Cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có thể sẽ tạm dừng ban hành sau một năm nữa. Lý do là ngân sách không đủ nguồn lực để thực thi cơ chế này trên thực tế.
Nhiều ưu đãi cho DN
Nghị định 210/2013/NĐ – CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ ngày 10.2.2014) có nhiều điểm mới so với Nghị định 61/2010/NĐ- CP, được xem là bước chuyển mới, kỳ vọng thu hút DN đầu tư vào khu vực này khi có thêm nhiều ưu đãi. Chính sách áp dụng đối với DN có dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư (gồm 19 lĩnh vực thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn ban hành kèm theo Nghị định số 210/NĐ – CP) thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc vùng nông thôn khó khăn. Theo đó, DN được miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước của hộ, cá nhân, miễn giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ... Ngoài ra, chính sách còn áp dụng đối với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (7 lĩnh vực) như hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chăn nuôi gia súc, trồng cây dược liệu, nuôi trồng hải sản trên biển, sấy lúa, ngô khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến gỗ trồng rừng đặc thù và đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm thủy sản.
Trồng, chế biến và sản xuất mây là lĩnh vực được xác định ưu đãi đặc thù tại Quảng Nam.Ảnh: T.PHONG |
Theo nghị định này, Quảng Nam đã dự thảo cơ chế đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020. Cơ quan soạn thảo cho biết, theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, các dự án đã thực hiện trước ngày 10.2.2014 (ngày Nghị định 210/NĐ-CP có hiệu lực) đáp ứng các điều kiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sẽ được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho thời gian còn lại của dự án và chỉ hỗ trợ cho các hạng mục đầu tư, gói thầu của dự án thực hiện sau ngày 10.2.2014. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn của ngân sách tỉnh, dự thảo cơ chế này đề nghị đối với chủ dự án thực hiện trước ngày 10.2.2014 đủ điều kiện thì chỉ thực hiện hỗ trợ 70% mức kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương. Ngân sách tỉnh không hỗ trợ 30% kinh phí còn lại. Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ cho các dự án có mức hỗ trợ từ 2 tỷ đồng trở xuống và những dự án có mức hỗ trợ lớn hơn 2 tỷ đồng nhưng không sử dụng ngân sách trung ương, chỉ áp dụng đối với các lĩnh vực, sản phẩm đặc thù của tỉnh cần khuyến khích, bao gồm: bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh, sản xuất các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh thành hàng hóa, nuôi trồng thủy sản trên các hồ đập thủy lợi, thủy điện (nuôi lồng) và sản xuất mây giống. Mức đề nghị thống nhất dành tối thiểu 2% tổng chi hàng năm từ ngân sách tỉnh thực hiện cơ chế này về nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, thực hiện từ ngày 1.1.2015.
Thiếu nguồn lực thực hiện
Không thực hiện theo nghị quyết thì không được, còn thực hiện mà không có tiền thì biết làm sao? Không nên vội vã đưa ra, bởi khi mục tiêu chính sách không đạt được, sẽ làm mất niềm tin vào chính sách, nghị quyết và hiệu lực của hội đồng. (Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang) |
Ngày 12.11.2014, dự thảo được đưa ra lấy ý kiến tại cuộc họp giữa Thường trực HĐND tỉnh và Sở Kế hoạch - đầu tư. Sở Kế hoạch - đầu tư, Thường trực HĐND tỉnh đều thống nhất tạm dừng việc ban hành cơ chế này để xem xét, thử nghiệm Nghị quyết 210 trên thực tế. Theo ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, khi thực hiện sự hỗ trợ theo nghị quyết này thì những chính sách khác đang thực hiện phải được duy trì không thể bỏ được. Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là điều quan trọng, nhưng cần phải tính tới hiệu lực của cơ chế. Vấn đề phải được xử lý như thế nào khi nguồn lực quá yếu. Tiền đâu để giải quyết vấn đề này là điều cần cân nhắc. Hiện tại đã có 26 dự án DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn kể từ năm 2013 trên diện tích 94,72ha, thu hút khoảng 2.740 lao động với tổng vốn đầu tư 1.288,71 tỷ đồng. Trong số DN đầu tư ấy, chỉ có 4 DN đủ điều kiện hỗ trợ từ trung ương và 22 DN không đủ điều kiện hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Chỉ riêng việc thực hiện đúng theo Nghị định 210, ngân sách địa phương phải hỗ trợ gần 105 tỷ đồng. “Khó nhất là ban hành nghị quyết về cơ chế này phải dựa vào nguồn lực để thực thi. Khi ban hành, DN cầm hồ sơ lên ngay thì trước mắt cần ngay gần 105 tỷ đồng để giải quyết, nhưng ngân sách không có tiền hỗ trợ nên cần cân nhắc có ban hành hay không” - ông Tri nói.
Không chỉ về nguồn lực hỗ trợ, việc xác định sản phẩm đặc thù vẫn đang có khá nhiều ý kiến. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng có nghị quyết Chính phủ thì phải làm nhưng nên chọn đặc thù ít hơn, không dàn trải. Nhưng đất sản xuất đã hết, lấy gì cho DN đầu tư nên chỉ có thể hỗ trợ để tác động cho DN chế biến. Ngay như sâm Ngọc Linh, chỉ cần có đất là DN tự động “nhảy vào đầu tư” nên không cần hỗ trợ. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh nói nếu không có cơ chế hay quy định này thì DN sẽ vẫn được hưởng cơ chế hỗ trợ. Cơ chế này dành cho sản phẩm đặc thù nhưng xác định sản phẩm nào đặc thù của Quảng Nam là điều cần tính toán.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, nếu không ban hành nghị quyết thì chính quyền vẫn phải thực hiện việc hỗ trợ cho DN đầu tư vào khu vực này. Không thực hiện theo nghị quyết thì không được, còn thực hiện mà không có tiền thì biết làm sao? Không nên vội vã đưa ra, bởi khi mục tiêu chính sách không đạt được, sẽ làm mất niềm tin vào chính sách, nghị quyết và hiệu lực của hội đồng. Cân đối theo Nghị định 210 thôi cũng đã hết sức của địa phương. Vì vậy, sẽ tạm dừng ban hành cơ chế đặc thù này sau một năm để rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư, xác định sản phẩm đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào khu vực này.
Cần có bước đột phá Dự thảo cơ chế đặc thù DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có thể sẽ tạm dừng ban hành. Có thể đó chỉ là “bước dừng đúng lúc” để xem xét lại khả năng ngân sách, nhưng không thể bác bỏ việc đưa ra cơ chế riêng của Quảng Nam để khuyến khích DN đầu tư vào khu vực đầy khó khăn này. Thực tế, từ nhiều năm nay, những chính sách ưu đãi hỗ trợ ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn thời nào cũng có nhưng chưa nhiều DN mặn mà nhảy vào đầu tư. Bởi, làm nông nghiệp rủi ro, phụ thuộc thời tiết, đầu ra sản phẩm… nên kiếm được đồng lợi nhuận mướt mồ hôi. Đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi thời gian, vốn liếng, sự kiên trì và khó đem lại lợi nhuận tức thời như bất động sản hay ngân hàng một thời. Thêm vào đó giá cả của các sản phẩm nông nghiệp biến động mang tính chu kỳ, phụ thuộc vào cung cầu quốc tế và quốc nội. Đầu tư vào nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng của thời điểm làm nông nghiệp, vì thế không phải là không rủi ro. Trong khi tình hình kinh doanh của DN ngày càng khó khăn, muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn cần có những giải pháp đột phá. Việc DN có thể tiếp cận những ưu đãi đầu tư nông nghiệp một cách dễ dàng chính là bước đệm cần thiết để đưa DN về nông thôn. Điểm nghẽn trong nông nghiệp nhiều năm qua vẫn là hoạt động chủ yếu ở mô hình hợp tác xã và hộ cá thể dẫn tới yếu kém về vốn cũng như công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp. Vì vậy, một cơ chế đặc thù hỗ trợ, ưu đãi là điều chắc chắn sẽ phải được đặt ra. khi ngân sách không có tiền là cần thiết nhưng việc băn khoăn hay cân nhắc, tính toán việc tạm dừng ban hành một cơ chế ưu đãi cho DN là cần thiết nhưng cuối cùng cũng sẽ phải tính tới việc bố trí nguồn lực hỗ trợ. Thực hiện được điều này mới mong có thể thu hút được nguồn lực vốn và nhân tài vào khu vực đầy rủi ro này.(T.D) |
TÙY PHONG