UBND tỉnh đã ban hành 2 cơ chế khuyến khích nuôi thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ mở rộng sản xuất, vậy nhưng đến nay người dân vẫn chưa tiếp cận được.
Nuôi cá gặp khó
Ngày 23.5.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND (Quyết định 12) để khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam, áp dụng đến năm 2020. Nhận được thông tin này, ông Võ Ngọc Ánh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Chánh (HTX Đại Chánh) triển khai ngay các trình tự thủ tục. “Tôi và các thành viên của HTX Đại Chánh liên tục đến các cấp huyện, tỉnh hỏi han, hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh quyết định cho phép nuôi cá trong lồng bè ở hồ chứa nước Khe Tân (xã Đại Chánh, Đại Lộc). Từ cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện các trình tự bao gồm giấy chứng nhận thành lập HTX kiểu mới, báo cáo tóm tắt dự án nuôi cá trong lồng bè, bản đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 12 và một số giấy tờ khác liên quan đến dự án nuôi cá. Vậy nhưng hồ sơ đến nay vẫn... bặt vô âm tín. Chúng tôi rất nóng lòng được biết UBND tỉnh có quyết định hỗ trợ theo cơ chế hay không?” - ông Ánh nói.
HTX Đại Chánh còn đến 15 lồng nuôi cá chưa bán được dù đã quá thời hạn thu hoạch một tháng nay.Ảnh: QUANG VIỆT |
Từ cuối năm 2016 đến nay, ông Phạm Văn Quy (thôn Thạnh Tân, xã Đại Chánh) phối hợp với HTX Đại Chánh, góp vốn nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở hồ chứa nước Khe Tân. Ông Quy cho biết như đang ngồi trên lửa vì nếu không nhận được hỗ trợ từ Quyết định 12 thì gia đình lâm vào cảnh khó khăn. “Thời điểm thu hoạch 20 lồng cá điêu hồng của chúng tôi đã đến từ cách đây một tháng, vậy nhưng chỉ bán được cá trong 5 lồng nuôi. Khối lượng cá còn lại trong 15 lồng là 30 tấn cá vẫn chưa bán được. Tình trạng này kéo dài thì chúng tôi thua lỗ” - ông Quy nói. Còn ông Ánh thì cho biết, việc nuôi cá điêu hồng trong lồng bè đang gặp quá nhiều khó khăn. “Tính tổng chi phí để nuôi được 1kg cá điêu hồng thương phẩm là 35 nghìn đồng. Vậy mà chúng tôi đã bán 10 tấn cá trong 5 lồng với giá 30 nghìn đồng/kg, lỗ nặng. Chừ chúng tôi vẫn phải ngày đêm túc trực cho cá trong 15 lồng còn lại ăn với chi phí gần 4 triệu mỗi ngày. Chúng tôi muốn bán tống, bán tháo để giảm thua lỗ nhưng liên hệ thì các tư thương đều bảo chỉ mua với giá thấp hơn 30 nghìn đồng/kg. Tình trạng này kéo dài thì chỉ có nước... thê thảm” - ông Ánh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho rằng, ngành chức năng không thể can thiệp để giúp HTX Nông nghiệp Đại Chánh bán cá điêu hồng ổn định vào thời điểm này. “Cá điêu hồng thương phẩm bán chạy hay không, được giá bao nhiêu phụ thuộc vào quy luật thị trường nên chúng tôi không thể xoay xở giúp. Chúng tôi đã nhiệt tình giúp đỡ HTX Đại Chánh hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở KH-ĐT thẩm định, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ theo Quyết định 12. Chỉ mong cơ chế này được triển khai nhanh, giúp đỡ HTX Đại Chánh bù lỗ do nuôi cá điêu hồng không đúng thời điểm” - ông Khánh nói.
Bất cập...
Giá cá điêu hồng xuống quá thấp Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cá điêu hồng thương phẩm vào thời điểm này thấp hơn cùng kỳ lẫn vụ trước đến 30 nghìn đồng/kg (60 nghìn đồng/kg giảm xuống 30 nghìn đồng/kg). Nguyên nhân là hiện nay, nguồn cung dồi dào nên người mua lựa chọn cá biển. Tại Quảng Nam nói riêng, vùng duyên hải miền Trung nói chung hiếm có cơ sở chế biến cá điêu hồng xuất khẩu để thu mua nguyên liệu từ người nuôi. Trong khi đó thương lái Trung Quốc lại “ngó lơ” cá điêu hồng khiến cho nguồn nguyên liệu ứ lại, khiến giá bán cá điêu hồng thương phẩm thấp chưa từng có. |
Ông Nguyễn Ngọc Thuyên - cán bộ phụ trách nông nghiệp, nông thôn - Phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH-ĐT) cho biết, hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 12 của HTX Đại Chánh đang được thẩm định để trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ. “Khi nhận hồ sơ, chúng tôi cần 5 ngày để kiểm tra chi tiết rồi chuyển đến Sở Tài chính, Sở NN&PTNT. Trong vòng 10 ngày, chúng tôi sẽ nhận ý kiến của các sở liên quan, thấy hồ sơ hợp lệ sẽ trình cấp trên xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định hỗ trợ. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ của HTX Đại Chánh ổn thỏa nên có thể trong vòng vài ngày nữa, UBND tỉnh có quyết định” - ông Thuyên nói. Theo đó, trong trường hợp được hỗ trợ thì HTX Đại Chánh sẽ nhận được mức 300 triệu đồng khuyến khích đầu tư 20 lồng nuôi cá điêu hồng.
Ngoài Quyết định 12 thì UBND còn có thêm Quyết định 27/2016/QĐ-UBND ban hành ngày 8.12.2016 (Quyết định 27) cũng khuyến khích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Vậy nhưng, đến thời điểm này, chỉ có 1 hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 12, còn Quyết định 27 thì... bỏ ngỏ. “Với cả 2 cơ chế khuyến khích đầu tư nuôi thủy sản tại Quảng Nam, Sở KH-ĐT đều phối hợp với các ban, ngành liên quan phổ biến, tuyên truyền đến các địa phương qua đó giúp nông hộ, các doanh nghiệp, HTX tiếp cận. Không hiểu sao đến thời điểm này chỉ có 1 hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo cơ chế ban hành” - ông Thuyên nói.
Theo Sở NN&PTNT, có sự bất cập trong triển khai 2 cơ chế hỗ trợ nuôi thủy sản. Quảng Nam có đến 73 hồ thủy lợi, 44 hồ thủy điện với 13 nghìn héc ta mặt nước được quy hoạch nuôi thủy sản. Để xóa bỏ cách đầu tư nhỏ lẻ, manh mún bấy lâu nay, khai thông lợi thế, phát triển bền vững, UBND tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch, khuyến khích nuôi cá lồng bè với các cơ chế ưu đãi có nội dung, quy định, phạm vi rõ ràng. Công tác phổ biến quy hoạch cùng các cơ chế hỗ trợ đầu tư đã được ngành thủy sản triển khai lâu nay đến các huyện, thị xã, thành phố có nghề nuôi thủy sản. “Các doanh nghiệp không mặn mà với cơ chế hỗ trợ? Hay là các HTX, nông hộ chưa nắm rõ thông tin do cấp huyện phổ biến chưa được thông suốt? Việc đó phải được xem xét lại trong thời gian tới. Vấn đề cơ bản nhất là ngành thủy sản sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai quy hoạch cùng các cơ chế ưu đãi đến tận các vùng nuôi để người dân nắm rõ, tiếp cận” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT