Cơ chế khuyến khích đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại: Chưa thu hút doanh nghiệp

V.NGUYỄN - V.ANH 10/07/2018 14:19

Cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 theo Nghị quyết 125/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (Nghị quyết 125) đến thời điểm này đã bộc lộ nhiều vướng mắc, cần điều chỉnh để triển khai tốt hơn trong thời gian đến.

Số lượng chợ được xây dựng từ Nghị quyết 125 còn ít ỏi trên địa bàn tỉnh.
Số lượng chợ được xây dựng từ Nghị quyết 125 còn ít ỏi trên địa bàn tỉnh.

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Triển khai Nghị quyết 125 của HĐND tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, đến thời điểm này, Quảng Nam đã xây dựng được 15 chợ, trong khi trung tâm thương mại và siêu thị thì chưa có. Về 15 chợ được đầu tư, ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, có 13 chợ được xây mới do các chủ đầu tư là UBND cấp xã, huyện tiếp cận, 2 chợ được xây mới do nhà đầu tư là doanh nghiệp thực hiện ở xã Đại Hiệp (Đại Lộc) và Điện Nam Trung (Điện Bàn). Hiện tại, cả 15 chợ đều hoạt động tốt.

Đối với các trường hợp siêu thị và trung tâm thương mại chưa được đầu tư từ Nghị quyết 125, ông Lâm cho rằng, cái khó chủ yếu vì nguyên nhân khách quan. Cụ thể, doanh nghiệp căn cứ vào dự tính mua sắm ít của người dân, dự toán kinh phí đầu tư xây dựng quá lớn, khó sinh lợi nên không mặn mà đầu tư. Ví như, chỗ đất đang là khách sạn Mường Thanh ở TP.Tam Kỳ, trước đây được tỉnh, TP.Tam Kỳ mời nhiều doanh nghiệp đầu tư siêu thị hay trung tâm thương mại nhưng đều thất bại. Chính quyền huyện Đại Lộc mời nhà đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại ở khu “đất vàng” nằm ngay trung tâm của thị trấn Ái Nghĩa nhưng không doanh nghiệp nào dám nhận. Tương tự, UBND thị xã Điện Bàn cũng không đạt được mục đích mời doanh nghiệp đầu tư chợ, siêu thị. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp lớn như Big C, Lotte khi đề xuất với chính quyền TP.Hội An đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thì nhận được câu trả lời là không thể vì địa phương muốn duy trì chợ truyền thống hơn là đầu tư cho kênh mua sắm hiện đại. Các chợ đã được đầu tư chưa đáp ứng kỳ vọng vì doanh thu thấp. Chợ Tam Kỳ đầu tư hơn 70 tỷ đồng, mỗi năm thu được 7 tỷ, chi hơn 6 tỷ, nếu doanh nghiệp đầu tư thì khi nào thu hồi được vốn.

Ông Phan Khắc Chưởng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ & pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) cho rằng, chủ trương lớn của tỉnh là tạo mọi điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó có chợ, trung tâm thương mại và siêu thị nhưng đến nay chưa so sánh được hiệu quả của các chợ do Nhà nước đầu tư và chợ do doanh nghiệp đầu tư là bất cập.  “Vì sao đến thời điểm này, có quá ít doanh nghiệp tham gia đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo Nghị quyết 125? Phải chăng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư có vấn đề? Ngành công thương cho rằng, cả 15 chợ đều hoạt động hiệu quả có đúng không, nhiều ý kiến cho rằng có chợ trong số đó hoạt động cầm chừng, thưa thớt người dân mua sắm” - ông Chưởng nói. Cũng theo ông Chưởng, HĐND tỉnh hiện có 2 cơ chế, chính sách áp dụng cho xây dựng chợ, ngoài Nghị quyết 125 còn có Nghị quyết 37. Vấn đề đặt ra là tại sao đến thời điểm này 2 nội dung trên không được lồng ghép vào nhau trong triển khai xây dựng chợ? Nếu ghép được 2 cơ chế với nhau thì đề xuất của Sở Công Thương về sửa đổi Nghị quyết 125 phục vụ cho xây dựng chợ nông thôn mới là không cần thiết.

Cần cú hích

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, có ít chợ được xây mới theo Nghị quyết 125 trong thời gian qua vì để tiếp cận được cơ chế, UBND cấp huyện, cấp xã bắt buộc phải đối ứng vốn 75 - 80% là rất khó khăn. Bởi vậy, từ thực tiễn triển khai trong thời gian qua, HĐND tỉnh nên sửa đổi một số nội dung cho phù hợp. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ lên 40% để cấp xã, huyện chỉ phải đối ứng 60% vốn và hỗ trợ trước đầu tư chứ không phải sau đầu tư như trước đây.

Về điều này, ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, sửa đổi nghị quyết của HĐND tỉnh khó hơn lập một nghị quyết mới. Bởi muốn sửa đổi thì bắt buộc Sở Công Thương phải đánh giá lại toàn diện, cụ thể quá trình triển khai Nghị quyết 125 từ năm 2014 đến nay, nêu bật được các thuận lợi, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khả thi. Tuy nhiên, đến nay, dù Sở Công Thương đã gửi văn bản đề xuất đến HĐND tỉnh nhưng chưa đánh giá đầy đủ các tác động của Nghị quyết 125 trong thời gian qua. Theo ông Phương, Sở Công Thương cần phải phân biệt rõ ràng sự khác biệt của Nghị quyết 125 và Nghị quyết 37. Cả 2 cùng giống nhau ở nội dung hỗ trợ xây dựng chợ nhưng khác nhau rất rõ là Nghị quyết 125 phục vụ cho xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại còn Nghị quyết 37 chỉ nhằm mục đích xây dựng nông thôn mới. Sắp tới, tại phiên họp của HĐND tỉnh về thẩm tra, đánh giá lại toàn bộ quá trình triển khai Nghị quyết 125, nếu nhận thấy chỉ phục vụ cho xây dựng 38 chợ nông thôn mới từ nay đến năm 2020 thì sẽ xóa bỏ nghị quyết này. “Sở Công Thương đề xuất hỗ trợ trước đầu tư thì phải xem xét các ràng buộc đối với doanh nghiệp, tránh trường hợp đã giải ngân vốn nhưng doanh nghiệp không chịu đầu tư dù đã nhận hỗ trợ” - ông Phương nói.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, hoàn thiện hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh là hết sức cấp thiết. Mục đích hướng đến là đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường, hoàn thiện nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, triển khai Nghị quyết 125 trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Bởi vậy, Sở Công Thương cần có những giải pháp thiết thực để có thể thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại vốn bế tắc trong thời gian qua. Ngành cần làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết 125 đến thời điểm này, so sánh với chỉ tiêu đề ra. Theo nghị quyết, mỗi năm tỉnh bố trí tối thiểu 10 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nhưng đến nay, qua 4 năm triển khai ngân sách mới chỉ hỗ trợ hơn 19 tỷ đồng là quá thấp, thì đâu là nguyên nhân và giải pháp sát sườn trong thời gian đến là gì? “Sở Công Thương cần xem xét lại các Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật thương mại để có thể giúp các địa phương, doanh nghiệp triển khai Nghị quyết 125 tốt hơn trong thời gian đến” - ông Hùng nói.

V.NGUYỄN - V.ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ chế khuyến khích đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại: Chưa thu hút doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO