Chiều 21.4, tại Kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh (khóa IX) thông qua Nghị quyết về cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030. Các ý kiến tập trung mổ xẻ, thống nhất cao với cơ chế hỗ trợ, nhưng lưu ý dù áp dụng hình thức xử lý lò đốt hay chôn lấp đều phải thẩm định chặt chẽ công nghệ.
Giám đốc Sở TN&MT Trần Thanh Hà cho biết, mặc dù Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 09 về quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, nhưng thực tiễn đã gây áp lực cho hầu hết địa phương trong quy trình xử lý chất thải. Việc ban hành cơ chế hỗ trợ lần này là căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện. Theo đề xuất của UBND tỉnh, cơ chế hỗ trợ chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ đốt hoặc công nghệ tiên tiến khác đối với các khu xử lý có công suất hơn 50 tấn/ngày đêm.
“Sở dĩ sở tham mưu UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ đối với khu xử lý rác có công suất dưới 50 tấn rác/ngày đêm từ thực tiễn khối lượng xả rác các địa phương và tham khảo mô hình của các tỉnh thành khác. Tùy quy mô khu xử lý và công suất của dự án, sở sẽ tham mưu tỉnh thẩm định công nghệ xử lý dù là hình thức xử lý chôn lấp” - ông Hà giải thích.
Theo UBND tỉnh, 10 địa phương đồng bằng chỉ được hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 khu xử lý rác thải tập trung cấp huyện; mỗi huyện miền núi được hỗ trợ đầu tư xây dựng tối đa 3 khu xử lý rác thải tập trung theo Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhà đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn tập trung sẽ nhận được nhiều ưu đãi. Cụ thể, được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất. Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng các tuyến đường bê tông nông thôn vào khu xử lý tập trung theo tiêu chuẩn đường đạt chuẩn nông thôn mới đối với khu xử lý cấp huyện. Hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng công trình cấp điện khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung.
Góp ý cho cơ chế xử lý chất thải rắn, ông Lê Tấn Trung - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn cho rằng, ngân sách tỉnh cần phân bổ cho nâng cấp khu xử lý rác thải ở Đại Hiệp (Đại Lộc). Đề xuất sau khi dự án được phê duyệt, cần thanh toán trước 50% cho nhà đầu tư để có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Vốn hỗ trợ cho xây dựng hạ tầng khu xử lý chất thải rắn nên phân bổ trước và sau đầu tư. Để các dự án dễ dàng triển khai, các ngành chức năng cần thống nhất trong hướng dẫn thực hiện, chứ địa phương gặp khó khăn không riêng gì về giải phóng mặt bằng, mà cả phê duyệt kế hoạch sử dụng đất” - ông Trung nói.
Nhiều ý kiến thống nhất cao với đề xuất cơ chế hỗ trợ chất thải rắn của UBND tỉnh. Tuy nhiên, lưu ý tuân thủ chặt quy trình, thủ tục đầu tư các lò đốt chất thải rắn, nhất là thẩm định công nghệ, tránh đầu tư xong sử dụng không hết công suất, gây lãng phí nguồn lực như 2 dự án xử lý rác thải ở TP.Hội An. Ngoài ra, cần sử dụng hợp lý nguồn lực cho việc phân bổ rác thải tại nguồn.
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính băn khoăn, tên gọi “Cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030” chưa phù hợp, cần bổ sung. Thực chất ở các địa phương miền núi khu xử lý chất thải rắn chỉ là bãi đổ rác; Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam không tham gia thu gom, vận chuyển rác trực tiếp ở một số huyện miền núi.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý thêm, riêng phân loại rác thải tại nguồn sau này sẽ có đề án riêng. Việc xử lý rác thải của nhiều địa phương vừa qua bộc lộ bất cập nên cần thiết hỗ cho cộng đồng dân cư vì ít nhiều họ bị ảnh hưởng, mức độ hỗ trợ như thế nào sẽ dựa vào quy mô rác thải xả ra môi trường. Nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề, sẽ lo đầu tư xử lý công đoạn cuối cùng, còn các công ty thu gom rác chuyên dụng hiện nay có thể hợp tác thu gom, vận chuyển.
“Việc hợp tác đầu tư theo hình thức nào đi nữa thì cũng không tách rời việc thu gom với xử lý, các phương án đầu tư UBND tỉnh phê duyệt mới được thực hiện” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định.