉnh có 12 Câu lạc bộ KN sáng tạo; 17/18 địa phương trên địa bàn tỉnh khởi động và ban hành kế hoạch phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại địa phương. Núi Thành, Hội An, Tam Kỳ đã hình thành không gian làm việc chung theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, Câu lạc bộ Đầu tư và KN Việt Nam đã thành lập không gian làm việc chung VINA STARTUP tại đường Trần Phú (TP.Tam Kỳ). Giai đoạn 2017 - 2020 đã tổ chức đào tạo cho gần 30 ý tưởng, dự án KN; phối hợp Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hỗ trợ vay lãi suất 0 đồng cho các dự án KN cấp tỉnh, với số tiền hỗ trợ 3 tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình Ban Điều hành (trước đây là Tổ Công tác) của Quảng Nam là mô hình duy nhất, được Trung ương đánh giá cao.
* PV:Đề án có nhắc đến hỗ trợ trực tiếp cho các dự án KN, trong đó có việc hỗ trợ vốn vay. Liệu đề án có được xem như một Quỹ hỗ trợ KN của Nhà nước?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Quảng Nam là địa phương đi đầu cả nước về lập Quỹ KN để hỗ trợ vay vốn; mà nổi bật là cho vay trong lúc gặp khó khăn của dịch Covid-19. Mô hình Quỹ KN của Quảng Nam là quỹ xã hội, không có vốn đầu tư của nhà nước. Cũng cần nói thêm rằng, nghị quyết của HĐND tỉnh là hướng đến xây dựng hệ sinh thái KNĐMST; có hỗ trợ các dự án KN để hoàn thiện, mở rộng kết nối KN. Đây là nội dung tiền đề, quyết định. Còn hoạt động của Quỹ hỗ trợ KN là để các dự án mở rộng sản xuất, phát triển thị trường. Đây là cơ chế cùng đầu tư, cùng phát triển của bản thân các ý tưởng, dự án KN sáng tạo. Quá trình này bao hàm cả ý nghĩa nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư.
* PV:Được biết, thời gian tiến hành xây dựng đề án này không quá nhiều. Vậy trong quá trình triển khai, tổ soạn thảo đã làm việc, nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến góp ý như thế nào để đảm bảo nội dung đề án khi được ban hành sẽ đảm bảo thiết thực, hiệu quả?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Việc xây dựng đề án kèm cơ chế hỗ trợ KNST được triển khai một cách bài bản, đảm bảo quy trình và theo đúng quy định. Mới đây nhất, ngày 9.9.2020, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh làm việc với Ban Điều hành đánh giá công tác chuẩn bị chu đáo, bám sát Thông tư 45/2019/TT-BTC, ngày 19.7.2019 của Bộ Tài chính về quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” và đề xuất cơ chế đặc thù để phù hợp với xây dựng Hệ sinh thái KNST tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua, ngân sách địa phương suy giảm; nên Thường trực HĐND tỉnh và Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị nghiên cứu lùi thời gian ban hành Nghị quyết vào thời điểm phù hợp để đảm bảo nguồn lực trong triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng Kế hoạch năm 2021 trên cơ sở kế thừa công tác hỗ trợ giai đoạn I kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh. Đây là nhiệm vụ nặng nề và Ban Điều hành của tỉnh sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để phát huy kết quả giai đoạn I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn II.
Hiện nay, có 52/63 tỉnh thành triển khai xây dựng Kế hoạch Hệ sinh thái KNST địa phương. Trong đó, có 16 tỉnh thành ban hành cơ chế hỗ trợ; cơ bản theo Thông tư 45 của Bộ Tài chính; có hai địa phương có cơ chế đặc thù là Quảng Nam và Đắk Nông. Việc Quảng Nam lùi thời gian ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh là phù hợp với tình hình địa phương, không ảnh hưởng đến Kế hoạch UBND tỉnh đã ban hành; song, đòi hỏi sự năng động, tâm huyết và làm việc nhiều hơn của Ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh.