Sống nơi thành phố, dù là cái thành phố nhỏ thuộc loại “thành phố trực thuộc... nông thôn”, mà có được một mảnh sân vườn nhỏ để trồng cây là điều may mắn.
Minh họa: VĂN TIN |
Đất ít, người đông, nên từng tấc đất thổ cư đều có giá trị để quy đổi thành tiền. Tôi may mắn có được một mảnh sân vườn nhỏ. Chỉ dùng để trồng rau. Ở thời buổi mà đi đâu cũng nghe nói đến thực phẩm bẩn thì trồng được một ít rau sạch để ăn cũng là điều nên làm. Nhưng trồng được một đám rau như ý cũng chẳng phải là điều đơn giản. Nào là xới đất, bón phân, chọn mùa thích hợp, tưới nước hằng ngày... Mà khi đám rau đã lên xanh, thường là chỉ một hoặc hai loại rau, ăn đâu có hết, để dành cũng héo, phải đem cho. Nên đôi khi lười biếng không trồng nữa, để mặc khoảng đất nhỏ cho cỏ dại mọc đầy.
Mà trên đời này, có lẽ không có loài nào có sức sống mãnh liệt như loài cỏ dại. Nó hiện diện khắp nơi. Ở những vùng đất bỏ hoang, cỏ dại phát triển là chuyện bình thường. Một khu đất bỏ hoang, bỏ quên không nhòm ngó đến, một thời gian sau quay lại có khi không tìm được lối đi bởi có dại lan tràn. Thậm chí, nó vẫn có thể sống âm thầm giữa khe nứt trên những khối đá giữa một vùng hoang mạc khô cằn. Nhà thơ Bạch Cư Dị có bài thơ nói đến cỏ:
Ly ly nguyên thượng thảo,
Nhất tuế nhất khô vinh.
Dã hỏa thiêu bất tận,
Xuân phong xuy hựu sinh.
Cỏ trên cánh đồng xanh thắm ngút ngàn. Mỗi năm, cỏ trên đồng cứ một lần khô héo, rồi lại tốt tươi. Lửa đồng có đốt bao nhiêu đi nữa, đồng cỏ cũng không bao giờ chết hết. Chỉ cần một ngọn gió xuân thổi qua là đồng cỏ khô cằn kia lại sinh sôi nảy nở. Cỏ dại tiếp nhận sức sống kỳ diệu miên man bất tuyệt dâng trào từ lòng đất, hơn bất cứ một loài cỏ cây nào. Giống như thần Antaeus trong thần thoại Hy Lạp, con trai của thần đại dương Poseidon và nữ thần đất Gaia. Antaeus có sức mạnh gần như vô địch, vì một khi chân ông ta còn chạm vào đất thì ông ta lại nhận được sức mạnh phi thường từ Mẹ đất Gaia.
Thi hào Mỹ Whitman cũng làm một tập thơ vĩ đại với nhan đề Lá Cỏ (Leaves of Grass). Nhưng đằng sau những lá cỏ bình dị đó, ta nhận ra cả một cõi tư tưởng mênh mông, như những khu rừng nguyên sinh huyền ẩn. Những lá cỏ đó làm ta choáng ngợp. Tư tưởng trong tập thơ vĩ đại đó như tiếp nhận được sức sống từ loài cỏ dại. Mãnh liệt và bất tuyệt.
Cụ Nguyễn Trãi khi về ở ẩn, vui thú điền viên, cũng noi theo Chu Đôn Di, để cỏ mọc đầy trước sân nhà.
Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân
Trúc rợp hiên mai quét tục trần
Đọc thơ ta có thể hình dung nơi nhà thơ ở ẩn là một căn nhà đơn sơ, lối vào nhà đầy cỏ xanh, hai bên là hai hàng trúc rủ bóng. Tự nhiên ta thấy tâm hồn nhẹ nhõm, lâng lâng. Những phiền muộn trong đời, những đua chen của thế tục như đã bị bỏ lại ở ngoài.
Chu Đôn Di hay Chu Liêm Khê (1017 - 1073) là một triết gia Trung Quốc, sống vào đời Tống. Ông là người có tư tưởng trác việt và nhân cách thanh cao. Trước cửa sân nhà, ông để cỏ xanh mọc đầy, không bao giờ dọn cỏ. Có người hỏi cớ sao, ông đáp: “Dữ tự gia ý tứ nhất ban” (tâm ý của nó cũng giống như ta vậy). Ý ông muốn để cho cỏ xanh được tự sinh trưởng, được tự do phát triển theo lẽ tự nhiên. Đó cũng là một cách nuôi dưỡng lòng nhân. Không nỡ làm tổn hại đến ngọn cỏ thì cũng có nghĩa là không thể làm tổn hại đến con người. Đạo lý nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu của con người thường bắt đầu từ những điều bình dị như thế, chứ đâu cần đến những ngôn từ đao to búa lớn.
Nhìn những hàng cây nơi công viên, quảng trường được xén tỉa gọn gàng, đều đặn như cảnh quân đội sắp hàng ngay ngắn, đều tăm tắp, hẳn ta không khỏi ít nhiều vơi đi niềm hứng thú. Cảnh vật đó đã mất đi vẻ tự nhiên. Như một người phụ nữ trang sức quá mức, nên không còn thấy đẹp nữa. Các bạn hãy thử một lần một mình đứng nhìn những khu vườn bỏ hoang, có dại um tùm. Cỏ leo lên cả đầu những bức tường đổ để trổ những ngọn lau phất phơ theo gió chiều. Cảnh tượng đó thường đem lại cho ta cảm giác thanh thản, mà tạm quên đi những xô bồ mệt mỏi với cuộc sống cơm áo thường ngày.
Trong một khu vườn, để cỏ dại phát triển um tùm hiển nhiên không phải là điều hay, nhưng cũng đừng nên cắt bỏ, xén tỉa chúng một cách thô bạo theo ý muốn của ta. Nếu vườn rộng, hãy dành một khoảnh đất nhỏ để cho cỏ dại. Để mỗi chiều, khi ngồi nơi bậc cửa, nhâm nhi chén trà ly rượu, nhìn ra những ngọn cỏ dại ta còn cảm nhận được chút gì mộc mạc của thế giới tự nhiên.
LIÊU HÂN