Cổ Cò… vẫn nghẽn

TRỊNH DŨNG 21/05/2014 11:12

Ngày 19.5.2014, chính quyền Đà Nẵng đã khánh thành đường vành đai phía nam thành phố. Con đường có một cây cầu bắc qua sông cùng tên Cổ Cò nối thông từ biển đến quốc lộ 1 đã thành hiện thực, nhưng kế hoạch nối thông hai cửa Đại – Hàn qua 28,7km đường sông Cổ Cò như ước định… vẫn đang ở thì tương lai.

Tiến độ ì ạch

Khơi thông dòng sông Cổ Cò nối lại con đường hàng hải Cửa Đại (Hội An) và Cửa Hàn (Đà Nẵng) như xưa cũ luôn là câu chuyện được chính quyền TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đưa lên bàn nghị sự từ hơn 12 năm trước. Không ít nhà hoạch định chính sách, đầu tư khẳng định đây là mảnh đất vàng, là cơ hội “khó tìm thấy được ở nhiều nơi khác” để biến hai vùng Quảng Nam, Đà Nẵng trở thành tâm điểm của đầu tư du lịch miền Trung. Địa kinh tế - văn hóa của khu vực này sẽ dễ dàng hiện thực hóa ý tưởng xây dựng nên “những thành phố sinh thái” đặc thù, nên chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng đã đặt quyết tâm rất cao và nhanh chóng đưa ra kế hoạch khơi dòng sông cũ.

Dòng sông bị bồi lấp.
Dòng sông bị bồi lấp.

Hy vọng của người dân, nhà đầu tư tưởng đã nguội lạnh khi quá nhiều năm mọi chuyện bàn thảo chỉ trên giấy đã được hâm nóng trở lại sau hai cuộc họp của lãnh đạo hai địa phương hồi tháng 5.2012 và đầu năm 2013, kết thúc với một quyết định tháng 6.2013 chính thức khởi công dự án nạo vét, khơi thông dòng sông này. Khi ấy, chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng công bố ranh giới, cơ chế hỗ trợ bồi thường giải tỏa (cho dân chúng, nhà đầu tư…), quy hoạch chi tiết đất dọc sông (hoàn trả cho chủ đầu tư dự án) đã được xác định. Phía Quảng Nam đã chính thức phê duyệt dự án nạo vét, khai thông 19,7km đường sông Cổ Cò với tổng vốn đầu tư trên 625 tỷ đồng và Công ty CP Đất Quảng Chu Lai đã được chọn đầu tư. Còn 9km đường sông Đà Nẵng do Công ty Địa Cầu đảm trách việc khai thông. Cả hai doanh nghiệp này đều cam kết sẽ tiến hành dự án đúng như dự định, tìm kiếm doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư phát triển khu vực này.

Dự phóng về tương lai của dự án này hấp dẫn đến nỗi cả Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn Lê Trí Thanh và Chủ tịch UBND TP.Hội An Lê Văn Giảng khẳng định hai địa phương sẽ làm hết sức mình, kể cả “hy sinh quyền lợi địa phương”, dành sẵn đất đủ bố trí tái định cư… để dự án thực hiện đúng tiến độ. Thế nhưng, đã gần một năm đi qua, kế hoạch khai thông dòng sông này vẫn nằm trong dự định. Ngân sách không đủ nguồn lực để đầu tư là điều chắc chắn, còn phía chủ đầu tư, doanh nghiệp (cả Đà Nẵng, Quảng Nam) bị thiếu hụt năng lực tài chính, không kết nối được những nhà đầu tư khác hay sao mà tiến độ dự án nạo vét, khai thông dòng sông vẫn chưa tiến triển được như mong muốn? Chưa thấy có dấu hiệu gì thay đổi tích cực, mới mẻ trên khuôn mặt dòng sông cũ, dù dự án này là một trong số ít ỏi những dự án đầu tư nhận rất nhiều sự ủng hộ của chính quyền, người dân địa phương…

Cây cầu tên Cổ Cò bắc ngang sông Cổ Cò mới khánh thành. Ảnh: T.DŨNG
Cây cầu tên Cổ Cò bắc ngang sông Cổ Cò mới khánh thành. Ảnh: T.DŨNG

Dòng sông vẫn nghẽn

Ngày 19.5.2014, chính quyền Đà Nẵng đã khánh thành đường vành đai phía nam thành phố. Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cơ hội đầu tư khu vực này cho rằng con đường nối thông biển lên quốc lộ 1 với chiếc cầu bắc ngang sông Cổ Cò đã hiện thực hóa kế hoạch xây dựng thành phố nối dài có 9 cây cầu qua sông như ước định của hai vùng. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra thất vọng khi nhìn thấy dòng sông chảy dưới cầu vẫn như một lạch nước nhỏ vướng đầy bèo. Sông Cổ Cò vẫn bị vùi lấp, đứt quãng, nhiều nơi bị nghẽn, không thể tìm thấy được lòng sông. Phải mất đến hết một ngày, kể cả đường thủy, bộ mới có thể đi qua hết 28,7km (theo tài liệu) chiều dài dòng sông dưới cái nắng như rang người một ngày tháng 5. Chín ki lô mét đường sông phía Đà Nẵng (dân làng Hòa Quý còn gọi là sông Ưng) hay 7km sông phía Hội An (Đế Võng, Bến Trễ) dù mặt nước đã bị che chắn bởi những cụm đăng, đó hay “nhà chồ” của dân chài lưới ven sông, vẫn còn đủ rộng để thuyền máy di chuyển. Đoạn qua Điện Dương, chỗ rộng nhất thuộc rừng Hà Gia, còn lại giống như một con lạch nhỏ cụt đường và biến mất. Trên mặt đất phía Điện Nam – Điện Ngọc chỉ còn lại những bãi cát mênh mông, đứt quãng đầy bụi đất, tiếng ồn giữa một công trình xây dựng ngổn ngang nhà cửa, đường sá và dự án đầu tư. Những người khảo sát không thể nào hình dung nổi về một con sông thơ mộng đã từng chảy qua vùng đất này thời cũ. Ông Trần Anh Quân, một nhà đầu tư bất động sản và các dự án du lịch ở Đà Nẵng nói giới đầu tư đã chuẩn bị khá nhiều dự án, chỉ chờ hội đủ điều kiện và cơ hội là sẽ tiến hành đầu tư vào vùng đất này. Thế nhưng, những gì thấy được sau cuộc khảo sát bất ngờ này thì phải rất lâu mới thấy được tín hiệu khả quan về kế hoạch khai phóng thủy lộ này của hai địa phương.

Không ít nhà đầu tư cho rằng con sông nối Hội An và Đà Nẵng không chỉ để phát triển du lịch. Đó còn là chuyện khơi thông cả dòng chảy lịch sử văn hóa và kinh tế Quảng Nam – Đà Nẵng. Mọi sự chậm trễ không chỉ làm suy giảm nguồn lực địa phương mà còn cả cơ hội đầu tư tương lai. Tuy nhiên, dù có thừa quyết tâm và kế hoạch, nhưng ai và bao giờ hiện thực hóa cơ hội khai phóng dòng sông này vẫn còn là chuyện chưa thể định vị được? Vì thế, dù rất nóng lòng, những nhà lữ hành như Phạm Vũ Dũng (Công ty Hoa Hồng, Hội An) nói là nhiều công ty du lịch vẫn tiếp tục mở tour đường sông hai chiều Hội An – Đà Nẵng theo sông Vĩnh Điện, dù tốn khá nhiều thời gian để đón đầu và chờ đợi một ngày…

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cổ Cò… vẫn nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO