Có còn tuổi thơ?

H.YÊN- H.LIÊN 23/09/2014 09:01

Bất chấp cái nắng cháy da, nhiều trẻ em vùng cao Tây Giang đổ ra sông, đào bới đất đãi tìm vàng, đánh đổi tuổi thơ vì mưu sinh, bất chấp nhiều hệ lụy từ việc làm này.

Alăng Thị Phương (ngồi) đang thoăn thoắt đôi tay đãi vàng trên dòng sông A Vương. Ảnh: H.H
Alăng Thị Phương (ngồi) đang thoăn thoắt đôi tay đãi vàng trên dòng sông A Vương. Ảnh: H.H

Đã bước vào năm học mới, nhưng những ngày này, dọc theo triền sông A Vương đoạn chạy qua thôn Agrồng, xã A Tiêng, chúng tôi chứng kiến cảnh khá đông trẻ em đào bới đất đãi vàng sa khoáng. Những trẻ em địa phương có mặt từ sáng sớm dọc theo bờ sông để mưu sinh, đứng thành từng tốp, đứa xúc đất, đứa đãi vàng. Hơn 11 giờ trưa, trời hầm hập nóng, trên đầu không mũ, không áo khoác nhưng Alăng Thị Phương (12 tuổi, thôn Agrồng) vẫn cùng 2 đứa em kiên nhẫn ngâm mình dưới dòng nước đục ngầu để tìm kiếm cơ may. “Từ sáng tới giờ chưa ăn gì, đói bụng lắm. Nhưng ráng tới trưa, may đãi được ít vàng là có đồ ăn thôi” - Phương nói. Phương còn cho biết, những ngày hè em theo mẹ đi đãi vàng cả ngày, bây giờ vào năm học mới nên mỗi ngày chỉ đi được một buổi, buổi còn lại phải đến trường đi học. “Ba em mất sớm, mẹ phải vất vả nuôi ba chị em ăn học. Vì nhà quá nghèo, mọi gánh nặng đều đặt lên vai mẹ. Thấy thương mẹ, hàng ngày em dậy từ 6 giờ sáng cùng mẹ đi dọc bờ sông A Vương để  đãi vàng sa khoáng, tới khoảng trưa thì về nhà đi học. Mỗi buổi như thế em kiếm được khoảng 10.000 - 15.000 đồng, có khi ít hơn. Đi đãi vàng, không có thời gian học, em thường bị thầy cô nhắc nhở vì bài vở không thuộc, em rất buồn, nhưng còn biết làm sao!” - Phương chia sẻ.

Dưới cái nắng hắt xuống dòng sông cạn kiệt, khuôn mặt như cháy sạm hơn, Alăng Hiệp (9 tuổi) thoăn thoắt đôi tay với chiếc bồn đãi vàng bằng sắt nặng trĩu xoay tròn lia lịa, lớp đất cát vừa trôi, em dán mắt vào chiếc mâm cố tìm những hạt cám vàng. Hiệp nói: “Em nghỉ học lâu rồi, nhà có 10 người, vì nghèo quá em phải nghỉ học từ năm lớp 2. Hàng ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, em cùng một số bạn trong xóm rủ nhau ra sông đãi vàng. Mỗi ngày chúng em cũng chỉ mong đãi được ít cám vàng để có tiền mua gạo về ăn”. Cách đấy không xa cũng có 2 em bé chừng 4 - 5 tuổi đang ngâm mình dưới lòng sông. Ở tuổi các em lẽ  ra phải được ngồi học ở trường mầm non, được chơi những trò chơi cầu ván, cầu trượt..., nhưng các em cũng đã phải theo cha mẹ ra sông đãi vàng. Tuổi thơ của các em bị đè nặng bởi cơm áo, gạo tiền, với các em việc đến trường không còn quan trọng nữa.

Nghèo đói đeo bám, nhiều bậc phụ huynh không còn quan trọng chuyện học hành của con cái. Chị Bnướch Lê (40 tuổi) rầu rĩ nói: “Chồng mất sớm, để lại cho tôi 3 đứa con tuổi ăn, tuổi học. Cũng mong muốn con cái đầy đủ như người ta, được học hành đàng hoàng, nhưng nhà nghèo quá, đành phải cho con phụ giúp để kiếm thêm miếng cơm qua ngày”.

Ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết, tình trạng học sinh bỏ học để đi làm, trong đó có cả đi đãi vàng, năm nào cũng xảy ra. Tuy số lượng những năm gần đây có giảm nhưng vẫn còn nhiều, chủ yếu những em có hoàn cảnh khó khăn. Riêng xã Lăng và A Tiêng, số lượng học sinh đi đãi vàng nhiều nhất. Không chỉ lơ là chuyện học hành, công việc của các em còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thời gian gần đây có một số em bị trượt chân té khi đi đãi vàng trên sông phải vào bệnh viện, nhiều em bị mắc bệnh ngoài da do ngâm mình cả ngày dưới dòng sông ô nhiễm… Ngoài những hệ lụy đó, điều khiến chúng tôi suy nghĩ còn từ chia sẻ của chị Bnướch Lê: “Tụi nhỏ làm có tiền rồi, sa vào trò chơi điện tử. Mình la bảo, nó không nghe còn hay cãi lại. Buồn lắm!”.

H.YÊN- H.LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có còn tuổi thơ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO