(QNO) - Không chỉ tự giải thoát mình, Rajni Devi (18 tuổi) được xem như vị cứu tinh khi giúp nhiều trẻ em gái tìm được cơ hội đến trường và thoát khỏi vụ tảo hôn tại Ấn Độ.
Rajni Devi bên bố mẹ. Ảnh: CNN |
Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tảo hôn hay hôn nhân ở trẻ em cao nhất thế giới. Tảo hôn làm tăng nguy cơ bệnh tật, thất học cũng như bị lạm dụng ở trẻ em và khiến sự đói nghèo kéo dài đến nhiều thế hệ, gây nhức nhối xã hội. Mặc dù pháp luật nghiêm cấm nhưng vấn đề tảo hôn vẫn xuất hiện khắp các vùng tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Khi 14 tuổi, mẹ của Rajni Devi nói rằng em phải kết hôn. Rajni Devi cương quyết từ chối và hằng ngày vẫn đạp xe với quãng đường dài hàng chục cây số để đến trường. Trong suốt nhiều tuần, Rajni Devi mới thuyết phục được bố mẹ bỏ qua việc kết hôn của mình. Như bao trẻ em gái vùng Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ nói riêng và khắp nơi trên thế giới, Rajni Devi có ước mơ tươi đẹp về tương lai, trước hết là được đi học và không muốn phải làm “cô dâu trẻ em”.
Ngay trong những tháng sau đó, Rajni Devi đã ngăn thành công nhiều cuộc hôn nhân trẻ em khác trong cộng đồng của mình ở quê hương Uttar Pradesh. Rajni Devi huấn luyện các trẻ em gái về cách can thiệp và nói chuyện với bố mẹ để các em không trở thành nạn nhân của tảo hôn. Rajni Devi nói: “Tôi không biết nhiều về những gì xảy ra sau khi kết hôn. Tôi chưa sẵn sàng để làm vợ, làm mẹ”.
Rajni Devi và những đứa trẻ tại cộng đồng nơi em sinh sống. Ảnh: CNN |
Rajni Devi kể mẹ em đã kết hôn khi bà ấy mới 11 tuổi. Quan niệm của nhiều người lớn tuổi trong làng ở bang Uttar Pradesh nơi cô sinh sống, việc nữ giới kết hôn càng sớm càng tốt. Một hủ tục ăn sâu vào văn hóa của nhiều cộng đồng Ấn Độ dù đã bị Chính phủ cấm. Rằng các cô gái càng học nhiều sẽ càng lớn tuổi thì của hồi môn mà cha mẹ cô dâu phải đưa cho nhà trai càng cao.
Rajni Devi nói với hãng tin CNN, ngoài ra còn có vấn đề về danh dự: con cái càng lớn tuổi thì càng có nhiều người trong làng lo lắng, vì sẽ mang lại sự bẽ mặt hoặc xấu hổ cho gia đình nếu các cô gái vẫn chưa kết hôn.
Rajni Devi hiện dẫn đầu nhóm gồm 20 cô gái trong làng đấu tranh vì quyền lợi của chính họ. Nhờ vào những đóng góp vì sự tiến bộ của xã hội, tương lai lai cho các trẻ em gái vùng Uttar Pradesh, Rajni Devi vinh dự nhận học bổng của chương trình Girl Icon Fellowship. Đây là một giải thưởng của tổ chức phi lợi nhuận Milaan Foundation nhằm mang đến cho các bé gái cơ hội thay đổi cộng đồng.
Rajni Devi nói em mơ ước tiếp tục chiến đấu giành công lý cho phụ nữ và trẻ em gái, trở thành một sĩ quan cảnh sát và mở một trường học trong làng của mình.
QUỐC HƯNG