Tập tành bán hàng từ khi học lớp 9, nhưng cho đến lúc này, thành công bước đầu mới đến với Lê Thị Thảo Hiền - cô gái quê Tam Kỳ, sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh. Shop Cỏ Mây của Thảo Hiền nằm trong một con hẻm trên đường Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) chất đầy các loại túi đan, giỏ xách, mũ... được làm thủ công từ những sợi lát, thân cây lục bình.
|
Thảo Hiền bên shop Cỏ Mây. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Từ 2 triệu đồng…
Trong một lần đi chơi, tình cờ thấy một bạn trẻ đeo chéo chiếc túi nhỏ làm từ cây lục bình, Thảo Hiền đã bị “hớp hồn” nên hỏi thăm rồi tìm mua cho bằng được. Và ý tưởng kinh doanh sản phẩm này chợt lóe lên trong đầu. Để rồi, khi trở lại trường sau kỳ nghỉ tết, Thảo Hiền quyết định kinh doanh mặt hàng này. “Vì mình cảm thấy chất liệu của túi này gần gũi, thân thiện với con người và môi trường; mẫu mã đơn giản nhưng người quý phái mang túi vẫn toát lên sự sang trọng; học sinh, sinh viên nữ đeo túi thì lại có vẻ cá tính. Vả lại, biết đâu nhiều người đã chán với loại túi hay ví da bóng loáng, và muốn chuyển sang dùng những sản phẩm gần gũi với thiên thiên” - Hiền chia sẻ.
Hiền dè dặt mở lời mượn 2 triệu đồng của ba mẹ để “khởi nghiệp” nhưng bị phản đối. Hai triệu đồng là khoản tiền không lớn đối với gia đình nhưng Hiền phải năn nỉ nhiều lần mẹ mới cho mượn sau vài ngày đắn đo. Có được 2 triệu đồng, mở shop Cỏ Mây, Hiền mua túi xách và mũ làm từ cói, lục bình rồi rao bán qua mạng. Tháng đầu tiên, shop Cỏ Mây có doanh thu gần 500 nghìn đồng. Không có chi phí để quảng cáo sản phẩm, Thảo Hiền nghĩ ra cách giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng từ mạng xã hội. Đến tháng thứ 3, doanh thu tăng lên hơn 4 triệu đồng. Hàng bán chạy, em mượn thêm hơn 10 triệu đồng của ba mẹ để tiếp tục đầu tư, làm ăn lớn hơn. Sau nhiều tháng đi lại khắp các nơi ở miền Đông Nam Bộ, cuối cùng Thảo Hiền cũng đã tìm mua được nguồn hàng từ gốc, giá rẻ hơn trước và cũng có thể cung cấp cho một vài mối sỉ nên bắt đầu có lợi nhuận. Cuối tháng thứ 4, kiểm tra doanh thu, thấy con số tăng lên gần 18 triệu đồng mà Hiền cứ ngỡ như mình đang mơ. Và con số cứ tăng dần vào những tháng tiếp theo. Tháng 8 này, doanh thu của shop Cỏ Mây đã đạt gần 90 triệu đồng và Hiền còn một “núi” hàng chất đầy căn phòng ở chung cư.
Nhưng, Thảo Hiền bị những người kinh doanh cùng mặt hàng cạnh tranh và “dìm hàng”... Dù có buồn nhưng Hiền không nản và em vẫn cạnh tranh theo kiểu của mình: lấy chất lượng và giá cả hợp lý để đem đến cho khách hàng sự hài lòng, lấy số lượng bù đắp giá bán và lợi nhuận. Thêm kiểu cạnh tranh nữa của Hiền là dù khách mua sỉ với chỉ 5 sản phẩm, Hiền vẫn chấp nhận bán, dù tiền lời khá thấp. Cách nghĩ, cách làm vì người khác như vậy đã góp phần giúp shop Cỏ Mây nhanh phát triển.
…đến cô chủ nhỏ
Khách hàng shop Cỏ Mây chủ yếu là sinh viên và công chức trẻ, nhưng không phải ai cũng dễ chịu. Hiền bảo, kinh doanh đúng là cái nghề làm dâu trăm họ và Hiền trải nghiệm được nhiều thứ khi bán hàng. Vốn nhiệt tình, và nhờ bán hàng mà Hiền tập được tính kiên nhẫn. “Mình đã niêm yết giá cụ thể cho từng sản phẩm mà có khách cứ thích hỏi giá nhiều lần, mình cũng phải kiên nhẫn và vui vẻ trả lời. Hay như một túi xách mình bán bình quân hơn 200 nghìn đồng, nhưng nếu khách mua về không dùng được hoặc dùng không hợp thì quá lãng phí nên mình tư vấn cặn kẽ cho khách, từ thẩm mỹ, đến kiểu dáng, kích thước và cách bảo quản” - Hiền nói. Đáng mừng, đa số khách hàng đều có phản hồi tốt về sản phẩm và cách bán hàng tận tâm, nhiệt tình của cô chủ nhỏ. Những chiếc túi, chiếc mũ ở shop Cỏ Mây của Thảo Hiền được làm từ cói, dây lục bình theo chân khách hàng đi khắp nơi trong nước. Nhiều khách hàng mang túi xách mua ở shop Cỏ Mây dạo chơi đã gửi ảnh cùng lời cảm ơn đến Hiền và tiếp tục đặt mua hàng để dùng và tặng người thân, bạn bè.
Hiện tại Thảo Hiền đang chuẩn bị bài vở cho kỳ tốt nghiệp và quần quật với việc mua bán, từ việc hẹn khách đến xem hàng, trả lời điện thoại, tin nhắn đến đóng gói và chuyển hàng. Chỉ còn vài tháng nữa là Hiền tốt nghiệp đại học. Em dự định khi công việc kinh doanh ổn định sẽ thuê nhân viên, còn mình sẽ thi tuyển để làm việc với chuyên môn đã học. “Vì nghề này đã nuôi sống mình khi còn sinh viên nên mình phải trân trọng và nuôi dưỡng nghề” - Hiền cho biết. Còn lúc này, ông Lê Thạnh - ba Thảo Hiền, chia sẻ: “Tôi an tâm phần nào với những thành công ban đầu của con, nhưng cũng không ít lo ngại về những khó khăn có thể đến với con, trong hành trình còn lắm gian nan...”.
CHÂU NỮ